Còn nhiều băn khoăn

Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 01/06/2010

(HNM) - Vấn đề môi trường và bảo vệ môi trường đang được dư luận ngày càng quan tâm đặc biệt. Ngay tại kỳ họp thứ bảy, trong các phiên thảo luận về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề môi trường, gắn với phát triển bền vững.

Thuế Bảo vệ môi trường có thể sẽ đẩy giá xăng, dầu tăng. Ảnh: Nhật Nam


Chế tài chưa đủ mạnh
Đề dẫn về quá trình xây dựng Luật Thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ nhận định, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hóa và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái. Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu không kịp thời có các giải pháp giảm dần lượng phát thải chất độc hại thì nguy cơ ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng. Các đại biểu Quốc hội tán thành nhận định này. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho rằng với việc xây dựng luật này, Chính phủ đã thể hiện được sự quan tâm ngày càng đúng mức đến vấn đề môi trường.

Thực tế, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách để bảo vệ môi trường như: Miễn giảm thuế đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường; tuyên truyền, giáo dục nhân dân tham gia bảo vệ môi trường; thực hiện các chương trình quốc gia và quốc tế về bảo vệ môi trường, bố trí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách thỏa đáng để xử lý vấn đề môi trường. Bên cạnh những chính sách khuyến khích bảo vệ môi trường thì Nhà nước cũng có các chính sách để hạn chế các hoạt động gây ô nhiễm môi trường như: Xử phạt các vi phạm về ô nhiễm môi trường; thu phí bảo vệ môi trường (phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản...). Tuy nhiên, dường như những công cụ chế tài đó chưa đủ mạnh, chưa có tính răn đe nên thực trạng là tình hình ô nhiễm môi trường chưa được cải thiện nhiều.

Dưới góc độ chính sách thuế, chính sách thuế hiện hành chưa coi việc bảo vệ môi trường là mục tiêu chính. Các khoản phí bảo vệ môi trường hiện hành là một công cụ kinh tế tác động trực tiếp đến đối tượng gây ô nhiễm (phí thu vào nguồn gây ô nhiễm) nhưng có tính pháp lý thấp, mức thu thấp nên tác dụng còn chưa mạnh. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào, Phạm Khôi Nguyên (đoàn Hà Nội), Trần Tiến Dũng (đoàn Hà Tĩnh) nhận định, luật này sẽ là công cụ kinh tế hữu hiệu để hạn chế ô nhiễm môi trường và mục tiêu của thuế môi trường không phải là vấn đề kinh tế ngân sách mà là nhằm hạn chế hành vi vi phạm, khuyến khích các giải pháp, hành động bảo vệ môi trường.

Than là một trong 5 nhóm mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường theo tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội. Ảnh: Trần Việt


Bảo đảm công bằng, thúc đẩy sản xuất
Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) bày tỏ băn khoăn về trình độ phát triển của nền kinh tế Việt Nam có phù hợp với việc áp thuế môi trường hay không. Chẳng hạn, nếu áp thuế môi trường, sản phẩm xăng, dầu, than sẽ đội giá và ảnh hưởng đến đầu vào sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, qua đó ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ có đánh giá đầy đủ hơn về tác động của việc ban hành luật đối với sản xuất, kinh doanh, với người tiêu dùng; tập trung đánh giá cụ thể những mặt trái phát sinh khi áp dụng chính sách, từ đó có giải pháp xử lý hữu hiệu; đồng thời xác định lộ trình áp dụng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước.

Tại dự án luật trình trước Quốc hội, Chính phủ đã đề xuất 5 nhóm mặt hàng chịu thuế bảo vệ môi trường: xăng, dầu, than, dung dịch HCFC (sử dụng trong công nghiệp điện lạnh), túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng. Các đại biểu cho rằng danh mục này còn quá hạn chế, trong khi còn rất nhiều mặt hàng, nguyên liệu, lĩnh vực sản xuất gây ô nhiễm môi trường nặng nề, vì vậy cần bổ sung. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh thêm: Sản xuất một mặt hàng phải được hiểu là cả một quá trình nên việc đánh thuế bảo vệ môi trường cũng phải xét cụ thể đến từng quá trình để áp thuế hợp lý, tránh mất bình đẳng.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (đoàn Bắc Ninh) lập luận, có thể có doanh nghiệp sử dụng nhiều hóa chất nhưng xử lý tốt sẽ không gây hại đến môi trường bằng doanh nghiệp không có biện pháp xử lý chất thải. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng tờ trình của Chính phủ chưa làm rõ được vấn đề này nên đề nghị trước khi đưa ra danh mục áp thuế cần có sự rà soát kỹ lưỡng, tránh trùng lặp, bởi một hoạt động (gây ô nhiễm) không thể bị chịu nhiều lần thuế. Các đại biểu cũng băn khoăn về một số vấn đề cụ thể nêu trong luật, như cách tính thuế, cách phân chia nguồn thu thuế. Ý kiến của các đại biểu tập trung vào việc cần tiếp tục nghiên cứu, làm rõ và đưa ra cách thức tính thuế cho phù hợp, vừa thúc đẩy sản xuất, vừa bảo đảm công bằng đối với các mặt hàng, hoạt động sản xuất có ảnh hưởng đến môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên:
Phạt thật nặng để doanh nghiệp không dám vi phạm

Tiêu thụ xăng, dầu chắc chắn sẽ gây ô nhiễm, việc nộp thuế xăng, dầu là để đầu tư lại cho môi trường. Áp thuế môi trường đối với xăng, dầu có thể sẽ gây ra nguy cơ tăng giá, tạo thêm gánh nặng chi tiêu cho người dân, nhất là người lao động, nhưng vẫn phải đánh thuế xăng, dầu. Bộ Tài chính sẽ tính kỹ hơn cơ cấu giá khi tính thuế môi trường. Tôi cho việc đánh thuế môi trường theo đề xuất của Ban soạn thảo luật là hợp lý, người dân sẽ hạn chế tiêu thụ xăng, dầu, đồng thời doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu phải tiết giảm chi phí để giảm giá thành.

Giải quyết vấn đề môi trường phải là tổng hợp các giải pháp, một giải pháp là không thể giải quyết được. Nhà nước sẽ điều tiết theo hướng khuyến khích lĩnh vực sản xuất sạch, hạn chế lĩnh vực sản xuất hại môi trường. Sau vụ việc Vedan đã thức tỉnh các cơ quan quản lý, thấy cần phải hoàn thiện về cơ chế chính sách đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Trong vụ này, dù rất muốn xử hình sự, đưa ra tòa nhưng luật pháp Việt Nam chưa đủ hành lang pháp lý. Sau vụ Vedan, chính sách pháp luật của ta đã có sửa đổi, như hành vi vi phạm môi trường có thể phạt tối đa tới 500 triệu đồng (trước đó chỉ 70 triệu đồng); thậm chí có thể sẽ đánh vào thương hiệu, đánh vào thông tin doanh nghiệp để cổ phiếu của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sụt giảm... Theo tôi, phải dùng nhiều biện pháp mới mong doanh nghiệp thấy sợ mà không phá hoại môi trường.

Tư Đô
- ghi

Thành Tâm