Tỷ lệ nợ của Việt Nam vẫn ở mức an toàn
Kinh tế - Ngày đăng : 06:30, 01/06/2010
* Mức sống của Việt Nam chưa đủ để khai thác tối đa đường sắt cao tốc theo công nghệ Nhật Bản
(HNM) - Hội nghị giữa kỳ Nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG) sẽ diễn ra trong hai ngày (9, 10-6) tại Kiên Giang để bàn về tình hình kinh tế vĩ mô, các ưu tiên chính sách cho năm 2010; chiến lược phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 2011-2020… của Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới trước thềm Hội nghị CG, Đại sứ Mitsuo Sakaba cho biết:
- Việt Nam đang xem xét kế hoạch 5 năm và 10 năm tới, Hội nghị CG lần này sẽ bàn thảo làm thế nào để cải cách nền kinh tế hiệu quả hơn, nhất là với các doanh nghiệp nhà nước. Trong một loạt vấn đề đó, Nhật Bản quan tâm nhất là làm sao bảo đảm tính bền vững của nền kinh tế vĩ mô Việt Nam. Đó là các chính sách tài chính, tiền tệ, công nghiệp... Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng quan tâm đến vấn đề cải thiện nền công nghiệp Việt Nam; phát triển nguồn nhân lực, giáo dục, đào tạo... Chính phủ hai nước cũng sẽ bàn thảo các chính sách viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong tương lai.
Cầu Bãi Cháy (Quảng Ninh), một trong những công trình quan trọng của Việt Nam được xây dựng nhờ nguồn vốn ODA của Nhật Bản. |
- Nhiều nhà kinh tế cảnh báo tỷ lệ nợ quốc gia của Việt Nam đang tăng cao (chiếm khoảng 40% GDP). Là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, Nhật Bản có lo ngại về khả năng trả nợ của Việt Nam?
- Tỷ lệ nợ quốc gia của Nhật Bản đã có lúc lên tới 80% GDP. Vì thế tôi cho rằng, tỷ lệ nợ của Việt Nam vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ nợ công nguy hiểm hay không phụ thuộc vào mức độ phát triển kinh tế trong tương lai. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng GDP từ 7-8%/năm, gánh nợ kia không đáng lo ngại. Tuy nhiên, khả năng trả nợ của Chính phủ còn phụ thuộc vào nguồn thu. Nếu không đủ thu nhập, Chính phủ sẽ không thể trả nợ. Trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới, để có được nguồn thu cao, Việt Nam còn phải phụ thuộc vào hệ thống thuế và các cơ cấu tài chính tiền tệ trong nước.
- Thưa Đại sứ, dự án xây dựng đường sắt cao tốc tại Việt Nam theo công nghệ tàu Shinkansen của Nhật Bản đang gây nhiều thông tin trái chiều trong dư luận. Quan điểm của Nhật Bản về vấn đề này như thế nào?
- Ngay sau khi Nhật Bản đồng ý với đề xuất về dự án này của Việt Nam, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản đã khảo sát cặn kẽ hệ thống giao thông của Việt Nam và cho thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa hệ thống đường sắt cao tốc Bắc - Nam với sự phát triển kinh tế. Báo cáo khảo sát cho rằng, sẽ có rất ít hành khách chọn tuyến đường sắt cao tốc này nếu đi từ Hà Nội đến TP Hồ Chí Minh hoặc ngược lại, bởi thời gian sẽ mất khoảng 6 giờ trong khi đi máy bay hết chưa đầy 2 giờ.
Trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 5 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản Seiji Maehara cho rằng, kế hoạch của Việt Nam đưa tàu cao tốc vào sử dụng năm 2020 có thể sớm, vì khi đó mức sống của Việt Nam chưa đủ để khai thác hệ thống này một cách tối đa. Bộ trưởng Maehara gợi ý Việt Nam nên nghĩ đến 2 phương án: lùi lại thời hạn vận hành sau năm 2020 hoặc làm các tuyến ngắn hơn, vì kể cả tuyến Hà Nội - Vinh và TP Hồ Chí Minh - Nha Trang cũng quá dài.
Tôi chưa thể khẳng định Nhật Bản sẽ hợp tác như thế nào với Việt Nam trong dự án này, bởi tất cả còn phải chờ báo cáo khả thi đang được nghiên cứu và sẽ hoàn tất trong vài năm tới. Quốc hội Việt Nam cũng đang thảo luận sôi nổi về vấn đề này, chúng tôi muốn lắng nghe dư luận Việt Nam phản ứng như thế nào và chờ quyết định của Chính phủ.
- Xin cảm ơn ngài Đại sứ !