Trái phiếu “lên ngôi”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:04, 03/06/2010
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, trong 5 tuần liền ở sàn Hà Nội (từ cuối tháng 3 đến ngày 29-4-2010), tổng giá trị TP giao dịch (tính theo mệnh giá) hầu hết đạt hơn 1.100 tỷ đồng/tuần, thậm chí có tuần đạt đến 2.457 tỷ đồng. Sau khi mất mốc lãi suất 12%/năm đạt được trong tháng 2 và 3-2010, lãi suất TP lại giảm, từ 11,63%/năm đầu tháng 4 xuống 11,13%/năm giữa tháng 5-2010.
Sức hút đối với các tổ chức tín dụng
Không chỉ tăng cường giao dịch trên thị trường, các tổ chức tín dụng (TCTD) còn mua khá nhiều TP chính phủ trong những đợt phát hành gần đây. Đợt phát hành TP thứ 5 của Kho bạc Nhà nước (ngày 16-4) tuy không bán được đồng nào do trần lãi suất được Bộ Tài chính ấn định thấp, nhưng lại có 22 TCTD đăng ký mua tới 6.800 tỷ đồng trong khi lượng chào bán chỉ 1.500 tỷ đồng. Đợt phát hành thứ 6 (ngày 22-4), các TCTD không "chê" lãi suất thấp, mà bỏ thầu lãi suất cạnh tranh. Kết quả, có 4.030 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 2, 3 và 5 năm đã bán hết. Đợt thứ 7 (trung tuần tháng 5-2010), lãi suất các kỳ hạn tiếp tục giảm, nhưng tổng giá trị TP bán ra lại cao hơn trước, tới 4.525 tỷ đồng. Trong đợt này, lượng đăng ký mua TP loại 2 năm gấp 5 lần lượng chào bán. Không phải chỉ có các "đại gia" chuyên kinh doanh TP, như HSBC, BIDV, Eximbank... mua và bảo lãnh, mà các ngân hàng nhỏ và công ty chứng khoán cũng vào cuộc. Nhiều ngân hàng nhỏ bỏ thầu lãi suất thấp, đã mua số lượng tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng, như các ngân hàng Đông Nam Á, Bắc Á, Hàng Hải…
Sở dĩ các TCTD mua mạnh TP là để có hàng giao dịch trên thị trường "mở", nơi NHNN "bơm" tiền ra với lãi suất 7-8%/năm (tùy kỳ hạn). Chênh lệch lãi suất TP và lãi suất thị trường "mở" tối thiểu được 3%/năm, nên rất hấp dẫn với các TCTD, trong khi chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra của các ngân hàng sau khi trừ chi phí cũng chỉ được 1-2%/năm. NHNN tiếp tục có những động thái hỗ trợ cho xu hướng giảm lãi suất, với nhiều giải pháp có thể đưa mặt bằng lãi suất cho vay về 12%/năm.
Với dòng chảy của tiền đồng đã cho thấy, thay bằng trực tiếp tạm ứng tiền có kỳ hạn cho ngân sách vay, thông qua việc đưa tiền ra qua thị trường "mở" với kỳ hạn ngắn, NHNN đang gián tiếp hỗ trợ việc phát hành TP của Bộ Tài chính nhằm bù đắp bội chi ngân sách. Với nhu cầu cao như hiện nay, mục tiêu phát hành 56 nghìn tỷ đồng TP năm nay sẽ dễ thành công hơn.
Liệu vốn có đọng ở trái phiếu?
Theo các chuyên gia, khi kinh doanh TP, các ngân hàng sẽ phải tái cấu trúc lại tài sản, cân đối các nguồn vốn... TP là hàng hóa có thể chuyển đổi thành tiền để bảo đảm thanh khoản khi cần. Đặc biệt, kinh doanh TP an toàn hơn cho vay. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng có khả năng cân đối nhanh các nguồn vốn và phản ứng kịp thời với sự thay đổi của chính sách vĩ mô, nhất là các ngân hàng nhỏ. Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu quá nhiều TCTD, công ty chứng khoán cùng mua TP? Cơ chế của thị trường "mở" duy trì mức độ giao dịch lớn hàng chục nghìn tỷ đồng/tuần trong bao lâu? Và NHNN tính toán lượng tiền đưa ra thị trường "mở" đủ về số lượng và thời gian để bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát. Vì thế, đến một lúc nào đó khối lượng giao dịch của thị trường "mở" sẽ giảm, lượng tiền "bơm" ra giảm, thậm chí lượng tiền "hút" vào sẽ nhiều hơn "bơm" ra là chuyện sẽ rất gần. Khi đó, vốn của các TCTD sẽ đọng ở TP. Những ngân hàng có nguồn vốn huy động dồi dào và tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động thấp, thì việc giữ TP sẽ không có vấn đề gì. Nhưng, các ngân hàng nhỏ sẽ không có vốn để "nuôi" TP dài hạn, khi cần tiền sẽ phải bán TP và khả năng lỗ là điều khó tránh.
Được biết, lượng TP chính phủ phát hành được mới chỉ đạt 20% chỉ tiêu năm 2010 (khoảng 56 nghìn tỷ đồng). Vì thế, các TCTD cần phải chủ động, linh hoạt khi có sự thay đổi chính sách vĩ mô trong lĩnh vực tiền tệ.