Nghiên cữu kỹ lưỡng, thận trọng bảo đảm tính khả thi
Chính trị - Ngày đăng : 06:25, 04/06/2010
Minh bạch thông tin để chống "sốt" đất
Cho rằng lập Đồ án Quy hoạch chung Hà Nội là khâu bắt buộc phải làm sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, nhưng ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói: "Đưa khái niệm văn hiến vào quy hoạch là không phù hợp, đưa vào sẽ rối. Quy hoạch Thủ đô phải sát thực tế. Xu hướng phát triển như thế nào? Quy mô dân số cụ thể ra sao? Tương tác với các địa phương lân cận bằng cách nào? Với tốc độ phát triển như hiện tại, 20 năm nữa, liệu có xây dựng xong 5 khu đô thị vệ tinh như đã nêu?" ĐB Nguyễn Ngọc Đào cũng cho rằng, quy hoạch phải dự báo, tính toán trước được những hệ lụy như cơn "sốt" đất vừa xảy ra ở khu vực phía Tây. Vì vậy, Chính phủ cần làm rõ hơn lộ trình triển khai quy hoạch, vốn đầu tư lấy từ đâu, ưu tiên xây dựng khu nào trước trong số 5 đô thị vệ tinh... Những thông tin về đồ án phải minh bạch, kịp thời công khai với người dân để tránh xáo trộn tâm lý gây nên những cơn "sốt" không đáng có.
ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) cũng nhấn mạnh tới cơn "sốt" đất, đồng thời đặt câu hỏi: Vì sao lại tập trung quá nhiều vào trục Thăng Long như vậy? Sao không tập trung vào giải quyết những bức xúc hiện hữu của Hà Nội như tắc đường, ô nhiễm, úng ngập? ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) góp ý, cử tri băn khoăn việc xây dựng trục Thăng Long và chuyển trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì. Chính phủ cần làm rõ vì sao chọn Ba Vì chứ không phải nơi khác. Trục Thăng Long nằm giữa đường 32 và đường Láng - Hòa Lạc, chỉ cách chừng 3-4km, vậy ý nghĩa kinh tế - xã hội của trục này như thế nào? Phải minh bạch hơn để tăng tính thuyết phục.
Lo vốn đầu tư quá lớn
ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) cho rằng, trong 20 năm tới, riêng vốn đầu tư cho giao thông cả nước đã lên tới 126 tỷ USD, nay lại đề xuất chi thêm 60 tỷ USD cho riêng Hà Nội thì biết tìm nguồn từ đâu? ĐB Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đồng quan điểm, sử dụng vốn vay để thực hiện đồ án đồ sộ này thì phải tính tới chuyện trả. Cử tri rất băn khoăn bởi nhiều dự án cấp thiết chưa đủ kinh phí để làm, giờ lại tiêu tốn nhiều tỷ USD cho đồ án... ĐB Đặng Văn Khanh cũng đề nghị, phải xem xét lại các dự án đang triển khai theo các quy hoạch cũ để tránh chồng chéo, lãng phí. "Chúng ta nghĩ tới phát triển Ba Vì nhưng nội thành còn nhiều vấn đề phải giải quyết thì sao tiến tới Thủ đô hiện đại được? Phải tiếp thu, kế thừa những dự án cũ để hạn chế tình trạng đâu cũng dở dang gây lãng phí, tốn kém...".
ĐB Chu Sơn Hà cũng lo lắng: "Phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm tính khả thi, tránh trùng lặp. Hàng loạt dự án lớn ở Hà Nội như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học Quốc gia Hà Nội, Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam... hàng chục năm qua vẫn gần như dậm chân tại chỗ. ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) lo ngại đồ án sẽ khó giải quyết được vấn đề giãn dân, vì giải pháp chưa rõ nên trong 15 năm tới, Hà Nội chưa thể giãn được dân ở khu trung tâm. Như thế, thành phố vẫn phải đối mặt với những mối lo cũ như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường...
ĐB Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) cũng băn khoăn liệu Hà Nội có lo nổi số vốn đầu tư lên đến 60 tỷ USD trong vòng 20 năm tới. "Nếu lấy ngân sách chung hoặc đi vay sẽ rất khó khăn. Vì chúng ta còn nhiều vùng cần phát triển những hạ tầng cơ bản như điện, đường, trường, trạm. Khoảng cách giàu nghèo sẽ tăng lên, nếu chúng ta chỉ tập trung vào một chỗ mà quên những chỗ khác." ĐB Trần Hoàng Thám (TP Hồ Chí Minh) đề nghị, cần lấy thêm ý kiến nhân dân, các nhà khoa học kỹ hơn.
Làm rõ cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Sáng 3-6, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra các dự án Luật Tố tụng hành chính, Luật Viên chức và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Liên quan đến dự án Luật Bảo vệ người tiêu dùng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị làm rõ cơ chế cơ quan nhà nước bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; loại khiếu nại được giải quyết tại cơ quan bảo vệ người tiêu dùng; định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, tại một số điểm bán xăng dầu, sai số đo lường bình quân 5%. Với mức tiêu thụ xăng hiện nay, số tiền mà người tiêu dùng bị thiệt hại lên hàng ngàn tỷ đồng. Kết quả kiểm tra mới đây của Bộ Khoa học - Công nghệ cho thấy, khoảng 28% cơ sở kinh doanh sai phạm về đo lường, 17% sai phạm về chất lượng. Hàng chục ngàn vụ buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... bị phát hiện, nhưng mức xử phạt không tương xứng với lợi nhuận nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận bị phạt, cứ vi phạm. |