Nâng cao chất lượng nền tài chính

Kinh tế - Ngày đăng : 06:19, 31/05/2010

(HNM) - Tuần qua, Quốc hội thảo luận về Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008, tình hình kinh tế - xã hội năm 2009 và những tháng đầu năm 2010. Kỷ luật thu - chi ngân sách nhà nước tiếp tục là vấn đề được nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội quan tâm, thảo luận và cử tri cả nước chú ý.

Kỷ luật thu - chi ngân sách chưa nghiêm

Liên tiếp nhiều kỳ họp, vấn đề giữ nghiêm kỷ luật thu - chi ngân sách đã được nhiều ĐB nêu, nhưng chưa có chuyển biến rõ nét. Vấn đề này, nói như ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) là tình trạng thu chưa vững chắc, chi dàn trải, chưa hiệu quả, kỷ luật chi ngân sách chưa nghiêm. "Bệnh" chi không hiệu quả, thậm chí còn nặng hơn, thể hiện qua chỉ số ICOR (hệ số đầu tư tăng trưởng) lên đến 8, trong khi trước đây chỉ 5-6. "Có bộ trưởng giải thích, sở dĩ ICOR cao vì ta tính cả đầu tư chính sách. Tôi hiểu chính sách ở đây là đầu tư cho vùng sâu, vùng xa. Nhưng nếu trừ phần đó đi thì ICOR chắc chắn vẫn cao" - ĐB Nguyễn Minh Thuyết nói.

Về kỷ luật chi, ĐB Nguyễn Minh Thuyết đặt vấn đề: "Ba, bốn cái cầu sập nhưng chưa thấy ai bị kỷ luật, chưa thấy ai từ chức. Cầu sập không phải chỉ là vấn đề giao thông, không phải chỉ là vấn đề xây dựng, đấy là vấn đề chi ngân sách. Chi ngân sách rồi không hoàn thành được nhiệm vụ và gây tốn kém cho Nhà nước, chẳng thấy ai bị kỷ luật, chẳng thấy ai từ chức, không thấy ai xin lỗi". Ngoài ra, theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết, hiện còn có thêm căn bệnh "chi hoành tráng", cái gì cũng thích to nhất, dài nhất. Nếu căn bệnh "chi hoành tráng" vẫn chưa giải quyết được và kỷ luật không nghiêm thì vẫn sẽ còn những cây cầu bị sập.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều ĐB đã đặt vấn đề, liệu với cách làm như hiện nay, Quốc hội có kiểm soát được việc chi tiêu ngân sách? Và câu trả lời, cũng theo nhiều ĐB Quốc hội, là rất khó. Theo ĐB Trần Du Lịch, ở các nước, Quốc hội quyết từng khoản chi của Chính phủ chứ không quyết tỷ lệ bội chi bao nhiêu, vì làm vậy thu tăng thì chi cũng tăng. Cùng quan điểm này, nhiều ĐB so sánh, ở các nước khác bất kỳ một đồng ngân sách nào chi ra đều phải thông qua Quốc hội, trong khi ở ta cho ứng chi trước rồi chạy theo quyết toán sau, như vậy sẽ không chủ động kiểm soát được tình trạng chi ngân sách.

Tái cấu trúc nền kinh tế, theo hướng nào?

Năm 2008-2009, Chính phủ đã đặt ra việc sẽ tái cơ cấu nền kinh tế. Theo ĐB Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh), dù tái cơ cấu không thể làm một sớm một chiều nhưng phải thúc đẩy nhanh. Và cần phải có câu trả lời: Đi theo hướng nào? Có ưu tiên tăng trưởng nữa hay không? Có đi theo chiều ngang, tăng đầu tư, 8 đồng vốn mới được một đồng lời? Theo ĐB Trần Du Lịch, Quốc hội đã đề cập vấn đề tái cấu trúc, nhất là giai đoạn hậu khủng hoảng. Kỳ họp tháng 5-2009, Quốc hội có yêu cầu, Chính phủ đưa ra dự kiến trình đề án về vấn đề đổi mới mô hình và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đến kỳ tiếp theo, Chính phủ đưa ra một dự thảo cho Quốc hội. Tuy nhiên vẫn chưa cụ thể.

Về quản lý tài chính quốc gia, ĐB Lê Quốc Dung (Thái Bình) nêu, quản lý tốt đồng tiền tức là chống tham nhũng tốt. Tiền ở đây là thuế của người dân đóng góp, kể cả tiền đi vay. Vì vậy, vấn đề chính là phải nâng chất lượng của nền tài chính quốc gia. Muốn nâng cao chất lượng nền tài chính, kiểm soát tốt thu - chi, ĐB Trần Du Lịch đề nghị phải thay đổi lại cách quyết chi ngân sách hằng năm theo con số tuyệt đối chứ không nên theo tỷ lệ phần trăm GDP như hiện nay. Cách làm cụ thể là Chính phủ trình Quốc hội từng việc một gọi là ước chi, sau khi Quốc hội quyết xong thì đóng con dấu chuẩn chi. Khoản chi nào mà không được Quốc hội chuẩn chi thì là chi sai, từ đó quy trách nhiệm rõ ràng.

Khánh Khoa