Hôm nay, hơn 1 triệu học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:26, 02/06/2010
Tăng quyền tự chủ cho cơ sở
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GD-ĐT) cho biết: So với các kỳ thi trước, điểm khác biệt ở kỳ thi tốt nghiệp năm 2010 là các sở GD-ĐT địa phương được chủ động quyết định phương án tổ chức thi cụm sao cho thuận tiện, tiết kiệm chi phí và bớt vất vả cho TS dự thi. Mặc dù vậy, yêu cầu của Bộ GD-ĐT là hạn chế tối đa việc tổ chức thi riêng lẻ, những nơi có khó khăn phải báo cáo giải trình với Bộ bằng văn bản. Theo thống kê, toàn quốc có 1.233 cụm trường với 2.384 hội đồng coi thi (HĐCT), trong đó tổng số cụm thi có từ 3 trường trở lên là 629 (chiếm 73,1%), số cụm 2 trường là 295 (17,4%). Chỉ có 309 trường tổ chức thi riêng lẻ và đó đều là những trường còn khó khăn ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, do địa bàn phức tạp, điều kiện giao thông không thuận tiện nên được phép tổ chức thi riêng lẻ để bảo đảm an toàn cho TS dự thi.
Lịch thi - Giáo dục THPT: Ngày 2-6: Ngữ văn (150 phút), Hóa học (60 phút) 3-6: Địa lý (90 phút), Lịch sử (90 phút) 4-6: Toán (150 phút), Ngoại ngữ (60 phút). TS không theo học hết chương trình THPT hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy - học thì được thi thay thế bằng môn Vật lý (60 phút). Toàn quốc có 31.545 TS thi thay thế môn Ngoại ngữ. - Giáo dục thường xuyên: Ngày 2-6: Ngữ văn (150 phút), Hóa học (60 phút) 3-6: Địa lý (90 phút), Lịch sử (90 phút) 4-6: Toán (150 phút), Vật lý (60 phút). |
Sau mấy năm tổ chức các đoàn thanh tra ủy quyền tới địa phương giám sát toàn bộ các khâu (in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo) với số lượng lớn thì năm nay, số cán bộ thanh tra của Bộ GD-ĐT đã giảm từ hơn 9.000 người (năm 2009) xuống còn hơn 600 người. Tại Hà Nội, số lượng cán bộ thanh tra của Bộ GD-ĐT được phân công làm nhiệm vụ giảm từ hơn 700 người xuống còn 11 người. Với địa bàn rộng và quy mô TS lớn nhất cả nước, Sở GD-ĐT Hà Nội đã quán triệt tinh thần tự giác, trách nhiệm cho từng thành viên trong HĐCT với phương châm "chuẩn bị kỹ càng, thái độ nghiêm túc, kết quả thực chất". 5 yêu cầu bắt buộc đối với lực lượng thanh tra khi làm nhiệm vụ tại các hội đồng coi thi là: chính xác, khách quan, trung thực, công khai và kịp thời; đồng thời phải bảo đảm không làm cản trở hoạt động bình thường của đơn vị, cá nhân tham gia kỳ thi.
Hà Nội đã sẵn sàng
Năm nay là năm thứ hai Bộ GD-ĐT quy định chỉ áp dụng một kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT, không có kỳ thi lần 2, điều đó đòi hỏi TS phải cố gắng vượt bậc để có thể đạt kết quả như mong muốn. Trách nhiệm ấy không chỉ đặt lên vai các em, mà đòi hỏi cả giáo viên, nhà trường cố gắng trong việc xây dựng kế hoạch, nội dung ôn tập cho HS sao cho hiệu quả nhất. Việc phổ biến các nội dung liên quan đến kỳ thi, tập dượt cho HS làm quen với kỹ năng làm bài thi, nhất là với các môn thi trắc nghiệm, với việc tham gia thi theo cụm… được triển khai theo quan điểm chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng ban Chỉ đạo và Kiểm tra thi TP Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, là không gây căng thẳng cho HS. Cũng vì thế, công tác tuyên truyền được đặc biệt lưu ý, không chỉ hướng tới giáo viên, HS mà còn nhắm vào phụ huynh để mọi người hiểu thi cử là việc bình thường của ngành, giảm áp lực cho toàn xã hội.
Tính tới 17h hôm qua (1-6), công tác chuẩn bị cho kỳ thi của Hà Nội đã hoàn tất. Với hơn 83.000 TS đăng ký dự thi - hơn gấp đôi so với trước khi mở rộng địa giới, Hà Nội tiếp tục có nhiều cải tiến trong công tác tổ chức, phục vụ kỳ thi như tính toán cụ thể số lượng cán bộ làm công tác sao, in đề; chú trọng xây dựng phương án bảo vệ, vận chuyển đề, bài thi tới những địa bàn xa; hạn chế tối đa việc để TS tới địa điểm thi xa; hỗ trợ TS đến địa điểm thi an toàn, đúng giờ.
Trao đổi với PV Hànộimới, ông Đỗ Hồng Đức, Trưởng đoàn Thanh tra của Bộ GD-ĐT tại Hà Nội cho biết: Thực tế kiểm tra tại các HĐCT cho thấy, Hà Nội đã chuẩn bị chu đáo cả về cơ sở vật chất, lực lượng phục vụ thi, cả về ý thức trách nhiệm và tâm thế, sẵn sàng bước vào kỳ thi. Điều đáng ghi nhận là những HĐCT ở vùng khó khăn đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cần thiết. HĐCT Bắc Lương Sơn, từng để xảy ra sự cố mất điện trong kỳ thi năm 2009, nay đã được trang bị máy phát điện đủ công suất để phục vụ TS.
Cũng trong ngày 1-6, tất cả TS tại 170 HĐCT trên địa bàn Hà Nội đã được nghe phổ biến một lần nữa về quy chế thi, các vật dụng được và không được phép mang vào phòng thi. TS cần chú ý: Thẻ dự thi là thứ nhất thiết phải mang theo vào phòng thi; điện thoại di động (ĐTDĐ) là đồ vật phải để lại bên ngoài để tránh sự cố đáng tiếc - như các năm trước, có TS không chủ ý gian lận nhưng vì mang ĐTDĐ vào phòng thi mà bị đình chỉ thi.