Lỏng lẻo đáng báo động
Đời sống - Ngày đăng : 08:03, 29/05/2010
(HNM) - Việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua quá lỏng lẻo đem lại những hậu quả không dễ xử lý. Tình trạng các tổ chức, đơn vị và cá nhân sử dụng sai mục đích, mua bán trao tay, cho thuê, liên doanh, liên kết, giao đất trên diện tích nhận khoán trái pháp luật diễn ra khá phổ biến. Nhiều vụ việc vi phạm rõ mười mươi nhưng biện pháp xử lý chậm, để lãng phí đất đai.
(HNM) - Việc quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua quá lỏng lẻo đem lại những hậu quả không dễ xử lý. Tình trạng các tổ chức, đơn vị và cá nhân sử dụng sai mục đích, mua bán trao tay, cho thuê, liên doanh, liên kết, giao đất trên diện tích nhận khoán trái pháp luật diễn ra khá phổ biến. Nhiều vụ việc vi phạm rõ mười mươi nhưng biện pháp xử lý chậm, để lãng phí đất đai.
Nhiều nông, lâm trường hiện nay đang sử dụng lãng phí nguồn quỹ đất. Ảnh: Thái Hiền |
Kẽ hở trong quản lý
Qua rà soát, hiện nay trên địa bàn thành phố có 25 tổ chức (được thành lập sau khi sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông, lâm trường quốc doanh) đang quản lý, sử dụng hơn 10.115ha đất, tập trung tại các huyện Ba Vì, Sóc Sơn, Chương Mỹ, thị xã Sơn Tây... Trong số 25 tổ chức sử dụng đất có 16 tổ chức thuộc Bộ NN&PTNT quản lý (gần 4.803ha), một tổ chức do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quản lý (874ha), 8 tổ chức do UBND thành phố quản lý (gần 4.439ha). Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đối với các tổ chức sử dụng đất thuộc các bộ quản lý, đến nay cơ quan chức năng và chính quyền các cấp của thành phố mới tiếp nhận việc quản lý về hành chính, chưa tiếp nhận hồ sơ quản lý đất đai. Trong số 8 tổ chức do thành phố quản lý, có 3 tổ chức đã sáp nhập vào Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội, một số tổ chức khác đã và đang kiện toàn, củng cố các ban quản lý, lập hồ sơ quản lý đất đai theo đúng quy định.
Khảo sát thực tế cho thấy, hầu hết các nông, lâm trường có quy mô, diện tích và dân số tương đương với một xã và diện tích đất nông trường quản lý được giao khoán cho cán bộ, nông trại, kể cả nhân dân trong khu vực hoặc thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất. Các nông, lâm trường ít tham gia điều hành sản xuất trực tiếp mà chỉ tổ chức thu mua nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm.
Điều đáng nói, nhiều nông, lâm trường quốc doanh thuộc các bộ, ngành quản lý sau khi sắp xếp, đổi mới chậm trễ phối hợp các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương để bàn giao hồ sơ quản lý. Chính sự thiếu phối hợp tích cực giữa các bên có liên quan đã tạo ra nhiều kẽ hở trong quản lý đất đai tại các nông, lâm trường.
Đất đai bị phù phép
Qua kiểm tra tình hình sử dụng đất của các tổ chức sự nghiệp, nông, lâm trường quốc doanh, tổ chức kinh tế tại các nông, lâm trường, cơ quan chức năng thành phố Hà Nội phát hiện không ít tổ chức để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, đất bị lấn chiếm, mua bán trao tay, cho thuê, hợp tác, liên doanh, liên kết, trên diện tích đất nhận khoán trái luật. Trong tổng số 33 đơn vị nằm trong kế hoạch kiểm tra công tác quản lý, sử dụng đất đai của các nông, lâm trường, trạm trại có sử dụng đất trên địa bàn huyện Ba Vì, đã phát hiện nhiều sai phạm tập trung tại các đơn vị như: Trạm thực nghiệm giống cây rừng Ba Vì; Trung tâm Dịch vụ và Chuyển giao kỹ thuật lâm, nông nghiệp Ba Vì; Công ty CP Việt Mông (trước đây là Nông trường hữu nghị Việt Nam - Mông Cổ); Công ty CP Giống gia cầm Ba Vì; Xí nghiệp Nông lâm nghiệp sông Đà; Trạm Nghiên cứu và sản xuất tinh đông lạnh Môn ca đa và Trung tâm Nghiên cứu bò và đồng cỏ Ba Vì. Dấu hiệu sai phạm của các đơn vị, doanh nghiệp chủ yếu là: cho thuê đất để lấy tiền; chưa chuyển sang hình thức khoán theo Nghị định số 135/2005/NĐ-CP của Chính phủ; sử dụng đất vào các mục đích khác; tự ý giao đất cho một số cá nhân làm vườn, xây dựng nhà ở kiên cố trên đất công; từ việc quản lý lỏng lẻo nhiều người đã tự ý mua bán, chuyển nhượng trái phép; dẫn đến chây ỳ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước...
Nguyên nhân những sai phạm là do việc quản lý đất đai buông lỏng nhiều năm nay, đáng tiếc là từ những năm 2005 cơ quan chức năng kiểm tra, thanh tra chỉ ra các vi phạm nhưng vẫn không được xử lý triệt để. Bên cạnh đó, sự phối hợp thiếu chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và địa phương; một số đơn vị giao khoán đất nông nghiệp không đúng đối tượng theo quy định hoặc sử dụng đất để liên doanh, liên kết khác để thu tiền... vi phạm Luật Đất đai. Bên cạnh đó, một phần trách nhiệm thuộc về chính quyền các địa phương, buông lỏng quản lý, xử lý các vi phạm về đất đai.
Không thể chậm trễ nữa, các cấp chính quyền cần siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng chuyển nhượng trái phép, để đất hoang hóa và sử dụng sai mục đích.
Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố sẽ hoàn tất hồ sơ kiến nghị UBND TP chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát chi tiết việc sử dụng đất đai của từng hộ nhận khoán đất để phát hiện và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng mua bán đất trái phép. Đồng thời, buộc các đơn vị có vi phạm phải thanh lý các hợp đồng giao khoán đất, dùng đất để liên doanh với các doanh nghiệp khác, trái với quy định của Luật Đất đai 2003. |