Tầm nhìn để lại
Xã hội - Ngày đăng : 06:48, 31/05/2010
Những trang báo đã ố vàng, những bản viết tay in bằng giấy than đã mờ nhạt, những tờ đánh máy đã mủn ra, những bản phác thảo hằn sâu nếp gấp nằm in trong các tập bìa, những bức thư, nhiều tấm ảnh, tất cả phủ đầy những lớp bụi theo đúng nghĩa đen, lớp bụi của môi trường hiện tại, lớp bụi của thời gian xa lắc. Và trong những chồng tư liệu đó, những bài viết, kiến nghị, các bản vẽ đề xuất về quy hoạch và kiến trúc Hà Nội được ông cắt dán, đóng bìa, vẽ minh họa chiếm một phần không nhỏ.
Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật. |
"Tôi sinh ra ở một ngôi làng giống như nhiều làng quê đồng bằng Bắc bộ. Từ ngoài nhìn vào chỉ thấy hàng tre thấp thoáng mái nhà gianh, khác nào một cù lao xanh giữa bầu trời và đồng ruộng. Đường làng quanh co thôn xóm, dậu dâm bụt, mồng tơi, dây tơ hồng quấn quýt. Ao bèo, cầu ao bóng nước, giàn thiên lý, hàng cau, khóm chuối, bụi ngâu… tất cả những hình ảnh đó gắn với tuổi thơ mà đến nay đối với tôi, hầu như vẫn giữ nguyên đọng trong trí nhớ", đấy là mấy dòng về "gốc gác" của mình trong tập hồi ký viết tay. Như thế, theo cách nói thông thường thì Tạ Mỹ Duật không phải là người "Hà Nội gốc". Ông quê ở làng An Lạc, thuộc phủ Khoái Châu, Hưng Yên, thuở nhỏ học ở nhà, giáo làng dạy hết chữ thì lên thị xã Hưng Yên theo tiểu học, rồi sang Nam Định học Thành Chung. Đầu những năm 30, Tạ Mỹ Duật mới đặt chân đến Hà Nội để thi vào Khoa Kiến trúc Trường Mỹ thuật Đông Dương. Khi ấy, Hà Nội trong ký ức của ông là "nửa thị thành, nửa thôn dã", nhiều nhà vẫn thắp đèn dầu. "Mình ơi có đi Bờ Hồ, cùng ta chén kem kẹo dừa", khu trung tâm thu hút người đời với câu ca truyền miệng thì hãy còn hoang sơ, "cây cối, cỏ hoa bám sát mép nước, ngồi ăn kem khách cảm thấy mình gần thiên nhiên, những quán gỗ nho nhỏ và mặt hồ thênh thang". Bờ Hồ với đền Ngọc Sơn, tháp Bút, nhà Gô đa đã làm ngơ ngẩn chàng trai tỉnh lẻ. Thêm cái nhà hát của bà "Bé Tý" góc phố Hàng Bạc - Tạ Hiền với gấu hai đầu, gà ba chân càng gợi sự tò mò. Lọ mọ "phố làng" với mũ cát trắng, áo the thâm, giày tây há mồm, chàng giai quê bắt đầu cuộc hành trình khám phá Hà Nội.
Học mấy năm kiến trúc, ở ký túc xá phố Tràng Tiền, rồi chuyển sang khu Bobillot (Trường Y dược phố Lê Thánh Tông bây giờ), ông ra hành nghề và sống ở Hà Nội cho đến ngày đi kháng chiến tháng 12-1946. Phải chăng là mười mấy năm trời, Trường Mỹ thuật Đông Dương với những căn bản kiến thức của văn hóa phương Tây và đời sống của một Hà Nội thuộc địa đã ảnh hưởng, thấm dần vào chàng thư sinh tỉnh lẻ, để đến lúc trở thành một kiến trúc sư bước đầu thành danh và có chỗ đứng trong việc hành nghề thì "chàng" đã biết cảm nhận, biết rung cảm trước vẻ đẹp cổ kính, thiên nhiên hoang sơ và bước đầu nhìn ra những giá trị văn hiến của một Thủ đô lịch sử.
Do hoàn cảnh lịch sử của một đất nước liên tục trải qua hai cuộc chiến tranh từ khi giành độc lập, nhìn chung các kiến trúc sư thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương để lại những công trình chủ yếu ở thời kỳ trước kháng chiến và một số trong giai đoạn sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc. Ngoài mấy giải thưởng kiến trúc thời Pháp được nhiều người biết đến như công trình "Đông Dương học xá", Trung tâm TDTT Cần Thơ, chùa Quán Sứ, số công trình thiết kế trước cách mạng của Tạ Mỹ Duật chỉ còn lại ít ỏi: dãy nhà ở phố Nguyễn Đình Chiểu bây giờ với phong cách có hơi hướng "Đông Dương", vài căn biệt thự ở Hàng Chuối, Nguyễn Du và công trình tham gia cùng kiến trúc sư Pháp Cerutti - tòa Bưu điện quốc tế góc Đinh Tiên Hoàng và Đinh Lễ bên hồ Gươm, biệt thự góc đường Hùng Vương gần Quảng trường Ba Đình. Trong chiến tranh chống Mỹ, việc xây dựng không nhiều, lại về làm quy hoạch Hà Nội nên những thiết kế kiến trúc được xây dựng ở Hà Nội của ông chỉ có một số, như Trường Thương nghiệp, nhà ở tập thể Bộ Nội thương… Tuy vậy, những gì còn lại cũng đã in những dấu ấn về một thế hệ nghề nghiệp.
Kiến trúc sư Tạ Mỹ Duật từng rất chú trọng đến hình thái quy hoạch đô thị “kiến trúc nông thôn trong lòng thành thị”. Trong ảnh: Một góc làng Phú Thượng (quận Tây Hồ). Ảnh: Hồ Ý |
Với niềm đam mê nghề nghiệp, tình yêu và sự nhạy cảm văn hóa, Tạ Mỹ Duật không dừng lại ở thiết kế kiến trúc. Đầy năng lượng, sự quan tâm, ông cứ phải hoạt động và thể hiện mình qua nhiều hình thức khác nhau. Viết báo là một thôi thúc tự thân. Trong công việc đó, Tạ Mỹ Duật như muốn nói hết những điều gan ruột nhất về những tư tưởng, quan niệm và các cảm nghĩ khác nhau theo từng giai đoạn của nhận thức, mà trong đó không khỏi có lúc thể hiện tính "lãng mạn chủ quan", hay ảnh hưởng của sự định hướng theo tinh thần "nghị quyết" một cách thành thật.
Bản chất của kiến trúc suy cho cùng vẫn là vấn đề của văn hóa và xã hội học. Kiến trúc sư thực thụ không phải là người "vẽ kiểu nhà", mà là người tổ chức, đưa ra một mô hình sống trong không gian cụ thể, trên cơ sở nền tảng văn hóa và điều kiện xã hội. Bảo vệ những giá trị văn hóa, lịch sử và môi trường, phản biện xã hội và cảnh báo những nguy cơ chính là vai trò và trách nhiệm của người kiến trúc sư. Do hoàn cảnh xã hội, ông chưa làm được nhiều công trình cụ thể, to lớn. Nhưng những quan điểm về quy hoạch, giá trị đặc trưng của Hà Nội với những di sản kiến trúc (bao gồm cả quy hoạch), hệ thống cây xanh, mặt nước được chỉ ra trong các bài viết và phát biểu của Tạ Mỹ Duật tại các cuộc hội thảo chuyên môn từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước vẫn là những tư tưởng thực sự có ý nghĩa và còn mang tính thời sự.
Đánh giá về di sản kiến trúc quy hoạch của Hà Nội, ngoài những giá trị đã được nhắc đến nhiều như các di tích lịch sử, khu 36 phố phường, khu phố Pháp cũ - nơi hằn rõ dấu ấn văn hóa phương Tây, Tạ Mỹ Duật còn nhấn mạnh một hình thái quy hoạch kiến trúc rất đáng chú ý, theo cách ông gọi là "loại hình thứ tư: Kiến trúc nông thôn nằm trong lòng thành thị". Ấy là những cái làng cũ như Ngọc Hà, Yên Phụ, Láng… trải ra "như xôi đỗ" trong lòng Thủ đô. Cái giá trị ấy được cảm nhận thế này: "Một cảm giác đầu tiên khi tôi mới bước chân vào một thôn xóm, thí dụ Kim Liên, Thịnh Hào, Phương Mai, Hoàng Mai, Yên Phụ... đột nhiên tôi cảm thấy như mình quên cái náo động nhộn nhạo của đường phố. Khóm tre soi bóng nước, con đường uốn lượn quanh co, ngôi nhà êm ả giữa vườn cây, cái đa dạng trong mỗi cơ ngơi thể hiện cá tính của mỗi người... tất cả tuy chưa phải đã hoàn mỹ như một thảo cầm viên, song toàn cảnh quan tiết tỏa lên một không khí nhẹ nhàng, thanh thản. Cảm giác này đối với du khách nước ngoài có lẽ càng sâu lắng hơn. Ở đây, người ta nhìn thấy những gì phản ánh lên một di sản, một truyền thống, một phong thái dân tộc trong một không gian đô thị hiện đại hóa. Đặc biệt, trong những ngày lễ, tết, không khí càng thêm đậm đà bản sắc".
Quý báu "loại hình thứ tư", ông đặt vấn đề "có cần phá dỡ đi hàng loạt để xây dựng lên những khu nhà ở kiểu Kim Liên, Giảng Võ" hoàn toàn khác biệt. Nơi ở đấy là những làng nghề truyền thống, một đời sống có sắc thái và một môi trường yên ổn vì nếp sống và môi trường thiên nhiên. Từ ngày đó ông đã đề nghị đến lúc nào đó đừng vì một yêu cầu "quy hoạch chung" nào đó mà phải có cuộc di chuyển "đại quy mô" và thiếu thực tiễn. "Xét cả trên mấy phương diện, kinh tế đô thị, đời sống xã hội, cân bằng sinh thái, thẩm mỹ môi trường, nhiều thôn xóm vẫn có thể tồn tại, duy trì cải tạo và phát triển".
Việc giữ gìn bản sắc và cân bằng sinh thái trong quy hoạch đô thị bây giờ được nói đến nhiều khi mà những yếu tố làm nên nó đang bị hủy hoại. Từ mấy chục năm trước, một cấu trúc thật lý tưởng cho một khu dân cư trong lòng Hà Nội với sự hòa nhập của khu nhà ở mới với "chất nông thôn" cổ truyền, nơi vẫn duy trì vai trò của nền sản xuất tiểu thủ công nghiệp với nghề truyền thống, bám rễ từ "chiều sâu lịch sử", một cấu trúc kiểu nơi ở - việc làm không xa nhau, vừa có ý nghĩa kinh tế - xã hội và văn hóa, quả là một tư tưởng đầy nhân văn đã được gợi ý. Nhưng trong hoàn cảnh hiện nay, trước các sức ép của áp lực kinh tế mang tính lợi nhuận thì những tư tưởng kia chỉ là những ý tưởng lãng mạn đầy không tưởng.
Hà Nội với vẻ đẹp của văn hiến nghìn năm đã quyến rũ hàng triệu trái tim và cuốn hút bao nhiêu hồn người. Âm nhạc, thơ ca, hội họa và nhiếp ảnh có ưu thế hơn hẳn để mà ca ngợi vẻ đẹp ấy. Tác giả các loại hình trên có thể chủ động, độc lập sáng tạo tác phẩm của mình, "tha hồ" lưu lại dấu ấn riêng. Còn đối với người làm kiến trúc, họ cũng có cùng những cảm nhận, nhưng nhiều khi đau xót hơn vì sự bất lực. Có một phong cách Hà Nội trong tranh "Phố Phái" thật sự hiện hữu, những vần thơ, giai điệu mượt mà hay bức ảnh độc đáo về hồ Gươm của Đỗ Huân, nhưng hồ Gươm với kiến trúc lại rất hay biến thành những "vấn đề", mà đa phần là nỗi bức xúc đầy ẩn ức.
Đêm ngủ "nó" cũng ám, nên phải "tràn" ra những loại hình khác.
(còn nữa)
Về cuộc thi viết “Cả nước cùng thủ đô hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” Cuộc thi còn một chu kỳ chấm giải vào tháng 10-2010, với 1 giải nhất 10 triệu đồng, 2 giải nhì mỗi giải 5 triệu đồng, 3 giải ba mỗi giải 3 triệu đồng, 10 giải khuyến khích mỗi giải 1 triệu đồng. Chủ đề: Truyền thống Thăng Long - Hà Nội, kỷ niệm sâu sắc qua các thời kỳ, khuyến khích giai đoạn hiện tại, với những con người, sự kiện mới tiêu biểu cho sự nghiệp CNH-HĐH. Để nâng cao chất lượng, BTC quyết định điều chỉnh dung lượng bài dự thi: dài nhất được 2 kỳ, mỗi kỳ 2.000 từ; dùng cả những bài nêu vấn đề nhưng có hệ thống, không sa vào vụ việc cụ thể. Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn. Rất mong sự hưởng ứng của bạn viết xa gần. BTC |