Khó phạt người đi bộ vi phạm

Đời sống - Ngày đăng : 08:23, 29/05/2010

(HNM) - Sau một tuần thực hiện xử phạt vi phạm giao thông theo Nghị định 34/2010/NĐ-CP, ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh cho thấy ý thức chấp hành luật khi lưu thông của người đi đường đã có nhiều chuyển biến tốt, trật tự an toàn giao thông đã bước đầu đi vào nền nếp.

CSGT xử lý người vi phạm trên xa lộ Hà Nội.


Ý thức tăng, tai nạn giảm
Đại tá Lê Đông Phong, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, qua một tuần xử phạt, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đã phát hiện 41.642 vụ vi phạm, ra quyết định xử phạt 35.825 vụ với số tiền gần 2,7 tỷ đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 798 trường hợp và tạm giữ 33 ô tô, 839 xe mô tô, 37 xe ba bánh, 16 xe thô sơ... Các vi phạm phổ biến là lưu thông không đúng phần đường, dừng, đỗ, tránh, vượt không đúng quy định…

Ông Trần Quốc Hùng, Ban An toàn giao thông TP cũng cho rằng, đã có chuyển biến tích cực về hành vi, nhận thức của người tham gia giao thông. Cụ thể, số xe chạy trên vỉa hè giảm gần 60% so với trước ngày 20-5; taxi dừng, đỗ, đón, trả khách trật tự hơn. Tại các ngã tư dù không có CSGT nhưng đã có nhiều người đi đường tự giác dừng đúng vạch quy định, người rẽ trái đường cũng không lấn tuyến ô tô. Trên các tuyến đường trung tâm, xe ô tô dù xếp hàng dài cũng không dám lấn qua làn đường dành cho xe máy. Nhiều người đi bộ cũng không qua đường một cách "vô tội vạ" như trước mà đi đúng vào phần đường của mình.

Những chuyển biến tích cực đó đã góp phần giảm tai nạn giao thông trên địa bàn. Số vụ tai nạn giao thông trong tháng 5 (tính từ ngày 25-4 đến 25-5) đã giảm 22,5% so với tháng trước, số người chết giảm 33,7% và số người bị thương giảm 3,7%.

Khó phạt người đi bộ
Trong tuần đầu tiên xử phạt theo Nghị định 34 cũng đã xuất hiện một số khó khăn. Trong đó, khó nhất là phạt người đi bộ và người đi xe máy điện. Quy định người đi bộ đi sai làn đường, đi xuống lòng đường sẽ bị phạt rất khó thực thi vì một số tuyến đường sau khi dỡ bỏ "lô cốt" thì hệ thống vạch sơn, biển báo chưa hoàn thiện; một số nơi vỉa hè bị các gánh hàng rong, bãi giữ xe lấn chiếm khiến người đi bộ muốn chấp hành quy định cũng… không được! Quanh khu vực chợ Bến Thành, nơi có rất nhiều người đi bộ nhưng đoạn đường Lê Lợi, Trương Định, Phạm Ngũ Lão bị chiếm dụng khiến người đi bộ chỉ còn cách đi xuống lòng đường.

Mặt khác, việc xử lý người đi bộ cũng khó với các CSGT vì… làm không xuể! Trong tuần, dù người đi bộ vi phạm rất nhiều nhưng CSGT chỉ xử phạt được 61 trường hợp. Thông thường, các CSGT làm nhiệm vụ tại các giao lộ, ngã tư, trong khi phần đông người đi bộ chỉ băng qua đường ở chỗ nào họ thấy… tiện. Vào buổi trưa, các cao ốc văn phòng trên đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ có rất nhiều nhân viên văn phòng vô tư qua đường. Một khó khăn nữa là với những người đi bộ vi phạm thì phạt tiền hoặc giữ giấy CMND, nhưng nếu người vi phạm cứ khăng khăng cho rằng không mang theo giấy tờ hoặc tiền thì các CSGT chỉ còn biết nhắc nhở rồi… cho đi. Với xe đạp điện tình hình cũng tương tự. Theo quy định thì xe gắn máy điện phải đăng ký và người lưu thông trên loại xe này phải đội mũ bảo hiểm. Thế nhưng, việc đăng ký loại xe này vẫn còn bỏ ngỏ, vì vậy CSGT chỉ còn biết nhắc nhở rồi… bỏ qua!

Thay đổi một thói quen, ý thức không thể thực hiện được trong một thời gian ngắn. Vì vậy, những tín hiệu tích cực từ Nghị định 34 là rất đáng mừng để lập lại văn hóa giao thông.

Đặng Loan