Hai ứng cử viên sáng giá nhất World Cup 2010: Rất khó đăng quang
Xã hội - Ngày đăng : 07:29, 31/05/2010
Chẳng đội tuyển nào không muốn có lực lượng mạnh nhất, trên lý thuyết sẽ là đội bóng có nhiều cơ hội đăng quang nhất. Tại World Cup 2010, có đến 9 ứng viên nặng ký là Hà Lan, Đức, Pháp, Anh, Argentina, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Brazil, Italia. Trong đó, nhiều chuyên gia cho rằng với lực lượng hiện tại, Tây Ban Nha và Brazil sáng giá hơn cả. Tuy nhiên, World Cup không thường xuyên xuôi theo hướng mạnh được yếu thua.
Brazin được đánh giá là một trong hai ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch World Cup 2010. |
Cái nhìn từ lịch sử
Lần gần nhất một đội được xem là ứng cử viên hàng đầu lên ngôi vô địch là khi nào? Điều đó đã xảy ra cách đây 40 năm. Ở Mexico năm 1970, Brazil là đội được đánh giá cao nhất và quả thực đội này đã lên ngôi vô địch sau khi thắng Italia 4-1 trong trận chung kết. Đội hình Brazil năm 1970 được xem là đội hình hay nhất trong lịch sử các kỳ World Cup. Phải hay đến mức trác tuyệt như Brazil ở World Cup 1970 mới có thể đi đến đích cuối cùng. Trong khi đó, những ứng cử viên hàng đầu đều "nuốt hận" khi không thể bước lên ngôi cao nhất tại World Cup 1974, 78, 82, 86, 90, 94, 98, 2002 và 2006.
9 kỳ World Cup gần nhất, đội vô địch là một tên tuổi ngoài những cái tên được chờ đợi nhất. 9 kỳ World Cup, nghĩa là phân nửa những kỳ World Cup đã diễn ra từ trước đến nay. Chính xác hơn, số đội ứng viên sáng giá không vô địch còn nhiều hơn thế. Không cần lục lại trí nhớ quá lâu, có thể kể ngay vài trường hợp tiêu biểu như đội hình vàng Hungary năm 1954, Brazil năm 1950 và 1966.
Vì sao ứng cử viên hàng đầu lại khó đăng quang?
Có rất nhiều lý do. May mắn góp một phần đáng kể vào thành công của đội vô địch World Cup. Nếu Ronaldo không bị cơn động kinh bất ngờ chỉ 1 ngày trước trận chung kết France 1998, rất có thể danh thủ này đã nối bước Pele trở thành cầu thủ hiếm hoi 3 lần vô địch World Cup.
May mắn thật ra là một phần của bất kỳ cuộc chơi nào. Bỏ qua yếu tố may rủi không thể đoán trước, vẫn có thể tìm thấy những lý do hết sức chuyên môn, hợp logic giải thích vì sao nhà vô địch thường không phải là đội mạnh nhất hoặc chí ít là thuộc hàng sáng giá nhất.
Cương vị ứng viên hàng đầu luôn đi kèm với áp lực cực lớn mà không phải đội bóng nào cũng có thể vượt qua, dù đó là những đội giàu kinh nghiệm nhất trên đấu trường World Cup như Brazil hoặc Đức, Italia. Thể thức thi đấu của World Cup (loại trực tiếp chỉ sau 1 trận, tổng cộng 4 trận ở giai đoạn nốc ao) luôn tạo cơ hội lớn cho những bất ngờ. Một đội tuyển mạnh có thể sơ sẩy chỉ trong tích tắc là giấc mơ vô địch nhanh chóng tan thành mây khói.
Khoảng cách trình độ bị thu hẹp cũng là nguyên nhân quan trọng. Brazil và Tây Ban Nha trội nhất trong số 32 đội dự World Cup nhưng có thể có đến phân nửa số đội dự cúp thế giới có khả năng thắng Brazil hay Tây Ban Nha trong một trận nốc ao. Khi gặp đối thủ quá mạnh, hầu hết đội bóng đều áp dụng phương án phòng ngự - phản công. Chơi phòng ngự luôn dễ hơn tấn công, Brazil và Tây Ban Nha luôn gặp khó khăn lớn mỗi khi vào cuộc. Nếu không sớm có bàn thắng hoặc tồi tệ hơn là bị dẫn trước, bất kỳ đội bóng nào chứ không riêng gì Brazil hay Tây Ban Nha đều có khả năng thua.
Bóng đá nói riêng và World Cup nói chung hấp dẫn vì những bất ngờ. Những đội điều chỉnh tốt qua từng khó khăn dễ vào sâu (như Pháp ở World Cup 2006 vào đến trận chung kết), trong khi đó, những đội tưởng như hoàn hảo lại dễ vấp ngã ngay rào cản lớn đầu tiên (Pháp và Argentina ở World Cup 2002).
Tóm lại, Brazil và Tây Ban Nha vẫn có nhiều hy vọng đăng quang ở World Cup 2010, nhưng có ít nhất 7 đội khác cũng có không ít cơ hội là đội nâng cúp vàng thế giới.