Nợ đến đâu là vừa?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 31/05/2010
Người dân cũng rất chú ý tới thông tin từ tham luận của một số đại biểu, đó là hệ số sử dụng vốn (số vốn cần đầu tư cho một đơn vị sản phẩm, thường được gọi tắt theo tiếng Anh là chỉ số ICOR) ở nước ta ngày càng tăng, tức là hiệu quả đầu tư ngày càng giảm. Năm 2007, chỉ số này là 5,2%, đến năm 2009 là 8%.
Nợ, trong đó có nợ quốc gia không phải cứ nhiều là xấu. Nếu nợ để kinh tế phát triển, hiệu quả đồng vốn vay cao thì vay được vốn càng nhiều càng tốt, thậm chí bằng 100% GDP cũng không ngại. Không chỉ một quốc gia mà với từng gia đình cũng vậy. Vay được tiền để đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế là điều may mắn. Nhưng ngược lại, vay để rồi tiêu lạm cho những mục đích không sinh lợi; vay mà tiền làm ra không bằng tiền lãi sẽ là nguy cơ cho mình và có thể cho cả con, cháu mình. Vậy nước ta đang ở đâu trong những khả năng này?
Thử so sánh với một nước tương tự nước ta, đó là Trung Quốc. Trung Quốc nợ nước ngoài rất lớn nhưng chính Trung Quốc cũng là chủ nợ cả nghìn rưỡi tỷ USD với chính một nước giàu nhất thế giới là Mỹ. Trung Quốc đi vay nước ngoài nhưng dự trữ quốc gia của họ là 1.200 tỷ USD (nước ta là 20 tỷ USD). Hệ số sinh lợi từ đồng vốn vay của họ rất cao, một số tỉnh (thường tỉnh lớn của Trung Quốc có dân số bằng già nửa và diện tích lớn hơn Việt Nam) có hệ số sử dụng vốn vay 1/1, nghĩa là cứ một đồng vốn vay thì làm thêm ra được một đồng. Một tỉnh của Trung Quốc giáp biên giới nước ta, giá trị xuất khẩu năm ngoái gấp 6 lần Việt Nam. So sánh như thế để thấy họ nợ nước ngoài chẳng qua là để mượn vốn làm ăn. Còn ta, cũng mục đích như vậy nhưng do quản lý kém nên thất thoát lớn, hiệu quả đầu tư thấp. Vì vậy, nếu không tính toán kỹ, không sử dụng tốt đồng vốn vay, cho rằng sự tăng trưởng hiện nay là do giá trị gia tăng mà không hiểu rằng một phần rất quan trọng là do vốn vay, do khai thác tài nguyên, do giá lao động thấp… nợ nước ngoài hiện nay đã tiềm ẩn nguy cơ. Tình trạng của Braxin, Venezuela mấy năm trước hay Hy Lạp, Anh hiện nay là những tấm gương cảnh báo.
Trên con đường ngày càng công khai, minh bạch về công việc của Nhà nước, nhân dân ta ngày nay được dân chủ thảo luận về nợ nước ngoài. Từ đó, dân phấn khởi hơn, Nhà nước cũng nhận được nhiều ý kiến phản biện để quyết sách trúng hơn. Bởi vậy, vay nợ là chuyện bình thường, nhưng nợ đến mức độ nào là vừa và quản lý ra sao mới là vấn đề cần tính toán thật khoa học.