Công nghiệp hỗ trợ của VN: Cần được “hà hơi, thổi sức” để phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 16:25, 31/05/2010
Công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam là các ngành sản xuất nguyên vật liệu, phụ tùng linh kiện, các bán sản phẩm cho các ngành công nghiệp chính yếu. Do đặc điểm Việt Nam thiếu vốn, công nghệ, thị trường nội địa nhỏ bé nên các ngành công nghiệp lắp ráp phát triển trước, các ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển sau cùng với tiến trình nội địa hóa theo yêu cầu của Chính phủ. Việc phải thực hiện các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO đã có ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển công nghệ hỗ trợ của Việt Nam (bãi bỏ các quy định bắt buộc về nội địa hóa).
Theo phương pháp đánh giá phổ biến hiện nay thì tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu để gia công trong giá thành là chỉ số đánh giá “hàm lượng công nghiệp hỗ trợ”. Ở Việt Nam hiện nay, các chuyên ngành công nghiệp có “hàm lượng hỗ trợ” cao và có triển vọng để phát triển công nghiệp hỗ trợ là các chuyên ngành: dệt-may, da-giày, điện tử-tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, cơ khí chế tạo...
Thực tế, theo Bộ Công thương, do đặc điểm riêng của nền kinh tế Việt Nam có nhiều nguyên nhân khác nhau gây bất lợi cho việc phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Đó là kinh tế thị trường chậm phát triển làm cho nền kinh tế kém năng động; Trình độ công nghệ chế tạo còn thấp; Thiếu các cơ sở sản xuất nguyên vật liệu cơ bản như sắt, thép hợp kim, phôi đúc, nguyên liệu nhựa, cao su kỹ thuật, hóa chất cơ bản, linh kiện điện tử, bông, sợi, da… Công nghệ gia công của nước ta còn lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng, năng suất thấp, giá thành cao, chất lượng không ổn định như các khâu đúc tạo phôi, rèn ép, mài, gia công, xử lý bề mặt, sản xuất khuôn mẫu... Tiếp theo đó là sức cạnh tranh của các cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ còn yếu, thiếu sự phối kết hợp, phân công hóa, hợp tác hóa giữa các cơ sở sản xuất hỗ trợ và hầu như thiếu hẳn sự phối hợp, phân giao sản xuất, liên kết giữa nhà sản xuất chính với các nhà thầu phụ, giữa các nhà thầu phụ với nhau, giữa các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp nội địa.
Hơn nữa, môi trường kinh tế, pháp luật của Việt Nam chưa tạo đủ điều kiện để khuyến khích các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư vào các khâu sản xuất hỗ trợ với định hướng phát triển dài hạn, bền vững trong bối cảnh hội nhập. Các mối liên kết kinh tế chủ yếu theo ngành dọc. Hệ thống thuế chưa có tác dụng tích cực thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Hàm lượng chế tạo nội địa trong các sản phẩm hỗ trợ còn thấp, chủ yếu là gia công và lắp ráp bán thành phẩm hoặc cụm linh kiện. Dung lượng thị trường Việt Nam còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với công nghiệp hỗ trợ.
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nghị định hoặc Quyết định về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam; Phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện sau khi Nghị định về khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được phê duyệt; Phối hợp với phía Nhật Bản thực hiện Chương trình sáng kiến chung Việt Nam -Nhật Bản về phát triển công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng xây dựng Quy hoạch điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (đã được phê duyệt theo Quyết định số 34/2007/QĐ-BCN) cho phù hợp với tình hình mới.
Hy vọng, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ sớm được “hà hơi, thổi sức” để phát triển, không bị cảnh “còi cọc” như hiện nay, để nước ta có thể thực sự phát triển thành nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa vào năm 2015 - 2020./.