Nâng cao hơn nữa chất lượng xây dựng luật

Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 05/06/2010

(HNM) - Sáng 4-6, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 và Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư.

Xây dựng luật - tiến độ chậm, chất lượng chưa bảo đảm
Đánh giá về quá trình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với sự cố gắng của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, nhiều dự án luật, pháp lệnh đã được chuẩn bị, trình và thông qua đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều dự án chưa được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các ủy ban của Quốc hội theo đúng tiến độ đã dự kiến. Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, do việc chuẩn bị nhiều dự án luật của các cơ quan soạn thảo không đúng tiến độ, không bảo đảm chất lượng nên Văn phòng Chính phủ cũng bị động trong việc chuẩn bị chương trình, tài liệu cho các phiên họp của Chính phủ. Việc này làm ảnh hưởng đến tiến độ thẩm tra, cho ý kiến của các cơ quan của Quốc hội.

Về vấn đề này, các đại biểu bày tỏ sự không hài lòng về kỷ luật tổ chức thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh không nghiêm, chưa đúng kỷ cương và quy định của pháp luật. Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2011 mới nêu tình hình chứ chưa thấy trách nhiệm, nguyên nhân không thực hiện đúng chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2010 và như vậy cũng chính là không thực hiện nghiêm pháp luật và vì vậy cần làm rõ nguyên nhân chủ quan và trách nhiệm. Đại biểu Phương Hữu Việt (đoàn Bắc Ninh) phản ánh ý kiến cử tri cho rằng chất lượng luật chưa cao, chưa đi vào cuộc sống. Các đại biểu Vũ Hồng Anh, Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội), Nguyễn Tấn Trịnh (đoàn Quảng Nam) nêu thực trạng nhiều văn bản pháp luật được đưa vào chương trình xây dựng nhưng sau đó lại bị rút ra, với lý do ban soạn thảo chưa chuẩn bị kịp (dự án Luật Thủ đô, Luật Đất đai...).

Quốc hội phải kiểm soát những dự án quan trọng
Về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết về dự án, công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, các đại biểu đặc biệt quan tâm đến những yếu tố thuộc về tiêu chí, phạm vi điều chỉnh để xác định dự án thuộc đối tượng phải trình Quốc hội. Đại biểu Bùi Duy Nhâm (đoàn Hà Nội) cho rằng thực tế thời gian qua có quá nhiều dự án, công trình phát sinh tăng vốn, kéo dài thời gian. Vì vậy, đại biểu đồng tình với quy định khi kéo dài thời gian thực hiện dự án, công trình quan trọng quốc gia từ 1 năm trở lên, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để xem xét, quyết định.

Về tiêu chí quy định dự án, công trình được coi là quan trọng, phải trình Quốc hội, các đại biểu lưu ý đến một số vấn đề có tác động của dự án như môi trường, an ninh quốc phòng (ANQP). Đại biểu Đỗ Căn (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, phải lưu ý đến những công trình, dự án có liên quan đến ANQP, theo hướng tránh quan trọng hóa yếu tố quốc phòng nhưng cũng không được hữu khuynh, coi trọng phát triển kinh tế mà xem nhẹ yếu tố quốc phòng. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) thì lo ngại với việc nâng cao mức diện tích rừng trong quy định mới (để được coi là công trình trọng điểm, quan trọng) sẽ là nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, giảm diện tích rừng mà không được kiểm soát kịp thời...

Liên quan đến khối lượng vốn cho dự án để xác định tính "quan trọng", "trọng điểm", đại biểu Đặng Văn Khanh (đoàn Hà Nội) tán thành việc đưa thuật ngữ "cụm công trình liên kết chặt chẽ" vào Nghị quyết để điều chỉnh đối tượng nhóm công trình gồm nhiều dự án nhỏ, số vốn chưa đến mức phải trình Quốc hội nhưng thực chất gắn liền với nhau và tổng vốn cho cả nhóm lại rất cao. Cũng về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Tiến (đoàn Hà Tĩnh) băn khoăn về căn cứ xác định công trình quan trọng là công trình có số vốn từ 35 nghìn tỷ đồng. Thêm nữa, căn cứ này cũng được sử dụng đối với dự án đầu tư ra nước ngoài. Từ ý kiến này, đại biểu yêu cầu cần nghiên cứu kỹ hơn nữa các điều kiện đầu tư ra nước ngoài.

Đại biểu Ngô Thị Doãn Thanh (đoàn Hà Nội):
Mong muốn Luật Thủ đô được thông qua tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian tới, tôi tán thành đưa việc xem xét, thông qua Luật Bầu cử Quốc hội, bầu cử Hội đồng nhân dân vào chương trình làm việc của Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XII. Đây là việc làm cần thiết để chuẩn bị cho quá trình bầu cử Quốc hội khóa XIII, dự kiến sẽ được tổ chức vào đầu năm 2011. Đồng thời, cần đưa dự án Luật Tổ chức Quốc hội và HĐND vào chương trình chính thức của Kỳ họp thứ tám, chứ không phải là chương trình chuẩn bị. Bởi trước khi bầu cử Quốc hội, HĐND, vấn đề tổ chức của 2 cơ quan này cần được làm rõ. Và vì vậy, chúng ta cần sớm thực hiện việc tổng kết công tác thí điểm không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, xã, phường...

Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011, trong đó có chương trình của Kỳ họp thứ nhất, thứ hai Quốc hội khóa XIII, tôi cơ bản tán thành. Tuy nhiên, trong chương trình này có nội dung xem xét thông qua Luật Thủ đô. Cá nhân tôi vẫn muốn đưa luật này sớm xem xét, thông qua tại các kỳ họp của Quốc hội khóa XII.

Thành Tâm