Vết xước mới

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:41, 29/05/2010

(HNM) - Năm ngoái, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố từ bỏ kế hoạch xây dựng Hệ thống phòng thủ chống tên lửa (NMD) ở châu Âu do người tiền nhiệm khởi xướng, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà Trắng đã chấp nhận một

Thế nhưng, một khẩu đội tên lửa Patriot của Mỹ vừa được đưa đến Morag (Ba Lan) trong ngày 24-5, cách biên giới khu Kaliningrad của Nga chỉ chừng 40km, thì thiên hạ mới vỡ lẽ rằng, chưa bao giờ Wasington từ bỏ chiến lược phòng vệ được hình thành từ các nhiệm kỳ tổng thống trước đó. Thực chất, đây chỉ là cách "bỏ cũ, thay mới" mà thôi. Điều này ngay lập tức khiến chất lượng những "viên gạch" mới trong nền móng quan hệ Nga - Mỹ kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền bị hoài nghi; đồng thời khiến "bóng ma" ngờ vực sẽ trở lại trong mối quan hệ của hai cường quốc hàng đầu thế giới này.

Nếu như trước đây, dự án của cựu Tổng thống Mỹ G.Bush chỉ nhằm mục tiêu bảo vệ một mình nước Mỹ khỏi các cuộc tấn công xuyên lục địa mà bỏ qua một phần lớn của châu Âu thì kế hoạch lá chắn được xây dựng dưới thời Tổng thống B.Obama như vừa được triển khai tại Ba Lan được đánh giá là một thay đổi lớn và được thiết kế mang tính toàn diện hơn. Nó sẽ trải rộng từ đại dương tới đất liền, hình thành "chiếc ô" khó xuyên thủng nhằm bảo vệ châu Âu và Mỹ trước tầm bắn của các tên lửa tầm ngắn, trung và tầm xa. Theo đúng kế hoạch, lá chắn tên lửa mới sẽ được hoàn tất trong vòng 8 năm tới. Như vậy, dù Nga chưa phản ứng gay gắt trước hành động của Mỹ, vì cho rằng dàn hỏa tiễn Patriot vừa đến Ba Lan nằm trong hệ thống phòng thủ chống máy bay, chứ không phải chống tên lửa, tuy nhiên, về tương quan lực lượng, Nga khó có thể làm ngơ trước sự xuất hiện đột ngột của dàn tên lửa hàng đầu của Mỹ được đặt sát nách Nga. Và một câu hỏi đặt ra là liệu Mátxcơva sẽ duy trì được thái độ "nhã nhặn" trong bao lâu nếu những bộ phận cấu thành của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ tiếp tục xuất hiện tại Rumani, CH Séc và các nước khác ở châu Âu?

Trong khi đó, từ trước tới nay Mátxcơva vẫn cho rằng, NMD là mắt xích quan trọng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ nhằm đưa hạ tầng cơ sở chiến tranh đến sát biên giới Nga. Do vậy, không có gì lạ khi Học thuyết quân sự mới của Nga đến năm 2020 coi NMD là vi phạm tương quan lực lượng đã hình thành trong lĩnh vực tên lửa - hạt nhân; là nguy cơ nghiêm trọng nhất với an ninh nước này. Mátxcơva bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm chống lại nước Nga và các đồng minh của Nga; đồng thời bảo lưu quyền nhanh chóng sử dụng quân đội Nga ở nước ngoài nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và lợi ích của các công dân Nga, góp phần duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

Vẫn biết sự ấm - lạnh trong quan hệ Nga - Mỹ là có thể và chỉ là sự tiếp nối của chuỗi bất đồng từng có giữa hai cường quốc hạt nhân, tuy nhiên, điều đáng nói là, sự việc lại xảy ra đúng vào thời điểm nhiều hy vọng nhất để hai bên chấm dứt thời kỳ căng thẳng. Tức là, chỉ hơn 1 tháng sau khi Nga - Mỹ ký kết một hiệp ước lịch sử nhằm cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược giai đoạn mới (START mới) và cũng ngay trong chiều 28-5, Tổng thống Nga D.Medvedev đã đệ trình Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga phê chuẩn START, trước đó Tổng thống Mỹ B.Obama đã đệ trình START mới để Thượng viện Mỹ phê chuẩn. Dẫu chưa thể giải tỏa hoàn toàn những bế tắc từng tồn tại trong quan hệ hai nước, nhưng văn kiện này là một bước khai thông quan trọng, tạo động lực thúc đẩy mối quan hệ Nga - Mỹ bước vào một thời kỳ tốt đẹp hơn. Có thể thấy rằng, dàn tên lửa Patriot của Mỹ vừa được triển khai tại Ba Lan đã gây một vết xước mới trong quan hệ vừa ấm nồng ít ngày giữa hai cựu địch thủ thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Việc triển khai NMD vừa được Mỹ thực hiện tại Ban Lan sẽ thách thức cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và Tổng thống Mỹ B.Obama dự kiến vào tháng 6 tới và không loại trừ khả năng Điện Kremlin sẽ gác lại quá trình điều chỉnh học thuyết đối ngoại theo hướng "thân thiện" hơn với Mỹ. Thêm một lần nữa sự ổn định của an ninh châu Âu lại thấp thỏm trước viễn cảnh được dự đoán là đã qua rồi "tuần trăng mật" trong quan hệ Nga - Mỹ.

Lâm Phương