Thanh niên, sinh viên tìm việc làm:

Giáo dục - Ngày đăng : 06:23, 30/05/2010

(HNM) - Theo thống kê, mỗi năm có khoảng 160 nghìn sinh viên (SV) tốt nghiệp đại học (ĐH) và các trường dạy nghề, khoảng 200 nghìn học sinh (HS) trung học gia nhập thị trường lao động.

Ước tính bình quân có hơn 1,1 triệu thanh niên bước vào thị trường lao động với những lúng túng và khó khăn không nhỏ. Mới đây, Thành đoàn Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm "Kỹ năng tìm việc thành công", nhằm trang bị cho thanh niên cả về nhận thức và phương pháp tiếp cận nhà tuyển dụng.

Rất nhiều nghịch lý

Mặc dù số lượng SV quan tâm đến buổi tọa đàm "Kỹ năng tìm việc thành công" không nhiều, chỉ khoảng hơn 50 SV đại diện cho các trường; tuy vậy, những vấn đề họ nêu lên rất sát với đời sống SV và thực tế xin việc hiện nay.

Sinh viên cần tìm hiểu về nhà tuyển dụng trước khi đăng ký trả lời phỏng vấn. Ảnh: Minh Nguyễn

Nhiều bạn trẻ, kể cả SV năm cuối cũng băn khoăn làm thế nào để có một bức thư tuyển việc và bản sơ yếu lý lịch (CV) hoàn hảo, gây ấn tượng và thuyết phục nhà tuyển dụng. SV Đặng Thị Bích Hằng, Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia Hà Nội trăn trở, kỹ năng mềm mình thu nhận được trong quá trình học tập, nhưng chưa được cấp chứng chỉ ở một khóa đào tạo nào đó liệu có thuyết phục? Tâm lý chung của SV hay "nóng ruột", bởi 4 năm gia đình nuôi ăn học, nên ra trường thường mong muốn có một việc làm ngay để trang trải cuộc sống. Vì vậy, trong giai đoạn này không cần chờ đợi một công việc phù hợp với chuyên ngành đào tạo mà cứ làm việc gì đó cốt để kiếm tiền trước, lời khuyên của nhà tuyển dụng ra sao?

SV năm thứ 4, Học viện Tài chính Nguyễn Quang Tráng nêu vấn đề, khi NLĐ được tuyển rồi, thời gian thử việc cũng đã hoàn thành, xong việc thỏa thuận tiền lương thấy không phù hợp với vị trí, NLĐ phải tìm chỗ khác, gây lãng phí thời gian thử việc. SV Lâm Thị Thu Hằng, ĐH GTVT lại nêu nghịch lý: Rất nhiều nhà tuyển dụng quan tâm đến quãng thời gian thực tập của SV, nhưng trái lại khi SV đến các doanh nghiệp thực tập, dù rất muốn được tiếp cận công việc để tạo kinh nghiệm cho bản thân, nhưng đa số chỉ nhận được chân pha trà, chạy công văn, sai vặt… nhà tuyển dụng nghĩ sao?

SV Dương Thông Thảo, ĐH Nông nghiệp cho rằng, tại ngày hội việc làm Thủ đô, có gần 200 doanh nghiệp (DN) tham gia, nhưng chỉ có một đơn vị tuyển dụng chuyên ngành này, nên rất nhiều SV nông nghiệp không tìm được cơ hội phỏng vấn. Nhiều DN coi kỹ năng mềm là yếu tố chính, nhưng cũng có DN coi bằng cấp khá, giỏi quan trọng. Quan điểm của nhà tuyển dụng về những kỹ năng mềm, bằng cấp?

Thân thiện, yếu tố thành công

Hiện nay, các bạn trẻ đăng ký tuyển dụng qua mạng rất nhiều, điều này tiện cho cả nhà tuyển dụng và NLĐ. Trên thực tế, rất nhiều thanh niên, SV khi tìm việc thất bại ở vòng phỏng vấn, dù họ có một bộ hồ sơ đẹp, ấn tượng. Nguyên nhân không phải họ không đủ năng lực so với vị trí công việc, mà đôi khi chính họ không biết cách thể hiện sự phù hợp của mình với công việc đó. Chính vì thế mà ngoài thư xin việc thì một CV cũng là nội dung quan trọng để nhà tuyển dụng biết được khả năng của người đi tìm việc và gọi phỏng vấn. Tuy vậy, rất nhiều SV thường mắc lỗi khi viết CV, như viết sai chính tả, địa chỉ email không phù hợp, hồ sơ trình bày vấn đề không liên quan... Rất nhiều bạn có tên email rất mỹ miều và "nghịch" như "nguoidanongkhotinh", "thomngatghuongbien" "anhyeuem"… làm nhà tuyển dụng cảm thấy bạn trẻ này chưa chín chắn, nghiêm túc nên đánh tuột cơ hội.

Theo bà Nguyễn Hồng Hạnh, Trưởng phòng Kinh doanh mạng tuyển dụng Vietnamworks.com thì để có một bức thư xin việc và CV hoàn hảo, gây ấn tượng, có sức thuyết phục, bạn phải "bán cái người khác cần mua, bán cái thị trường cần, chứ không nên rao bán cái mình có. Đó là nguyên tắc đầu tiên mở màn cho chặng đường tuyển việc''. Việc đầu tiên cần thực hiện đó là mỗi thanh niên, SV cần phải tìm hiểu về nhà tuyển dụng, phải biết họ cần gì, họ muốn gì. Những thứ họ cần bạn có không, nếu có, hãy nêu bật chúng, tận dụng chúng tối đa để làm nhà tuyển dụng hài lòng. Đó chính là cách bày tỏ mong muốn thật sự bạn là người có ích cho công ty. Còn theo ông Nguyễn Bá Tưởng, Giám đốc Tập đoàn Tư vấn và Giáo dục Việt Nam thì để có thể tìm được một việc làm, các bạn trẻ phải biết DN cần gì ở NLĐ… Những người thành đạt nhất không phải là những người có chỉ số thông minh (IQ) cao, mà là những ai có quan hệ giao tiếp tốt nhất. Những ai thân thiện với đồng nghiệp và luôn có ý sẵn sàng hợp tác thì thường tạo được những quan hệ tốt, mở rộng tầm hoạt động và đạt được mục tiêu của mình hơn là những thiên tài cô đơn, vụng về trong giao tiếp xã hội.

Lưu Thảo