Khó khăn do thủ tục hành chính

Chính trị - Ngày đăng : 07:09, 01/06/2010

(HNM) - Việt Nam đã tham gia Cơ chế phát triển sạch (CDM) được 8 năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp (DN) đang gặp khó khăn khi tiếp cận các dự án CDM để được hưởng nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài. Nguyên nhân chính là do thủ tục hành chính rườm rà; các quy định về vấn đề này chưa cụ thể; thiếu cơ chế minh bạch, thuận tiện trong việc xác nhận và phê duyệt dự án loại này…

Thủy điện là một trong những lĩnh vực thu hút các dự án CDM ở Việt Nam nhiều nhất hiện nay. Ảnh: Hồng Duyên


Thủ tục hành chính rườm rà

CDM là cơ chế được thiết lập trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto (Nhật Bản) tháng 12-1997; theo đó, các nước phát triển (các nước công nghiệp) hỗ trợ, khuyến khích các nước đang phát triển thực hiện các dự án thân thiện với môi trường, nhằm phát triển bền vững. Việt Nam tham gia Nghị định thư Kyoto vào năm 2002 đã đạt được cả 3 điều kiện để tham gia một cách đầy đủ nhất vào các dự án CDM quốc tế (đó là tham gia hoàn toàn tự nguyện; phê chuẩn Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, ký kết Nghị định thư Kyoto; thành lập cơ quan có thẩm quyền quốc gia về CDM). Song 8 năm qua, chỉ có 24 dự án CDM của Việt Nam được Ban Điều hành quốc tế (EB) phê duyệt (trong tổng số 2.211 dự án CDM của gần 40 quốc gia) dẫn đến giá trị kinh tế thu được cho toàn xã hội từ các dự án CDM chưa cao. Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là do sự phức tạp trong thủ tục, thiếu cơ chế minh bạch, thuận tiện trong việc xác nhận và phê duyệt dự án CDM. Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, thủ tục cấp Thư xác nhận và Thư phê duyệt cho các dự án này còn nhiều bất cập. Hiện Ban Chỉ đạo phê duyệt một dự án CDM của Việt Nam có tới 18 thành viên thuộc 14 cơ quan khác nhau (trong khi Trung Quốc chỉ có 7 bộ, ngành; Ấn Độ có 9 cơ quan). Chính vì bộ máy cồng kềnh như vậy nên rất khó triệu tập họp đông đủ, thường xuyên để thẩm định, phê duyệt dự án dẫn đến các dự án bị chậm.

Theo quy định, thời gian giải quyết thủ tục cấp thư xác nhận dự án CDM là 25 ngày và thư phê duyệt là 50 ngày, nhưng thực tế, các DN phải mất từ 6 tháng đến 1 năm mới hoàn thành được thủ tục này với mức chi trả lên tới hơn 500 triệu đồng. Yêu cầu thông tin trong bản tài liệu ý tưởng dự án và văn kiện thiết kế dự án rất nhiều và mang tính chuyên môn cao nên vừa khó khăn cho các cơ quan nhà nước trong việc xem xét và cho ý kiến, vừa gây khó cho nhà đầu tư. Nhiều DN cho rằng, việc xin công văn, văn bản của chính quyền địa phương nơi triển khai dự án, giấy phép khai thác sử dụng nước mặt hoặc nước ngầm, giấy phép xả thải vào nguồn nước (với các dự án đầu tư mới hoàn toàn)… là không cần thiết. Các thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên Môi trường yêu cầu nhà đầu tư phải nộp văn bản nhận xét của các bên liên quan nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể, dẫn đến mỗi dự án CDM lại có hình thức khác nhau. Đặc biệt, Quyết định số 130/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách, cơ chế tài chính đối với dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch quy định, các dự án CDM sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, khấu hao tài sản cố định, tín dụng đầu tư của Nhà nước nhưng trong Luật Thuế thu nhập DN không quy định điều này nên nhà đầu tư khó tiếp cận ưu đãi.

Cấp thiết đơn giản hóa
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ khẳng định, có thể đơn giản hóa thủ tục và giảm thành phần hồ sơ cho DN; những yêu cầu nào trùng lặp thì nên bỏ, không cần nộp tới 18 bộ như hiện nay; đặc biệt, chỉ cần lấy ý kiến của cơ quan thẩm quyền về mặt pháp lý nhà nước trong lĩnh vực này và những cơ quan liên quan đến CDM. Cùng chung quan điểm, ông Fred Burke (Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ) cho rằng, nhất thiết phải thực hiện chuẩn thời gian thẩm định theo quy định; thu gọn thành phần hồ sơ cũng như bộ máy ban chỉ đạo và cần ấn định lịch họp hằng tháng để các thành viên chủ động tham gia.

Theo các chuyên gia, việc tham gia cơ chế CDM không chỉ mang lại cơ hội cho DN mà còn là cơ hội của đất nước trong việc giảm nhẹ tác động xấu đến môi trường, tạo ra những lợi ích về kinh tế - xã hội như công ăn việc làm, cải thiện thu nhập và phát triển khu vực nông thôn… Vì vậy, nếu các DN còn bị "vướng" những rào cản thủ tục hành chính thì dòng vốn ưu đãi này sẽ chảy sang nước khác. Theo quy định của Nghị định thư Kyoto, nước chủ nhà có quyền quyết định riêng của mình về những tiêu chí áp dụng trong phê duyệt dự án. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu ban hành tiêu chí chấp thuận đơn giản hơn đối với dự án CDM để thu hút dòng vốn nước ngoài, cải thiện môi trường đầu tư.

Hiền Chi