Vụ trộm thế kỷ
Hồ sơ - Ngày đăng : 06:54, 04/06/2010
Đến bây giờ, nhiều người vẫn chưa thể lý giải nổi tại sao những bức họa có giá trị ước tính khoảng 123 triệu USD lại có thể bị lấy đi dễ dàng khỏi một trong những bảo tàng được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt nhất thế giới với những tình tiết như một câu chuyện trinh thám.
Điều tra viên tìm kiếm dấu vết từ những khung tranh tại hiện trường. |
Toàn bộ vụ trộm tranh được xếp vào hàng lớn nhất thế giới chỉ diễn ra vẻn vẹn 15 phút. Theo Thị trưởng Paris, Bertrand Delanoe, tên trộm đã cắt khóa cổng, phá cửa sổ phía sau và lưới sắt bảo vệ rồi trèo vào bên trong lấy đi 5 bức họa nổi tiếng "Dove with Green Peas" của Pablo Picasso, "Pastoral" của Henri Matisse, "Olive Tree near Estaque" của Georges Braque, "Woman with a Fan" của Amedeo Modigliani và "Still Life with Chandeliers" của Fernand Leger. Tên trộm dường như rất bình tĩnh và có nhiều thời gian đến nỗi hắn điềm nhiên tháo từng bức tranh để mang đi và bỏ lại khung. Các hình ảnh thu được từ camera an ninh tại bảo tàng cho thấy tên trộm là nam giới và mặc một bộ đồ đen. Các nhà điều tra đang tìm hiểu liệu tên này có thực sự hành động đơn lẻ hay không vì camera chỉ ghi lại được hình ảnh của mình hắn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nghi ngờ khả năng này.
Cho đến sáng hôm sau, khi viện bảo tàng danh tiếng nằm đối diện tháp Eiffel bên kia dòng sông Seine mở cửa thì một nhân viên bảo vệ mới phát hiện dấu hiệu đột nhập. Tổ điều tra đặc biệt thuộc Bộ Nội vụ Pháp chuyên về buôn bán các tác phẩm nghệ thuật cho biết sự thực phi lý này xảy ra do hệ thống báo động của bảo tàng đã không hoạt động do bị hỏng từ hai tháng trước. Một số linh kiện được đặt mua để sửa hệ thống cảnh báo này vẫn chưa được chuyển đến. Vì vậy, cả 3 nhân viên bảo vệ ca đêm hôm đó đều khẳng định họ không phát hiện được bất kỳ dấu hiệu kỳ lạ nào. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra xung quanh sự hớ hênh chết người tại một bảo tàng lưu giữ những bức họa hàng đầu thế giới, đặc biệt khi trung tâm nghệ thuật này vừa mở cửa trở lại năm 2006, sau hai năm sửa chữa với kinh phí lên đến 18 triệu USD để nâng cấp hệ thống an ninh.
Hiện tại, cho dù việc điều tra đang được khẩn trương tiến hành, nhưng cơ quan chức năng phải thừa nhận manh mối để lại tại hiện trường rất ít. Ngay cả hình ảnh của tên trộm trong camera cũng rất mờ nhạt và rất khó để xác định đối tượng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn rằng kẻ trộm tranh hành động rất chuyên nghiệp. Trong 20 gian trưng bày của bảo tàng, chúng đã lấy đi những kiệt tác có giá trị cực lớn. Như vậy cũng có nghĩa rằng 5 bức tranh vừa không cánh mà bay trên quá nổi tiếng và đắt giá để có thể bán trên thị trường chợ đen hay những thị trường truyền thống như các buổi đấu giá vì chúng sẽ bị nhận ra tức thì. Đương nhiên bọn đạo chích cũng chẳng dại gì để lộ ra những bức họa đang bị cả thế giới lùng sục và văn phòng Interpol tại 188 quốc gia đã có dữ liệu về chúng. Do đó, các nhà chuyên môn cho rằng, có khả năng những bức tranh trên đã bị đánh cắp theo đơn đặt hàng của các nhà sưu tầm cá nhân muốn giữ những kiệt tác cho riêng mình dù biết rằng chúng không thể xuất hiện công khai hay có thể mua đi bán lại.
Trong khi đó, nhiều người hướng tới giả thuyết rằng mục đích của vụ trộm là để lấy tiền chuộc. Nếu trường hợp này xảy ra, kẻ trộm thường thông đồng với một tổ chức tội phạm nào đó, tạo ra nhiều lớp trung gian, đồng thời rất thận trọng và kiên nhẫn trong quá trình thương lượng. Tuy nhiên, có trường hợp ngoài vấn đề tiền bạc, nhiều bức tranh còn được coi như món hàng để một số "ông trùm" mặc cả giảm án khi đã vào bước đường cùng. Trên thực tế hai bức tranh của Picasso cũng từng xuất hiện trong những cuộc trao đổi như vậy.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, mọi giả thuyết đều chưa được chứng minh khi cả 5 kiệt tác vẫn bặt vô âm tín. Mặc dù vậy, dư luận vẫn mong đợi vụ trộm được xếp vào hàng lớn nhất trong lịch sử nghệ thuật thế giới sẽ sớm được phanh phui. Điều này không chỉ để công chúng có cơ hội được chiêm ngưỡng những bức tranh đã mất mà còn có thể giúp ngăn chặn loại tội phạm không mới nhưng ngày càng tinh vi hơn và quan trọng nhất là nhằm bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật như một di sản cho các thế hệ mai sau.