Điện cạn theo nguồn nước

Kinh tế - Ngày đăng : 06:49, 02/06/2010

(HNM) - Năm 2009, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa vào vận hành 1.806MW nguồn điện mới và các chủ đầu tư khác ngoài EVN đưa vào vận hành 739MW.  Như vậy, về lý thuyết, hệ thống có đủ công suất và có dự phòng nhất định. Vì sao vẫn thiếu điện?

Xây dựng lưới điện tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TTXVN


Thiếu nước nguồn

Hiện nay thủy điện chiếm tới 34,2% công suất hệ thống với khoảng 6.500MW. Đặc biệt, công suất mới đưa vào vận hành bổ sung cho hệ thống lại phần lớn là thủy điện. Trong khi đó, do ảnh hưởng nặng nề của hiện tượng Elnino, tình hình thời tiết, khí hậu và thủy văn trong các tháng cuối năm 2009 và mùa khô năm 2010 ở nước ta diễn biến hết sức bất thường, khác hoàn toàn với quy luật nhiều năm, khô hạn nghiêm trọng, kéo dài diễn ra trên diện rộng cả nước khiến các nhà máy thủy điện không đủ nước để phát điện.

Tối qua, Hà Nội mất điện diện rộng do sự cố đường dây 220kv

(HNM) - Vào lúc 18h28 ngày 1-6 đã xảy ra sự cố nhảy 2 mạch đường dây 220kV Thường Tín - Mai Động làm mất điện toàn bộ khu vực phía nam Hà Nội (khoảng 1/4 địa bàn Hà Nội cũ), gồm 19 trạm biến áp 110kV thuộc địa bàn Hà Nội, làm gián đoạn việc cung cấp điện cho các phụ tải thuộc khu vực quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Trì. Đường dây này do Công ty Truyền tải điện 1 (thuộc Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia - NPT) quản lý và vận hành. Ngay sau khi xảy ra sự cố, Công ty Truyền tải điện 1 đã khẩn trương xử lý và đến 18h45 đã đóng điện trở lại. Nhưng do mất điện trên diện rộng, nên đến 19h15, Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội mới phục hồi để cấp điện lại hoàn toàn cho các phụ tải.

Công ty Truyền tải điện 1 cho biết, lúc xảy ra sự cố, đường dây đang mang tải với công suất 350MW. Hiện nay, công ty đang tiếp tục làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự cố để có biện pháp khắc phục lâu dài.

Quang Minh

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn trung ương, chỉ tính riêng khu vực miền Bắc, mùa mưa năm 2009 kết thúc sớm hơn bình thường hằng năm khoảng 1 tháng đã khiến tổng lượng mưa năm 2009 chỉ đạt 83% lượng mưa trung bình nhiều năm (từ tháng 6 đến tháng 10 chỉ đạt 77% và đặc biệt tháng 11 và 12 chỉ đạt 30% trung bình nhiều năm). Lưu lượng nước về các hồ thủy điện miền Bắc theo đó cũng suy giảm mạnh so với trung bình nhiều năm, thấp chưa từng thấy trong lịch sử (xấp xỉ tần suất 100 năm), thậm chí ngay trong mùa lũ. Vì vậy, ở vào thời điểm ngày 1-1-2010, hầu hết các hồ thủy điện đều không tích nước được đầy hồ. Tổng sản lượng thủy điện thiếu hụt do thiếu nước khoảng 987 triệu kWh.

Cũng do tình hình khô hạn này, 3 nhà máy thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang và Thác Bà phải thực hiện xả nước chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp cho các địa phương đồng bằng và trung du Bắc bộ để bảo đảm vụ đông xuân 2009-2010, với lượng nước xả gần 3,5 tỷ mét khối. Nhiều nhà máy thủy điện khác ở miền Trung - Tây Nguyên cũng phải kết hợp điều hòa nước cho chống hạn phục vụ sản xuất nông nghiệp, đẩy mặn và cung cấp nước sinh hoạt cho các địa phương phía hạ du, như các nhà máy thủy điện: Quảng Trị, A Vương, Sông Ba Hạ, Sông Hinh, Đa Nhim, Hàm Thuận - Đa Mi, Trị An.

Để phục vụ mục tiêu phát điện tổ máy số 1 Nhà máy Thủy điện Sơn La vào tháng 12 năm nay, việc ngăn sông Đà đợt 3 tích nước hồ thủy điện phải diễn ra trong trung tuần tháng 5-2010. Việc tích nước khoảng 538 triệu mét khối đã khiến cho sản lượng khai thác từ thủy điện Hòa Bình giảm 110 triệu kWh trong tháng 5-2010.

Trong khi thủy điện gặp hạn hán thì một số tổ máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành, đang tạm trưng dụng như Hải Phòng 1, Quảng Ninh 1, Cẩm Phả 1, Sơn Động hoạt động chưa ổn định. Các tổ máy nhiệt điện than cũ do phải vận hành dài ngày, không được ngừng để sửa chữa từ năm 2009 đến nay nên độ tin cậy giảm, hay xảy ra sự cố, như tổ máy số 5 nhiệt điện Uông Bí, Uông Bí mở rộng 1, các tổ máy Phả Lại 1, tổ máy số 5 Phả Lại 2, tổ máy số 4 Ninh Bình, tổ máy số 1 Cao Ngạn… Vì vậy, sản lượng nhiệt điện than cũng giảm nhiều.

EVN cũng cho biết, hiện nay một số tổ máy tuabin khí tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao do vận hành quá thời hạn bảo trì.

Công nhân Điện lực Mê Linh kiểm tra việc cấp điện đến các hộ dân. Ảnh: Bá Hoạt


Nhu cầu tăng mạnh do nắng nóng
Năm nay ở Nam bộ mùa mưa đến muộn hơn rất nhiều so với quy luật khiến nắng nóng diễn ra đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam trong tháng 5, càng làm cho nhu cầu phụ tải tăng mạnh. Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng điện toàn hệ thống là 39,207 tỷ kWh, tăng 19,5%, trong đó, điện mua ngoài là 15,16 tỷ kWh, tăng 38,05%.

Sản lượng điện cung cấp bình quân ngày của hệ thống trong tháng 4 là 267,79 triệu kWh, tăng 14,24% (đã được tiết giảm sản lượng), mặc dù trong tháng 4 có đến gần 10 ngày nghỉ lễ, trong đó, sản lượng điện phải chạy bằng dầu DO, FO và diesel là 457 triệu kWh với giá thành sản xuất là 1.023 đồng/kWh. Tháng 5, sản lượng bình quân ngày của hệ thống là 278,8 triệu kWh, tăng 19,45% (đã được tiết giảm), sản lượng ngày cao nhất lên tới 303,3 triệu kWh, theo đó, sản lượng sản xuất điện từ dầu DO, FO và diesel là 494 triệu kWh. Tính chung 5 tháng đầu năm, sản lượng các nguồn giá thành cao là : sản lượng điện chạy dầu DO khoảng 1,86 tỷ kWh, tăng 249,33%; tua bin khí dầu DO 330 triệu kWh, tăng 290,82% và diesel tăng 115,92%.

Tháng 6 là tháng cuối mùa khô của hệ thống điện, dự kiến miền Nam sẽ chính thức chuyển sang mùa mưa, miền Bắc bắt đầu có lũ sớm vào trung tuần tháng 6, như vậy, tình hình thủy văn sẽ được cải thiện hơn.

Tuy nhiên, để thật sự cải thiện tình hình cung cấp điện trong tháng 6 thì một số tổ máy của các nhà máy nhiệt điện tuy vẫn trong giai đoạn chạy thí nghiệm hiệu chỉnh vẫn tiếp tục được trưng dụng để cung cấp điện cho mùa khô năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ngoài việc tuyên truyền sử dụng tiết kiệm điện, để kiểm soát được hệ thống, cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc danh sách khách hàng ưu tiên cung cấp điện; xử lý nghiêm đối với việc vi phạm sử dụng điện và sử dụng điện lãng phí.

Thanh Mai