Những điển hình ''Tuổi cao gương sáng''
Chính trị - Ngày đăng : 07:15, 04/06/2010
Ông Nguyễn Văn Định ở tổ 18, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên là tấm gương Người cao tuổi tiêu biểu. Gia đình ông có cơ sở sản xuất mộc dân dụng và cơ khí mạ kim loại gia công các sản phẩm phụ tùng xe máy, xe đạp, tạo việc làm cho gần 200 lao động có thu nhập 1,2-5 triệu đồng/người/tháng. Gia đình ông còn thường xuyên tham gia các hoạt động từ thiện, đóng góp 25-30 triệu đồng/năm và nuôi đỡ đầu 3 trẻ em mồ côi. Trong ảnh: Ông Định và con gái tại cơ sở sản xuất. Ảnh: Huyền Linh |
Già làng Y Thoan, 70 tuổi, người dân tộc M'nông, từ buôn Jơrah, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, tỉnh Đắc Nông, vui mừng về Hà Nội tham dự Đại hội (ĐH) thi đua "Tuổi cao gương sáng" lần thứ II. Ở quê hương, già Y Thoan đứng đầu hội đồng già làng địa phương, tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động con cháu tích cực chấp hành chính sách của Đảng, Nhà nước. Già tâm sự: "Mình là già làng trung ương, phải áp dụng những luật lệ của buôn phù hợp với luật của Nhà nước. Luật lệ nào của buôn có lợi cho tập thể, cho Đảng, Nhà nước thì mình khuyến khích bà con làm theo, cái gì không phù hợp thì bỏ". Nhờ vậy, các hủ tục thách cưới, phạt vạ giảm dần, đời sống của người dân được nâng cao. Già phấn khởi cho biết: "Mình đi Hà Nội về sẽ kể cho con cháu biết để tự hào, cùng bà con trong buôn một lòng trung thành với Đảng, với Nhà nước".
Ông Lý Tài Thông, 64 tuổi, người dân tộc Dao, ở xã Tân Dân, huyện Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh là đại biểu xuất sắc với thành tích phát triển mô hình kinh tế mới, vận động xóa đói giảm nghèo. Năm 2003, tham gia Hội NCT, ông trăn trở nghiên cứu tài liệu, tìm phương cách giúp hội viên và bà con thoát nghèo. Ông học cách chăm sóc rồi mua một đôi nhím với giá 6 triệu đồng về nuôi. Sau 4 năm kiên trì đầu tư, ông bán lứa nhím giống đầu tiên được 66 triệu đồng. Năm 2009, ngoài khoản lãi 170 triệu đồng, chuồng nhím của ông có 50 con. Thành công của ông đã thuyết phục bà con trong bản làm theo. Được ông hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăm sóc, đã có 45 hộ ở xã Tân Dân (hầu hết là người Dao) nuôi nhím, thoát nghèo. Ông Lý Tài cho biết, nuôi nhím ít bị dịch bệnh, lại cho lãi cao (giá nhím cái là 20 triệu đồng/con), bán một con nhím bằng thu nhập cả năm trồng lúa. Nhờ nuôi nhím, nhiều gia đình trong xã đã xây được nhà kiên cố, mua sắm thiết bị đắt tiền, con cái học hành chu đáo.
Ông Nguyễn Hữu Chỉnh (73 tuổi, ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, TP Hà Nội) mang đến ĐH thành tích giữ gìn và phát huy nghề dệt lụa truyền thống. Năm 1993, nghề dệt ở làng cổ Vạn Phúc có nguy cơ thất truyền vì thiếu thị trường, ít vốn. Từ một máy dệt lụa hoa, một máy dệt lụa vân thủ công, ông Chỉnh cùng các nghệ nhân chung sức đầu tư vực dậy làng nghề. Khẳng định được thị trường, đến năm 2001, Vạn Phúc đã có gần 1.000 máy dệt lụa. Trong 8 năm làm Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc, ông Nguyễn Hữu Chỉnh đã hết lòng hướng dẫn, đào tạo kỹ thuật cho thợ trẻ. Ông cũng đã thiết kế được 7 mẫu hoa văn mới (trong đó có 2 mẫu được tặng giải thưởng của Bộ NN&PTNT). Với thành tích duy trì và phát triển nghề dệt lụa cổ truyền, ông Nguyễn Hữu Chỉnh đã vinh dự được tặng cúp vàng "Doanh nhân tiêu biểu 1000 năm Thăng Long - Hà Nội".
Phong trào thi đua yêu nước "Tuổi cao gương sáng" được đông đảo NCT tự nguyện tham gia, đem lại lợi ích thiết thực, khích lệ toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành tích của NCT đã khẳng định nguồn sức mạnh nội sinh quý giá, sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vượt qua khó khăn, cùng cả nước thực hiện mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".