Đánh thuế không phải để tăng thu!
Chính trị - Ngày đăng : 18:43, 31/05/2010
Sẽ đánh thuế sử dụng xăng, dầu và túi nilon
Trong tờ trình Quốc hội về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường, Chính phủ cho rằng, thời gian qua, tăng trưởng kinh tế, quá trình công nghiệp hoá và phát triển đô thị tăng nhanh đã tác động xấu đến môi trường sinh thái. Hiện trạng môi trường tiếp tục xuống cấp là những thách thức nghiêm trọng đối với sự phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong thời gian tới. Nếu không kịp thời có các giải pháp giảm dần lượng phát thải chất độc hại thì nguy cơ ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng.
Trong khi đó, nước ta hiện chưa có một sắc thuế riêng về bảo vệ môi trường để thu vào hàng hoá khi sử dụng gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất và tiêu dùng hàng hóa loại này. Tuy nhiên, thời gian qua Chính phủ đã ban hành và thực thi nhiều biện pháp tài chính nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia trực tiếp các hoạt động xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên và huy động một phần đóng góp của đối tượng xả thải vào việc khôi phục môi trường. Các khoản thu này đã tạo thêm nguồn thu, góp một phần chi đầu tư giải quyết các vấn đề về môi trường, đồng thời góp phần thay đổi nhận thức và hành vi của tổ chức, cá nhân trong việc giữ gìn môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Các khoản phí bảo vệ môi trường hiện hành là một công cụ kinh tế tác động trực tiếp đến đối tượng gây ô nhiễm (phí thu vào nguồn gây ô nhiễm) nhưng vì các loại phí có tính pháp lý thấp, mức thu thấp nên tác dụng còn chưa mạnh. Vì vậy, cần thiết phải xây dựng chính sách thuế riêng về bảo vệ môi trường để thu vào các sản phẩm gây ô nhiễm, những sản phẩm mà việc sử dụng chúng gây tác động xấu tới môi trường.
Trên cơ sở đó, Chính phủ trình Quốc hội một dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường gồm 4 Chương, 14 Điều.
Dự thảo này quy định đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường gồm: Phí bảo vệ môi trường thu trực tiếp vào chủ thể xả thải ra ô nhiễm, cả trong sản xuất và tiêu dùng; Thuế bảo vệ môi trường thu vào một số loại hàng hóa mà khi sử dụng nó gây ô nhiễm môi trường nhằm hạn chế sản xuất, tiêu dùng.
5 nhóm hàng hoá được Chính phủ dự kiến đưa vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường là: Xăng dầu (Xăng các loại, nhiên liệu bay, diesel, dầu hoả, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn); Than; Môi chất làm lạnh chứa hydro-clo-flo-carbon (Dung dịch HCFC); Túi nhựa xốp (túi ni lông); Thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng.
Dự thảo cũng đưa ra quy định, hàng hoá vận chuyển quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam; Hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu trong thời hạn theo qui định của pháp luật; Hàng hóa do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân mua hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu là những đối tượng không chịu thuế.
Thuế bảo vệ môi trường được qui định theo mức thuế tuyệt đối bằng số tiền trên đơn vị hàng hoá. Do là sắc thuế lần đầu tiên được xây dựng, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành và thực thi chính sách thuế mới được thuận lợi, dự thảo Luật qui định Biểu khung thuế bảo vệ môi trường với mức thuế tuyệt đối tối thiểu và mức thuế tuyệt đối tối đa.
Các mức thuế tuyệt đối tối thiểu và tối đa được xây dựng theo nguyên tắc phân biệt theo mức độ gây tác động xấu đến môi trường và có tính đến việc kế thừa chính sách thu hiện hành (phí xăng dầu, phí bảo vệ môi trường) để không tác động lớn đến sản xuất, tiêu dùng, không xáo trộn việc quản lý thu thuế. Cụ thể như sau:
TT | Hàng hóa | Đơn vị tính | Mức thuế (đồng/1 đơn vị hàng hoá) |
I | Xăng dầu | Lít | 1.000-4.000 |
1 | Xăng các loại | Lít | 1.000-3.000 |
2 | Dầu diesel | Lít | 500-2.000 |
3 | Nhiên liệu bay | Lít | 300-2.000 |
4 | Dầu hỏa | Lít | 300-2.000 |
5 | Dầu ma-dút | Lít | 300-2.000 |
6 | Dầu nhờn | Lít | 300-2.000 |
7 | Mỡ nhờn | Kg | 300-2.000 |
II | Than | Tấn | 6.000-30.000 |
III | Dung dịch HCFC | Kg | 1.000-5.000 |
IV | Túi hộp nhựa xốp | Kg | 20.000-30.000 |
V | Thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng | Kg | 500-2.000 |
1 | Thuốc sử dụng trong nông nghiệp | Kg | 1.000-3.000 |
2 | Thuốc trừ mối | Kg | 1.000-3.000 |
3 | Thuốc khử trùng kho | Kg | 1.000-3.000 |
4 | Thuốc bảo quản lâm sản | Kg | 1.000-3.000 |
Dự án Luật này nếu được Quốc hội thông qua tháng 11/2010 thì Chính phủ đề nghị Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.
Đánh thuế không phải để tăng thu!
Thảo luận tổ về dự án luật này trong phiên làm việc chiều 31/5, đa số các đại biểu đều tán thành về sự cần thiết phải ban hành dự án luật cũng như các nhóm hàng hóa Chính phủ dự kiến đánh thuế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, dự luật cần bổ sung nhiều mặt hàng chịu thuế, xác định rõ chức năng của loại thuế này cũng như cân đối với các luật thuế khác để tránh sự trùng lặp trong đánh thuế, đạt được mục tiêu đề ra khi làm luật.
ĐBQH đề nghị, việc thu thuế BVMT phải nhằm làm giảm việc sản xuất, tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm
Tại tổ Hà Nội, đại biểu Chu Sơn Hà cho rằng, thời điểm này mới ban hành Luật thuế bảo vệ môi trường đã là muộn. Thuế BVMT là thuế đáng thu, tuy nhiên, dự án luật cần tính toán lại các mức thuế và đối tượng nộp thuế, sao cho các đơn vị, cá nhân đều phải nộp thuế môi trường, bình đẳng trước pháp luật.
Về phí xăng dầu, theo đại biểu Hà, bản thân xăng dầu chưa đưa vào sử dụng đã gây ô nhiễm môi trường rồi, do đó, các doanh nghiệp cũng phải nộp phí, người sử dụng cũng phải nộp phí.
Cùng tham gia thảo luận tại tổ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho rằng, để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giải pháp mạnh nhất hiên nay là thuế. Bộ trưởng cũng khẳng định, môi trường khác với các lĩnh vực khác về thuế, mục tiêu của thuế môi trường không phải vì tiền mà dùng công cụ thuế để giải quyết 2 vấn đề: hạn chế hành vi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm gây ô nhiễm; dùng thuế thu được để sản xuất ra các sản phẩm thân thiện với môi trường.
“Cái chúng ta được thông qua luật thuế này không phải là tiền mà là lấy lại được sự trong lành cho môi trường. Thông qua công cụ thuế, chúng ta điều tiết, điều chỉnh những hành vi gian dối với môi trường”, Bộ trưởng nói.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền tán thành việc ban hành Luật thuế BVMT nhưng ông đề nghị, phải rà soát lại các sắc lệnh thuế và phí hiện hành có liên quan đề không bị trùng.
Về thuế xăng, dầu, theo đại biểu Quyền, đây là những mặt hàng mà ai cũng phải sử dụng, việc luật đánh thuế các mặt hàng này, nhưng không đánh vào người sản xuất mà vào người tiêu dùng, tức là gián thu, thì cần phải rà soát lại, tránh trùng lắp và bảo đảm công bằng.
Ủng hộ dự án luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) nói: “Tôi đề nghị công cụ kinh tế này là thước đo để những người sản xuất nghiệm được rằng với thuế suất ấy, mình phải chuyển hướng hoặc sản xuất sao cho thân thiện với môi trường”.
Đại biểu Đào cũng đề nghị, Chính phủ cần rà soát lại các luật thuế khác trước khi ban hành luật này để tránh trùng lặp
“Chúng ta có pháp lệnh về phí và lệ phí, giờ có thuế… Nên chăng, chúng ta xây dựng Luật lệ phí, phí và thuế về môi trường kết nối toàn bộ chính sách của Nhà nước để tránh trùng lặp, khi tôi nộp thuế thì không phải nộp phí…”, đại biểu Đào nói.
Cũng băn khoăn về sự trùng lặp trong đánh thuế, đại biểu Đào Trọng Thi đề nghị, việc ban hành thuế mới BVMT đồng thời vẫn duy trì phí BVMT thì cần phải phân biệt rõ chức năng của từng loại thuế.
Theo đại biểu Thi, thu thuế nhằm mục tiêu BVMT là cả trong sản xuất lẫn khi tiêu thụ. Hai lĩnh vực này khác nhau, nếu lẫn lộn thì không được. Do đó, ông đề nghị, phí môi trường không đánh vào mặt hàng, mà nên đánh vào công nghệ và quy trình sản xuất, có như vậy mới kích thích người sản xuất đầu tư vào công nghệ. Còn thuế môi trường thì đánh vào tiêu thụ, hạn chế tiêu thụ những loại hoàng hóa ảnh hưởng đến môi trường như túi nilon…
“Tôi ủng hộ chúng ta thu thuế môi trường nhưng phải phân biệt 2 cái đó làm sao không chồng lên nhau và phân biệt một cái đánh vào quy trình sản xuất, một cái đánh vào tiêu thụ - như vậy mới đánh đúng vào điểm mà chúng ta cần khuyến khích”, đại biểu Thi nói.
Tại tổ TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu dành nhiều quan tâm cho việc đánh thuế sử dụng xăng, dầu cũng như bổ sung hàng hóa vào danh mục đánh thuế.
Bàn về việc thu thuế xăng, dầu, theo phân tích của đại biểu Trần Du Lịch, những năm vừa qua, việc thu phí xăng dầu đem lại nguồn thu lớn, nhưng mức phí này không làm giảm việc sử dụng xăng, dầu. Ông nêu con số, năm 2008, riêng phí xăng dầu Nhà nước thu được 9.000 đồng trong khi tổng nguồn thu của phí môi trường là hơn 10.221 tỷ đồng. Dự kiến năm 2009, tổng nguồn thu này đạt hơn 14.000 tỷ đồng, cũng chủ yếu là từ thu phí xăng dầu.
“Mục đích ban hành luật này là để hạn chế sử dụng chất gây ô nhiễm. Vậy dự thảo này mục đích là tăng nguồn thu hay bảo vệ môi trường?”, đại biểu Lịch đặt câu hỏi.
Từ đó, đại biểu Lịch đề nghị, dự thảo luật này phải dùng công cụ tài chính để hạn chế sử dụng chất gây ô nhiễm, chứ không phải để tăng thu, vì nếu như vậy chỉ khổ cho dân.
Quan tâm đến danh mục hàng hóa chịu thuế, đại biểu Ngô Minh Hồng cho rằng, còn nhiều sản phẩm khác có hại không được đưa vào danh sách hàng hóa chịu thuế. Đại biểu Hồng đề nghị, Chính phủ phải khảo sát, liệt kê hết các sản phẩm gây độc hại đến môi trường để bổ sung vào danh sách này. Đại biểu Đặng Ngọc Tùng đề nghị nên bổ sung đối tượng chịu thuế đối với khai thác khoảng sản như khai thác vàng, cát.