Cú “sảy miệng” để đời

Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 04/06/2010

(HNM) - Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành nhà nước CHLB Đức hơn 60 năm qua, một tổng thống đương nhiệm bất ngờ tuyên bố từ chức. Đây không chỉ là cú sốc với liên minh cầm quyền mà cả với người dân ở đất nước Tây Âu này.

Số là khi trả lời phỏng vấn của Đài Truyền thanh Deutschlandradio hôm 22-5 sau chuyến thăm binh sĩ Đức ở Afghanistan, Tổng thống Horst Koehler có nói "một nước phụ thuộc nhiều vào ngoại thương như Đức phải biết rằng can thiệp quân sự là cần thiết để duy trì các lợi ích". Phát biểu của ông H.Koehler lập tức trở thành đề tài chỉ trích của dư luận, nhất là từ phía các đảng đối lập. Họ cho rằng ngài tổng thống theo đuổi chính sách "ngoại giao dựa vào vũ lực". Dù sau đó, Văn phòng Tổng thống có cải chính rằng ông H.Koehler muốn đề cập tới các cuộc tuần tra chống cướp biển ở ngoài khơi Somalie, chứ không phải nói về Afghanistan, nơi khoảng 4.500 binh sĩ Đức đang tham chiến. Tổng thống H.Koehler cũng ra sức phân bua nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế.

Ông H.Koehler rời khỏi Dinh Tổng thống sau khi tuyên bố từ chức hôm 31-5.

Bởi theo Nils Diederich, Giáo sư chính trị học tại Đại học Tự do Berlin, Tổng thống H.Koehler đã phạm vào điều cấm kỵ. Sứ mệnh của quân đội Đức ở Afghanistan luôn là vấn đề nhạy cảm và phát biểu của ông H.Koehler khiến người ta suy diễn rằng sứ mệnh này không vì mục tiêu nhân đạo mà vì những lợi ích kinh tế. Các chuyên gia pháp lý thì cho rằng lời lẽ của ông H.Koehler đã vi phạm Hiến pháp Đức, vốn quy định chỉ cho phép sử dụng lực lượng vũ trang bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ, còn việc triển khai quân đội ở nước ngoài chỉ có thể là góp phần vào các sứ mệnh hòa bình quốc tế và hoàn toàn không vì mục đích thương mại.

Tại Đức, cương vị Tổng thống mang tính biểu tượng nhiều hơn. Thủ tướng Angela Merkel là người đứng đầu Chính phủ và nắm thực quyền. Song cú "sảy miệng" của Tổng thống H.Koehler vào thời điểm hiện nay là một đòn nặng giáng vào Liên minh cầm quyền - Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) và Dân chủ tự do (FPD) - vốn gặp nhiều bất ổn trong thời gian gần đây. Đặc biệt, quyết định chi 22,4 tỷ euro tham gia cứu giúp Hy Lạp đã đẩy Thủ tướng A.Merkel rơi vào thế "trên đe, dưới búa". Trong khi các đồng minh của Đức chỉ trích sự chần chừ của Berlin khiến cuộc khủng hoảng nợ công xuất phát từ Hy Lạp có nguy cơ lan rộng, thì cử tri Đức đã hiện thực hóa cơn thịnh nộ của mình bằng lá phiếu khiến liên minh cầm quyền thất bại tại cuộc bầu cử ở bang đông dân nhất nước Đức là Nordrhein Wesfalen.

Theo Hiến pháp Đức, người tạm nắm quyền thay thế ông H.Koehler là Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Jens Boehrnsen của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) đối lập. Trong vòng 30 ngày, Đức sẽ lại thành lập hội nghị liên bang để bầu ra tổng thống mới trong cuộc bầu cử dự kiến diễn ra ngày 30-6 tới. Ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí này hiện nay là cựu Thủ hiến bang Bayern, ông Edmund Stoiber, một nhân vật kỳ cựu trên chính trường Đức, thành viên đảng CSU.

Với tương quan lực lượng hiện tại, không quá khó để liên minh cầm quyền lại có được "người của mình" nắm giữ cương vị tổng thống.

Quỳnh Chi