Khoảng cách không dễ thu hẹp
Văn hóa - Ngày đăng : 06:34, 30/05/2010
Khoảng cách về công nghệ biểu diễn
Chất lượng âm thanh là nỗi lo đối với các nghệ sĩ nước ngoài mỗi khi đến Việt Nam biểu diễn. Hầu hết thiết bị trong các chương trình "ngoại" đều phải thuê mượn của nước ngoài. Có được thiết bị nhưng người điều khiển thiết bị không "ra" được chất lượng cũng bị coi không đạt. Để bảo đảm chất lượng âm thanh cho các chương trình quy mô lớn, đặc biệt là chương trình ngoài trời, nhà tổ chức đã phải viện tới chuyên gia nước ngoài, ví dụ Hello Vietnam phải mời đạo diễn âm thanh người Nga Vladimir Khozyaenko, Mỹ Linh Tour 06 mời hai chuyên gia người Nhật là Hirokama và Hoji. Thế nhưng, trong chương trình Hello Vietnam, các ca sỹ và nhạc công phải tự tay loay hoay nối nhạc cụ với hệ thống điện hay tìm vị trí đặt mic, kê chân… Mặc dù các nhà tổ chức đã tập dượt khá kỹ trước khi diễn chính thức và chạy thử chương trình, nhưng khoảng cách giữa "công nghệ biểu diễn" của Việt Nam và thế giới đã lộ rõ.
Nhạc sỹ Quốc Trung cho biết, khi anh đem chương trình Vọng nguyệt dự Festival Âm nhạc quốc tế Roskilde (Đan Mạch), anh không phải lo lắng chuyện gì bởi nhà tổ chức đã lo mọi chuyện đâu vào đấy. Mỗi ban nhạc được bố trí một phòng riêng trang bị đầy đủ tiện nghi như một phòng ở khách sạn cùng với đồ ăn được chuẩn bị sẵn. Để có được như vậy, công tác chuẩn bị đi trước vài tháng. "Công nghệ tổ chức chương trình của họ đã ở một đẳng cấp cao, ta chưa chắc theo kịp trong vòng chục năm nữa", nhạc sỹ Quốc Trung cho biết.
Khoảng cách ở ca sĩ, công chúng...
Nhiều ca sỹ Việt Nam có chất giọng lạ, phong cách biểu diễn rất bắt mắt nhưng do chỉ hát tiếng Việt, không hát được bằng tiếng Anh nên cơ hội biểu diễn trên các sân khấu nước ngoài rất ít nếu không muốn nói là không có. Ca sỹ Việt Nam khi "sánh vai" cùng bạn bè quốc tế thì sao? Đạo diễn Mai Quốc Việt, người đã thực hiện nhiều chương trình có yếu tố nước ngoài, nói: "Chúng ta không thiếu ca sỹ tài năng và có bản lĩnh sân khấu để chung sân với các nghệ sĩ quốc tế. Chỉ tiếc là một vài ca sỹ không ý thức được vai trò và ý nghĩa của việc họ xuất hiện ở các chương trình tổ chức tại Việt Nam bên cạnh những ca sỹ tên tuổi của thế giới". Anh cho biết thêm, ba "ca sỹ ngôi sao" của Việt Nam được mời tham gia Hello Vietnam nhưng người thì từ chối vì "kín sô", người thì đang bận quay phim quảng cáo ở Thái Lan. Còn tại Liên hoan Âm thanh Hà Nội vừa diễn ra, số nghệ sĩ Việt Nam đang chiếm lĩnh thị trường âm nhạc hầu như không xuất hiện, đặc biệt là các nghệ sĩ phía Nam...
Thực tế cho thấy, những năm gần đây, công chúng trong nước, hay đúng hơn là khán giả trẻ, bỏ tiền mua vé xem sô ca nhạc đã khá quen với "gu" âm nhạc của Hàn Quốc, Đài Loan… Theo đánh giá của những người am hiểu thị trường âm nhạc khu vực thì các sô do một số nhóm nhạc Hàn Quốc biểu diễn tại TP Hồ Chí Minh không có gì là ghê gớm cả về chuyên môn lẫn phong cách biểu diễn. Sở dĩ có chương trình gây ầm ĩ là do đơn vị tổ chức biết làm truyền thông, đến mức một vài tờ báo thổi phồng lên như thể họ đã xem chương trình này cho dù nó chưa diễn ra.
Khoảng cách về tính chuyên nghiệp giữa âm nhạc trong nước và nước ngoài xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những hệ lụy của sự phát triển âm nhạc thị trường trong những năm gần đây. Điều kiện tài chính eo hẹp cùng với nền công nghiệp biểu diễn ở Việt Nam trong tình trạng còn manh mún và yếu ớt cũng kéo theo những khoảng cách giữa "sô" ca nhạc trong nước và nước ngoài. Đó là chưa kể đến những rào cản kiểm duyệt, rồi có chương trình bị hủy bỏ, ca sĩ phải ngậm ngùi về nước, dù mọi việc chuẩn bị đã đâu vào đấy...