Thương hiệu ICT Việt Nam: Từ ao nhà ra biển lớn

Xe++ - Ngày đăng : 07:21, 04/06/2010

(HNM) - Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng đề án sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về công nghệ thông tin (CNTT), trong đó có mục tiêu xây dựng được các thương hiệu CNTT - truyền thông mạnh (ICT) vươn ra thế giới. Đây cũng là chủ đề của cuộc tọa đàm do Bộ TT&TT tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nghiên cứu phần mềm ứng dụng tại Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Đan Phong. Ảnh: Khánh Nguyên


Nghịch lý hay trình độ công nghệ?
Một chuyên gia nhận xét, trong khi trên thế giới các thương hiệu mạnh (được định giá và xếp hạng ở vị trí cao) thuộc về các tập đoàn CNTT (IBM, Microsoft, Apple…), thì ở Việt Nam các thương hiệu có giá trị lớn lại thuộc về ngành viễn thông với các tên tuổi Mobifone, Vinaphone, Viettel (di động); cố định và internet là VNPT, Viettel. Đáng chú ý, năm 2008 một tổ chức nước ngoài đã định giá thương hiệu Mobifone là 2 tỷ USD. Nhưng, những thương hiệu nổi tiếng trên lại thuộc về lĩnh vực cung cấp dịch vụ, chứ không phải là nhà sản xuất hoặc cung cấp công nghệ.

Ở lĩnh vực CNTT, các chương trình xây dựng thương hiệu máy tính Việt Nam, doanh thu phần mềm hầu như không thực hiện được. Mục tiêu đạt doanh thu với những con số cụ thể vào mốc thời gian cụ thể lần lượt thất bại (kế hoạch đạt 500 triệu USD từ phần mềm năm 2005 không thực hiện được); doanh thu từ ngành này mang lại chủ yếu là do gia công phần mềm cho nước ngoài. Các sản phẩm phần mềm cơ bản, thông dụng sử dụng trong nước vẫn phụ thuộc vào nước ngoài. Lĩnh vực phần cứng với các tên tuổi CMS, FPT Elead… sau khi "làm mưa làm gió" với những dự án trúng thầu cung cấp cho khối cơ quan nhà nước, nay cũng đã mờ nhạt dần và khó cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài. Lý do, toàn bộ linh kiện, thiết bị máy tính đều nhập ngoại về để lắp ráp trong nước đối với dòng PC (máy tính cá nhân) và sản xuất 100% tại nước ngoài với dòng laptop. Các doanh nghiệp (DN) game chủ yếu thực hiện chức năng phân phối và kinh doanh game nước ngoài tại thị trường trong nước…

Trước đó, Tập đoàn Viettel từ cung cấp dịch vụ viễn thông công bố kế hoạch đầu tư sản xuất các sản phẩm CNTT, như máy cố định, di động, phần mềm… và mới đây nhất đã công bố cho ra đời sản phẩm điện thoại cố định không dây Homephone. Nhưng, Viettel cũng nói rõ là chỉ làm chủ khâu thiết kế, còn sản xuất vẫn phải thực hiện ở nước ngoài.

Giấc  mơ chưa được chắp cánh
Trong bản đề án "Tăng tốc", Bộ TT&TT đặt mục tiêu Việt Nam sẽ có các thương hiệu ICT mạnh vươn ra thế giới, có thể hiểu chậm nhất đến năm 2020 nước ta phải có một vài thương hiệu ICT chiếm lĩnh được thị trường nhất định ở nước ngoài. Đó là một kế hoạch lớn, thể hiện nhiều khát vọng của cộng đồng DN ICT và người yêu CNTT. Đó là mục tiêu đúng đắn, nhưng các DN đã, đang phấn đấu xây dựng thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường toàn cầu này phải làm gì, làm như thế nào lại là cả vấn đề, nhất là khi chính mình chưa làm chủ được "sân nhà". Lãnh đạo các DN  ICT đều thừa nhận rằng, muốn có thị trường toàn cầu, phải đứng vững tại thị trường trong nước, từ đó mới tạo thế và lực để vươn ra toàn cầu. Cho dù ý kiến của một vài DN có khác nhau về việc lựa chọn cách thức để xây dựng thương hiệu, như nên chú trọng sản phẩm hay thị trường… Song, suy cho cùng, sản phẩm hay thị trường cũng đều đi đến cái đích cuối cùng là DN bán được hàng, vì có thị trường mà không có sản phẩm tốt hoặc ngược lại có sản phẩm tốt mà không có thị trường phù hợp và thiếu một trong hai cái DN coi như thất bại.

Trở lại chuyện cũ, cách đây hơn chục năm, khi đó FPT với chiến lược mở các văn phòng đại diện ở nước ngoài để làm phần mềm đã đề ra khẩu hiệu toàn cầu hóa FPT. Ngày đó, FPT và nhiều người yêu CNTT Việt Nam đều mong muốn kế hoạch này thành hiện thực, song câu chuyện không đơn giản như vậy… FPT và ngành phần mềm Việt Nam đã gặp những khó khăn không nhỏ từ "giấc mơ" này. Và sự thất bại về giấc mơ toàn cầu cũng có những tác động nhất định đến cộng đồng CNTT Việt Nam.

Việt Nga