Nếu không có khán giả...
Văn hóa - Ngày đăng : 06:37, 30/05/2010
Khi đã không hiểu được ngôn ngữ thì làm sao biết tuồng, chèo hay thế nào. Mối quan hệ giữa văn hóa phi vật thể và công chúng giống như câu chuyện Bá Nha và Tử Kỳ. Thế nhưng...
Một thời gian dài, tiếng đàn, phách và tiếng ca chỉ phát ra khe khẽ ở một số gia đình theo nghiệp ca trù vì ca trù bị cho là thứ nhạc của chế độ cũ cần phải loại bỏ. Họ đàn hát cho đỡ nhớ. Việc làm tự nhiên ấy vô hình trung đã bảo tồn di sản văn hóa có giá trị của dân tộc. Mới đây khi UNESCO đưa ca trù vào danh sách di sản cần được bảo vệ khẩn cấp thì ai cũng cho rằng ca trù cần phải bảo vệ. Bảo vệ thì đúng rồi nhưng bảo vệ thế nào mới là vấn đề. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long, ca nương Phạm Thị Huệ cho rằng, nếu mỗi đêm diễn của câu lạc bộ chỉ ngót nghét 100 người và lần nào cũng là khán giả ấy là quá ít ỏi với thành phố hiện có 6,5 triệu dân và hằng năm đón hàng chục triệu lượt khách du lịch trong nước cùng hơn 1 triệu du khách nước ngoài. Câu lạc bộ ca trù của gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Mùi vẫn chỉ có mấy mét vuông ở phố Thụy Khuê, đủ kê được vài cái ghế cho khách thưởng thức đàn ca. Khát khao có một địa điểm biểu diễn rộng rãi của nghệ nhân ở tuổi gần đất xa trời không phải là rộng hơn thì nhiều khán giả hơn, sẽ thu được nhiều tiền hơn mà nhiều người sẽ biết đến giá trị của ca trù. Năm bảy năm nay, người ta nói nhiều đến hát dô ở Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai). Tương truyền hát dô do Đức Thánh Cao Sơn, một trong bốn vị thánh linh thiêng trong thế giới tâm linh của người Việt, truyền lại và 36 năm mới mở hội một lần. Nay thì khác, các nghệ nhân có thể hát cho khách nghe mà không cần phải chờ những 36 năm. Tuy nhiên, không phải ai nghe cũng hiểu được giá trị của các làn điệu hát dô. Hát xoan ở Phú Thọ cũng trong tình trạng tương tự.
Vì sao ngày trước khán giả mê chèo hay tuồng đến mức "Tháng ba ngày tám nằm suông/Nghe tiếng trống tuồng "bế bụng" đi xem". Ấy là vì hầu hết các làng quê Bắc bộ đều có đội chèo. Và rất nhiều làng xã ở Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa... có đội tuồng. Vì thế mà một đứa trẻ từ khi sinh ra đã ngấm câu hát và khi lớn lên, không cần phải dạy nó hiểu chèo và tuồng là đương nhiên. Nghệ thuật tuồng hoặc chèo có những quy định riêng, nếu không hiểu các quy định ấy thì khó có thể hiểu được vở diễn. Do vậy một nửa của bảo tồn văn hóa phi vật thể là phải đào tạo khán giả để họ có kiến thức về môn nghệ thuật ấy. Vì nếu không có khán giả, di sản văn hóa phi vật thể chỉ là di sản, "chết" mà thôi và như thế...