Bài 3: Sức sống Sinh Tồn Đông
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:54, 03/06/2010
Giao lưu văn nghệ trên đảo Sinh Tồn Đông. Ảnh: Lệ Hằng |
Thuyền cập vào đảo nhỏ an toàn. Ấn tượng mạnh mẽ choán lấy tôi là từng đàn chim nhạn biển xinh đẹp đang ríu rít đùa vui trên các hàng cọc bê tông chắn sóng được xây dựng lâu bền trên nền biển san hô biếc xanh như ngọc. Dường như đã quá quen với tiếng động, thấy xuồng vào đảo, chúng chỉ chao đôi cánh, bay vụt lên phút chốc rồi lại bình thản đậu xuống ụ bê tông giờ đã thành tổ ấm do con người xây dựng. Một cán bộ Vùng D Hải quân đi cùng đoàn cho biết, ngay từ khi quân ta ra đóng giữ ở đảo Sinh Tồn Đông, nhận thấy địa hình, khí hậu ở đây khá phức tạp, Tướng Nguyễn Chơn - khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đã có ý tưởng xây dựng hàng cọc chắn sóng quanh mép đảo để bảo vệ, phía trên là những khay cát cho đàn chim làm tổ. Trải qua bao mùa mưa nắng, người và chim nhạn biển đã trở nên thân thiện, cùng bầu bạn và gần gũi bên nhau để vượt qua sóng gió khắc nghiệt của đại dương, trở thành một biểu tượng về ý chí kiên cường và sức sống mãnh liệt của Trường Sa giữa biển Đông đầy bão tố.
Là đảo nhỏ cấp 3, cạnh các đảo Gạc Ma, Huy Gơ, Vành Khăn do nước ngoài chiếm đóng, đảo Sinh Tồn Đông có một vị trí chiến lược hết sức đặc biệt và là một trong những đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nằm trên nền san hô ngập nước, mặt đảo chỉ toàn là san hô cát vụn, không có nước ngọt nên việc trồng rau, cây xanh trên đảo rất khó khăn. Để có rau xanh, CBCS phải thay nhau ''cõng'' từng bao đất từ đất liền ra đổ vào các hộp xốp, chăm chút từng ly từng tý như chăm con mọn. Việc sử dụng nước ngọt cũng hết sức tiết kiệm. Trong khó khăn, ý chí con người càng được tôi rèn. Khẩu hiệu ''Tiết kiệm nước'' có ở khắp đảo như một lời nhắc nhở CBCS về thực tế khắc nghiệt phải vượt qua để có thể thi gan, trụ vững cùng sóng gió.
Tuy có ít cây xanh nhưng Sinh Tồn Đông luôn tràn đầy sức sống với cây bàng vuông cổ thụ ở phía đông đảo, quanh năm xanh tốt, mùa này đang nở những chùm hoa trắng tinh khôi và hệ thống năng lượng sạch cùng các công trình kinh tế - quốc phòng phục vụ đời sống bộ đội. Tại hai đầu của đảo còn có bãi cát ''chạy'' theo hướng gió, làm hình dáng của đảo luôn biến hóa theo mùa: Vào mùa gió Đông bắc mạnh thì bãi cát dịch chuyển về phía Tây nam và ngược lại... Nhìn từ xa, đảo Sinh Tồn Đông hiện lên như một thị trấn nhỏ xinh đẹp, kiên cường với những doi cát dài thơ mộng và hàng cọc bê tông chắn sóng nhấp nhô trên biển tựa như bãi cọc chống quân xâm lược đổ bộ trên sông Bạch Đằng của cha ông ta thuở trước. Chợt nhớ tới câu thơ bất hủ của Lý Thường Kiệt đã được CBCS và ngư dân Trường Sa khắc trên tấm bia thờ ông tại đảo Đá Tây thay cho lời thề giữ biển mà đoàn công tác có dịp viếng thăm, thắp hương tưởng niệm: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/Tiệt nhiên định phận tại thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Tiếp đoàn công tác TP Hà Nội trong căn phòng làm việc chỉ rộng khoảng 20m2, Đại úy Đảo trưởng Nguyễn Văn Thọ mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt sạm nắng, cho biết, năm qua, mặc dù địa hình, thời tiết không thuận lợi, rau xanh, nước ngọt đều thiếu, song CBCS toàn đảo luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, tự lực tự cường, chủ động tăng gia, cải thiện đời sống. Trong năm 2009 và 4 tháng đầu năm 2010, tổng sản phẩm tăng gia của đảo ước đạt hơn 80 triệu đồng, trong đó sản lượng rau xanh là gần 5.000kg, cá các loại đạt gần 1.000kg và hơn 1.000kg thịt gia súc, gia cầm... Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, quân đội và các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Thủ đô Hà Nội, những năm gần đây, đời sống vật chất, tinh thần trên đảo ngày càng được cải thiện. Các phân đội được trang bị máy thu hình, hệ thống karaoke...
Trên đảo còn có thư viện với gần 2.000 đầu sách, với hàng chục đầu báo các loại cùng 1 tủ sách pháp luật; trạm thu phát tín hiệu vệ tinh... đưa Trường Sa gần hơn với đất liền và trang bị cho CBCS những thông tin mới nhất trong nước và quốc tế. Qua đó, nâng cao nhận thức, niềm tin và trách nhiệm của CBCS với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng LLVTND, toàn đảo luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, ngày đêm bám sát nhiệm vụ trọng tâm, kịp thời phát hiện những dấu hiệu lạ, bất thường để kịp thời lên phương án hợp đồng tác chiến, không để bị động, bất ngờ, bảo vệ đảo an toàn trong mọi tình huống. Đáng mừng là các đợt kiểm tra đầu năm 2005, 2008 và 2009, đảo đều được Bằng khen của Bộ Quốc phòng; năm 2009, đảo vinh dự được Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Y tế tặng Bằng khen. Nhiều năm liền, đảo Sinh Tồn Đông được công nhận là Đơn vị quyết thắng.
Chim nhạn biển trên đảo. Ảnh: Trần Nguyên Hiếu |
Chia sẻ những vất vả, khó khăn, cùng những thành tích của đảo, chúng tôi càng cảm phục trước những tấm gương dũng cảm, tận tụy chiến đấu hy sinh của những CBCS Hải quân nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Ngoài Đảo trưởng và chính trị viên là tương đối ''cứng'' tuổi, đa số CBCS ở đảo Sinh Tồn Đông đều rất trẻ, song ở họ đều toát lên vẻ rắn rỏi, tự tin. Chiến sỹ Lê Duy Toàn, sinh năm 1991, quê ở Hải Bối, Đông Anh, ra đảo tháng 1-2010 cho biết, dù khó khăn gian khổ đến mấy, các em cũng quyết tâm vượt qua, sẵn sàng ở lại đảo theo yêu cầu nhiệm vụ. Thiếu úy Đoàn Văn Mạc, y sỹ Bệnh viện 354, ra đảo tháng 6-2009, chuẩn bị hết hạn công tác để trở về đất liền thì lại vui buồn lẫn lộn vì sắp phải xa đảo, xa anh em. Trong khi CBCS của đảo say sưa giao lưu với đội văn nghệ xung kích TP Hà Nội, Mạc luôn quanh quẩn bên cạnh đoàn công tác, xăng xái phục vụ nước nôi và tâm tình về đồng đội.
Sau khi thăm hỏi, tặng quà cho CBCS, phút nghỉ ngơi trên đảo, tôi bắt gặp ánh mắt ưu tư của Trưởng đoàn công tác Ngô Thị Doãn Thanh đang dõi ra hướng biển - nơi có con xuồng máy của đảo đang cần mẫn chở những thùng nước ngọt quý giá từ tàu HQ 936 vào cung cấp cho bộ đội. Trận mưa mà chúng tôi và đảo hằng mong hóa ra chỉ là mưa bóng mây, không đủ làm ướt nền sân xi măng và những con đường bỏng rát bước chân tuần tra của CBCS. Hẳn là trong đất liền, chị chưa từng hình dung cuộc sống lại khó khăn và khắc nghiệt đến thế và nước ngọt lại quý giá và hiếm hoi đến thế. Lại càng không thể hình dung ra có những nơi mỗi người chỉ được cấp theo hạn mức 3 lít nước/ngày cho đủ mọi nhu cầu, từ đánh răng, rửa mặt cho đến tắm giặt, tưới rau... mà CBCS vẫn lạc quan, yêu đời và toàn tâm, toàn ý cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Một tình cảm xúc động, yêu thương xen lẫn tự hào bỗng trào dâng trong lòng nữ đại biểu Quốc hội. ''Càng đi thăm đảo, càng thấy trách nhiệm của mình đối với Trường Sa, với biển đảo nặng hơn và mong muốn làm thật nhiều việc có ích cho CBCS'' - đó không chỉ là tâm tư, tình cảm của chị Ngô Thị Doãn Thanh mà còn là của tất cả chúng tôi đối với những người con ưu tú nơi đảo xa đã quên đi quyền lợi riêng tư của bản thân, thay mặt nhân dân cả nước làm nhiệm vụ thiêng liêng, canh giữ đảo quê hương, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc.
Đêm, con tàu lớn neo lại ở ngoài khơi để lính đảo tiếp tục lấy nước. Không ai bảo ai, chúng tôi cùng ra boong, dõi theo quầng sáng lung linh trên đảo Sinh Tồn Đông - nơi có những con mắt cũng đang ngóng về hướng con tàu. Và câu hát không xa đâu Trường Sa ơi cứ trở đi trở lại trong tâm trí chúng tôi như một lời nhắn gửi. ''Nếu được phép trở lại đảo đêm nay thì một mình em cũng rời tàu'', ca sỹ Khánh Hòa rưng rưng nói cùng tôi trong dạt dào cảm xúc…
(Còn nữa)