Vẫn còn làm luật kiểu tản mạn
Chính trị - Ngày đăng : 18:00, 04/06/2010
> Không nhất trí dự án phát sinh tăng vốn trên 20% mới báo cáo
Vẫn còn làm luật kiểu tản mạn
Đó là nhận xét của đại biểu Nguyễn Đăng Trừng (TPHCM).
“Chúng ta vẫn làm luật kiểu tản mạn, nhiều luật chưa cần thiết vẫn đưa vào chương trình gây tốn thời gian của Quốc hội”, đại biểu Trừng nói.
Theo đánh giá của đại biểu Trừng, trong nhiệm kỳ Quốc hội này, các dự án luật được trình ra Quốc hội chủ yếu là từ nhu cầu của cơ quan trình luật, chứ chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế, yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội.
Rất thẳng thắn, đại biểu Bùi Quang Bền (Kiên Giang) nhận xét, phần lớn các chương trình xây dựng luật và pháp lệnh được đề ra ở mỗi kỳ họp đều không đạt, chất lượng của các dự án luật còn nhiều vấn đề đáng bàn: nhiều dự án luật được làm sơ sài, hoặc quá chung chung…
“Nếu không rút kinh nghiệm, để kéo dài mãi tình trạng này, Quốc hội sẽ mất uy tín”, đại biểu Bền nói.
Một ví dụ được các đại biểu nêu là ngay tại kỳ họp này, Quốc hội cũng đưa ra tới hơn 20 phần việc, trong đó có những dự án Luật đưa ra thảo luận nhưng tính chất của nó chưa thực sự cấp thiết như Luật Nuôi con nuôi, Luật Bưu chính…, trong khi có nhiều dự Luật quan trọng như Luật biển Việt Nam thì lại không được đưa vào chương trình nghị sự.
Để khắc phục những hạn chế trên, đại biểu Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, Quốc hội chỉ cần tiến tới ra được “đầu bài” cho các cơ quan soạn thảo xây dựng các dự luật đáp ứng yêu cầu về phát triển kinh tế – xã hội.
Đồng quan điểm, đại biểu Hồ Quốc Dũng (Bình Định) cũng đề nghị cần ưu tiên hơn tới những vấn đề bức xúc của đất nước trong quá trình xây dựng pháp luật, không để những vấn đề thiết yếu cứ trôi qua năm này đến năm khác.
Đại biểu Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) đề nghị, ngay từ giai đoạn phê duyệt hồ sơ dự án luật, pháp lệnh gửi lên Chính phủ, cần đề cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp, cơ quan giúp Chính phủ thẩm định những dự án luật cần thiết để đưa vào chương trình, kiên quyết loại ngay từ đầu những dự án luật chưa cần thiết.
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai (Bình Phước) cho rằng, cần nâng tính pháp lý của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh lên cao hơn, có chế tài xử lý hoặc quy được trách nhiệm cụ thể khi không đảm bảo tiến độ, chất lượng của Chương trình.
Một số đại biểu khác đề nghị, đối với những dự án luật khó và có nhiều khúc mắc nên để lại đến cuối khóa, chứ không để sang khóa sau. Còn các chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khi đã được thông qua thì cần được triển khai thực hiện ngay, bảo đảm tính ổn định của chương trình và chỉ điều chỉnh trong trường hợp thật cần thiết.
Tán thành việc nâng vốn dự án, công trình quan trọng quốc gia lên 35.000 tỷ đồng
Một trong những sửa đổi quan trọn trong Nghị quyết 66 của Quốc hội là nâng quy mô vốn đầu tư của dự án, công trình quan trọng quốc gia phải trình Quốc hội quyết định từ mức 20.000 tỷ đồng hiện nay lên 35.000 tỷ đồng. Sửa đổi này được nhiều đại biểu tán thành vì thực tế, quy định hiện tại là không phù hợp do quy định vốn đầu tư được tính theo thời giá năm 2006.
“Trong thực tế kinh tế hiện nay, so với năm 2006, đã phát triển tương đối xa, nên nếu vẫn giữ quy định mức 20.000 tỷ phải trình Quốc hội thì sẽ có rất nhiều dự án phải xin ý kiến, trong khi Quốc hội 1 năm chỉ họp 2 lần, ảnh hưởng đến thời cơ đầu tư”, đại biểu Đinh Xuân Thảo (Kiên Giang) nói.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề xuất, không chỉ các dự án, công trình, mà ngay cả Đồ án có tổng mức đầu tư lớn cũng phải trình Quốc hội.
Một vấn đề được đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) gợi mở là điều kiện kèm theo các dự án trên là phải có tỷ lệ 30% vốn nhà nước trở lên. Vậy với những dự án lớn hàng trăm ngàn tỷ đồng nhưng không có tiền nhà nước thì có phải là dự án, công trình quan trọng quốc gia không?
“Rõ ràng khái niệm dự án quan trọng quốc gia chưa rõ”, đại biểu Lịch nói.
Đối với dự án, công trình mà công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (từ 51% trở lên) tham gia đầu tư, một số đại biểu băn khoăn vì không dễ xác định tỷ lệ 30% vốn nhà nước trở lên trong tổng vốn đầu tư dự án, công trình bởi nguồn vốn đầu tư chưa hoàn toàn là vốn nhà nước hoặc có nguồn gốc vốn nhà nước. Mặt khác, hiện đang có sự nhầm lẫn giữa tài sản pháp nhân của doanh nghiệp với cổ phần của chủ sở hữu.
Việc phải sửa đổi, bổ sung vào Nghị quyết 66 nội dung quy định về đầu tư ra nước ngoài cũng được các đại biểu ủng hộ. Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh, với các dự án, công trình này, điều quan trọng nhất là Quốc hội phải giám sát được lượng vốn ngoại tệ sẽ mang ra ngoài đầu tư, chứ không phải là quy mô dự án lớn bao nhiêu, bởi vấn đề này liên quan đến cân đối ngoại tệ quốc gia.
Vì vậy, các dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài phải bổ sung thêm 1 tiêu chí là tính an toàn, ổn định của dự án; đảm bảo tính chặt chẽ và an toàn đồng vốn nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.Hồ Chí Minh) cho rằng, nên cân nhắc lại quy định về tỷ lệ vốn góp của nhà nước trong dự án đầu tư ra nước ngoài, bởi nếu dự án có số vốn rất lớn, trong đó vốn nhà nước chỉ góp 10%-15% (trong khi quy định là 30% trở lên mới phải trình Quốc hội) thì cũng khiến một lượng ngoại tệ không nhỏ “chảy” ra ngoài.
Đại biểu Nguyễn Kim Hồng (Đồng Tháp) đề nghị, cần bổ sung thêm tiêu chí đối với các dự án, công trình đầu tư ra nước ngoài. Nếu đặt vấn đề thẩm tra, cũng phải xem xét có đủ điều kiện để giám sát thực tế ở đó không bởi lực lượng các Ủy ban hiện nay còn khá “khiêm tốn”...