“Vỏ” mới... “ruột” không thay đổi

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:44, 30/05/2010

(HNM) - Kỳ nghỉ cuối tuần này, Nhà Trắng vừa công bố Chiến lược an ninh quốc gia mới. Một chiến lược kết hợp can dự ngoại giao, sức mạnh kinh tế và sức mạnh quân sự nhằm củng cố bằng được vị thế của Mỹ trên thế giới.

Văn kiện dài 52 trang này được dư luận Bắc Mỹ và châu Âu xem là một cú đảo chiều ghê gớm trong chính sách đối ngoại an ninh của chính quyền đương nhiệm so với thời cựu Tổng thống George W.Bush để quyết duy trì bằng được vị thế cường quốc số 1 của nước Mỹ. Điểm mới nổi bật trong Chiến lược an ninh quốc gia của Tổng thống B.Obama là khẳng định sự đoạn tuyệt với hành động quân sự đơn phương - được biết đến dưới tên gọi "đòn phủ đầu" được "người hùng" bang Texas theo đuổi suốt 2 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp với 8 năm.

Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ đã ý thức rõ về tầm quan trọng của giá trị hợp tác toàn cầu, xây dựng các quan hệ đối tác an ninh rộng lớn và giúp các quốc gia tự bảo vệ mình. Nó đã cụ thể hóa ý tưởng của người đứng đầu nước Mỹ là coi trọng ngoại giao đa phương hơn sức mạnh quân sự; thừa nhận vũ lực là giải pháp cuối cùng và cần phải tăng cường hợp tác ngoại giao quốc tế trước khi hành động bằng vũ lực. Lần đầu tiên, cùng với các vấn đề khủng bố quốc tế, phổ biến vũ khí hạt nhân, bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu toàn cầu và sự xói mòn cái gọi là "giá trị tự do, dân chủ ở nước ngoài", Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ đã đưa chủ nghĩa khủng bố có nguồn gốc nội địa vào danh mục đe dọa an ninh quốc gia.

Năm 2002, khi Tổng thống G.W.Bush công bố Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ với điểm nhấn là "đòn phủ đầu", khẳng định quyền sử dụng vũ lực đơn phương bất chấp luật pháp quốc tế thì cũng là lúc "học thuyết G.W.Bush" ra đời. Bằng học thuyết này, Mỹ ngang nhiên xâm lược Iraq bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Hậu quả nặng nề của cuộc chiến vẫn còn đó. Đất nước Iraq bị chiến tranh tàn phá và đến nay "tự do dân chủ" cũng như an ninh cho xứ sở Ngàn lẻ một đêm vẫn chỉ là mớ bòng bong. Còn với nước Mỹ, cuộc chiến Iraq là một thảm họa. Chính quyền Obama và người dân Mỹ đang phải è vai chịu gánh nặng "di sản" từ học thuyết sai lầm gắn với tên tuổi G.W.Bush.

Chiến lược an ninh quốc gia mới được Nhà Trắng công khai giữa lúc Mỹ vẫn đang bận rộn với các chiến dịch "bình định" tại Iraq và Afghanistan cùng mối đe dọa khủng bố mới ngay trong nước và một nền kinh tế bất ổn do cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1930. Cùng với đó, sau một loạt cuộc tấn công và mất mát gần đây - tại căn cứ quân sự Fort Hood vào năm ngoái và Quảng trường Thời đại (New York) trong tháng này - chính quyền Mỹ dường như đã nhận ra "các mối đe dọa" thật sự được xem là tiềm tàng. Và "đòn phủ đầu" bất chấp luật pháp quốc tế đã được nhìn nhận không những không mang lại hiệu quả mà còn khiến hình ảnh nước Mỹ bị hoen ố bởi tính ngạo mạn và áp đặt các giá trị ảo tưởng.

Vì vậy, thế giới không quá ngạc nhiên khi Tổng thống B.Obama tỏ rõ thái độ đoạn tuyệt với quá khứ. Bởi nếu không "thay đổi", lợi ích Mỹ tại những "vùng đệm" chiến lược trải dài từ châu Á tới Trung Đông qua châu Phi và châu Âu... sẽ lung lay và Mỹ ngày càng mất đi vị thế cường quốc số 1. Muộn còn hơn không, Washington đang ráo riết điều chỉnh để khôi phục tầm ảnh hưởng và sức mạnh. Một điều dễ nhận thấy là để củng cố vị thế và khôi phục hình ảnh nước Mỹ từng đơn độc, Tổng thống B.Obama đã bước vào cuộc cải tổ với hy vọng những ý tưởng mới và chiến lược "quyền lực thông minh" cũng như "đa đối tác" về trật tự quốc tế sẽ đem lại cho nước Mỹ một tập hợp mới. Do đó, từ khi lên nắm quyền, chính quyền Obama đã thực hiện một loạt bước đi thể hiện chiến lược này như: củng cố quan hệ với châu Âu, "cài đặt" lại quan hệ với Nga, thúc đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông và tham vấn nhiều nước trong lộ trình vãn hồi hòa bình ở Afghanistan và Iraq. Rõ ràng, Mỹ không thể "đơn thương độc mã" trên trường quốc tế để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Điều này cũng có nghĩa là Washington đã nhìn xu hướng đa cực trong quan hệ quốc tế bằng con mắt thực tế hơn.

Nhưng dù có khoác lên "bộ áo" mới nào, thì bản chất và mục tiêu chiến lược an ninh của Mỹ là không hề thay đổi. Mỹ không từ bỏ tham vọng "lãnh đạo" thế giới trong "trật tự mới". Dù luôn kêu gọi sử dụng sức mạnh quân sự là biện pháp cuối cùng nhưng trong ngân sách tài khóa 2011 vừa trình Quốc hội, Tổng thống B.Obama đã đề xuất dành cho quốc phòng khoản ngân quỹ tới 548,9 tỷ USD (tăng 3,4% so năm 2010).

Và mới đây nhất (24-5), Mỹ lại có một động thái khiến Nga ngạc nhiên khi đặt một khẩu đội tên lửa Patriot tại Morag (Ba Lan), chỉ cách biên giới khu Kaliningrad của Nga chừng 40km. Với sự kiện này, thế giới nhận ra rằng, dù dưới sự chèo lái của bất kỳ vị tổng thống nào thì hy vọng Washington từ bỏ chiến lược răn đe sức mạnh chỉ là ảo tưởng.

Như vậy đủ thấy, Chiến lược an ninh quốc gia mới vừa được Washington công khai chưa bao giờ rời xa mục tiêu nhằm duy trì vị thế đơn cực của Mỹ, bất chấp xu thế đa phương đang trỗi dậy trên toàn cầu. Nó đồng thời khẳng định những chỉ trích của phe Cộng hòa sau 16 tháng cầm quyền vừa qua của Tổng thống B.Obama đã khiến Mỹ trở nên "yếu ớt" trên trường quốc tế bỗng trở nên ngây thơ và không thực tế.

Thùy Dương