Nhìn lại lịch sử nước Đức qua những thước phim thập kỷ 80

Văn hóa - Ngày đăng : 17:59, 02/06/2010

(HNMO) - Lịch sử của điện ảnh Đức đã đi qua rất nhiều thay đổi kể từ cuộc Thế chiến lần thứ hai. Nhân dịp “Năm Đức tại Việt Nam”, trong tháng 6 này, Viện Geothe Hà Nội giới thiệu đến công chúng Việt Nam tuần phim Đức của thập kỷ 80 để cùng nhìn lại lịch sử điện ảnh của Đức. Những bộ phim được lần lượt giới thiệu từ 7 đến 13/6.


Nhân sự kiện "Năm Đức tại Việt Nam", nhiều bộ phim kinh điển của điện ảnh Đức đã được giới thiệu đến công chúng Việt Nam

Sự kiện này nằm trong chương trình giới thiệu toàn cảnh điện ảnh nước Đức. Theo đó, cứ hai tháng một lần, Viện Geothe Hà Nội sẽ miêu tả một thập kỷ trong lịch sử điện ảnh Đức bằng việc trình chiếu các bộ phim đại diện cho thập kỷ đó. Đây là những bộ phim gây nhiều ngạc nhiên, thậm chí tranh cãi cho công chúng ở nhiều thời kỳ khác nhau và tạo ảnh hưởng không nhỏ cho điện ảnh Đức ở cả phía Đông và Tây nước Đức.

Đó là "Chân dung một nữ sâu rượu" của Ulrike Ottinger , nói về sự đơn độc của con người, từ đó toát lên vẻ đơn độc của thành phố Berlin; "Quảng trường Chamisso Berlin" của Rudolf Thomé cho thấy cách con người cố gắng thực hiện những giấc mơ về tình yêu của mình; "Jadup và Boel" của Rainer Simon...

Bên cạnh đó, tuần phim cũng giới thiệu những tác phẩm đã từng đoạt các giải thưởng quốc tế như: "Năm tháng khó khăn" của nữ đạo diễn Margarethe von Trotta được cho là một bước đột phá vĩ đại, và đến ngày nay vẫn là một đóng góp có ý nghĩa về đề tài khủng bố. Với "Những năm tháng khó khăn", Trotta đã khắc họa lịch sử nói chung và lịch sử điện ảnh nói riêng và đã được trao giải Sư tử vàng của Liên hoan phim quốc tế Venedig bên cạnh các giải thưởng điện ảnh Đức và giải Vàng của Liên đoàn Điện ảnh. "Bầu trời Berlin" của Wim Wenders cũng là một tác phẩm xuất sắc và từng được nhận giải trong Liên hoan phim Cannes ở hạng mục đạo diễn xuất sắc nhất.

Trong tuần phim này, còn có hai bộ phim tài liệu khoa học được đánh giá cao ở thập kỷ 80, đó là "Sống ở Wittstock" của Volker Koepp. Phim khắc họa cuộc sống của ba cô thợ dệt tại thành phố nhỏ Wittstock. Volker Koepp để phim có một kết thúc mở và không đi theo ánh sáng hệ tư tưởng chuẩn nào.

Còn "Tạm biệt mùa đông" của Heike Misselwitz thì được coi là biểu tượng của một thời đại được khắc họa bởi những khao khát thay đổi. Nữ đạo diễn Helke Misselwitz thực hiện chuyến đi bằng tàu hỏa xuyên qua miền Đông nước Đức, từ thành phố chôn rau cắt rốn Zwickau cho tới tận bờ biển. Trong chuyến đi của mình nữ đạo diễn nói chuyện với phụ nữ các tầng lớp và độ tuổi khác nhau và thể hiện trong phim những hy vọng và nỗi lo của họ. "Tạm biệt mùa đông" là phim gây xúc động trong tuần lễ phim tài liệu ở Leipzig và đã nhận được giải Bồ câu bạc năm 1989. Phim được chiếu lại nhân dịp kỉ niệm 2009 tại liên hoan phim Berlin.

Hoàng Lân