Mô hình nào hợp lý?

Đời sống - Ngày đăng : 06:26, 03/06/2010

(HNM) - Theo Bộ LĐ-TB&XH, số vụ tranh chấp lao động tập thể dẫn đến đình công ở Việt Nam ngày càng gia tăng. Mới đây, Chính phủ đã có quyết định thành lập Ban Quan hệ lao động cấp tỉnh (BQHLĐ), với vai trò là trung gian hòa giải, tư vấn đồng thời tăng cường đối thoại thương lượng trong quan hệ lao động.

Việc thành lập Ban Quan hệ lao động cấp tỉnh sẽ góp phần bảo đảm hài hòa các mối quan hệ với người lao động. Ảnh: Linh Tâm


Mối quan hệ ba bên

Hiện nay chỉ có khoảng 30% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn. Điều này cho thấy có tới 70% doanh nghiệp chưa có thỏa ước lao động tập thể và hội đồng hòa giải. Vì vậy, theo ông Lê Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương, Thường trực Ủy ban Quốc gia về quan hệ lao động thì đối chiếu với pháp luật hiện hành, hầu hết các cuộc đình công xảy ra hiện nay là bất hợp pháp bởi không được công đoàn cơ sở đứng ra tổ chức, không thông qua hội đồng hòa giải lao động cơ sở hoặc hòa giải viên lao động cấp quận (huyện), hội đồng trọng tài lao động cấp tỉnh (thành); theo đề án thí điểm thành lập BQHLĐ thì thành viên của ban phải hoạt động kiêm nhiệm trong các cơ quan thuộc các tổ chức như sở LĐ-TB&XH, ban quản lý các KCN-KCX, LĐLĐ cấp tỉnh, liên minh hợp tác xã, chi nhánh của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại các địa phương. Nhiệm vụ chính của BQHLĐ là tư vấn cho địa phương hoạch định các chính sách thúc đẩy quan hệ lao động tiến bộ trong doanh nghiệp, tuyên truyền, phổ biến hệ thống pháp luật về lao động, hỗ trợ xây dựng cơ chế thương lượng có hiệu quả, tham vấn cho địa phương giải quyết các cuộc đình công không đúng trình tự, đưa ra giải pháp nâng cao vai trò trách nhiệm của các bên trong quan hệ lao động

BQHLĐ hoạt động dựa trên các nguyên tắc hợp tác ba bên: công đoàn đại diện NLĐ, đại diện chủ sử dụng lao động (giới chủ) và cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, khi quyền lợi NLĐ bị xâm phạm hoặc có xảy ra đình công thì đại diện ba bên sẽ phải ngồi lại với nhau để tìm hướng giải quyết tốt nhất. Chẳng hạn, mỗi khi Nhà nước có quyết định tăng lương tối thiểu theo lộ trình thì mặt bằng giá thị trường tăng cao, đời sống NLĐ không bảo đảm, dễ dẫn đến đình công. Trong trường hợp này, BQHLĐ họp, thảo luận, đề nghị doanh nghiệp đưa ra một mức lương có thể bảo đảm ổn định cho NLĐ. Mức lương này không phải là bắt buộc, nhưng doanh nghiệp muốn ổn định, giữ chân NLĐ thì phải trả mức lương đó.

Mô hình nào?
Đây chính là băn khoăn của rất nhiều thành viên BQHLĐ, mong muốn có một mô hình chuẩn. Đại diện Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng, chức năng, nhiệm vụ của BQHLĐ có vẻ giống với tổ công tác giải quyết đình công mà Hà Nội thành lập năm 2009. Còn đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết, với điều kiện các tỉnh, thành phố khác nhau nên cũng cần cân nhắc kỹ để đưa vào đó chức năng, nhiệm vụ rõ ràng. Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động tiền lương - tiền công TP Hồ Chí Minh thì với phân quyền như hiện nay, bộ máy của BQHLĐ còn cồng kềnh và trùng lặp. Theo quy định, các thành viên của BQHLĐ phải là người đang hoạt động kiêm nhiệm tại các tổ chức như sở LĐ-TB&XH, ban quản lý các KCX-KCN, LĐLĐ cấp tỉnh, liên minh hợp tác xã, VCCI. Như vậy, một người sẽ kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, đại diện giới chủ trong BQHLĐ chưa thể đại diện cho họ vì thế không thể giải quyết các vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp. Hiện nay, hệ thống pháp luật về đại diện giới chủ chưa có. Đại diện giới chủ cấp trung ương có hai đầu mối là Liên minh hợp tác xã và VCCI, cấp tỉnh hiện có 8 tỉnh có chi nhánh và 6 tỉnh có hội đồng chủ sử dụng lao động. Đại diện người sử dụng lao động ở công đoàn cấp trên thì mạnh nhưng công đoàn cơ sở hiện có 30%. Nhưng nếu cứ để các đối tác hoạt động rời rạc thì xảy ra tình trạng người nọ đổ lỗi cho người kia và sẽ không tìm được tiếng nói chung, không thể giải quyết những quan hệ lao động phức tạp như hiện nay. Do vậy, ông Lê Xuân Thành cho rằng, về lâu dài, BQHLĐ sẽ có các hội đồng chuyên trách như hội đồng năng suất, trọng tài, tiền lương để tham vấn các vấn đề theo từng lĩnh vực riêng. Sau khi bàn thảo và quyết định tham vấn với cơ quan quản lý, các bên sẽ phải thực hiện.

Vẫn còn nhiều băn khoăn như BQHLĐ sẽ có chức năng gì, tham vấn hay là tư vấn cho UBND tỉnh, thành phố những biện pháp chính sách phát triển quan hệ lao động trên địa bàn? Liệu công việc có trùng lặp với ủy ban quan hệ cấp quốc gia không? Hy vọng, sẽ có một mô hình chuẩn để có thể đại diện cho tiếng nói của NLĐ và doanh nghiệp, bảo đảm hài hòa các mối quan hệ lao động.

Kim Vũ