Cơ chế phát triển sạch: Thủ tục hành chính còn rườm rà
Đời sống - Ngày đăng : 06:45, 28/05/2010
Hiện nay, các dự án CDM ở Việt Nam kém hấp dẫn và kém cạnh tranh so với các quốc gia khác bởi sự phức tạp về thủ tục, nhiều thủ tục không cần thiết. Điều này khiến các dự án CDM chậm được thông qua và việc được hưởng ưu đãi gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, Ban Chỉ đạo phê duyệt dự án CDM của Việt Nam có tới 14 cơ quan và 18 thành viên là quá đông, khó triệu tập họp để thẩm định các dự án. Các đại biểu tham dự đều thống nhất, để các dự án CDM tại Việt Nam được Ban Chấp hành quốc tế (EB) phê duyệt và cho hưởng ưu đãi, bộ máy Ban Chỉ đạo và các thủ tục thực hiện dự án CDM của Việt Nam cần rút gọn lại, loại bỏ những thủ tục, quy trình không cần thiết.
CDM là cơ chế được thiết lập trong khuôn khổ nghị định thư Kyoto (Nhật Bản) tháng 12 năm 1997; theo đó, các nước phát triển (các nước công nghiệp) hỗ trợ, khuyến khích các nước đang phát triển thực hiện các dự án thân thiện với môi trường, nhằm phát triển bền vững.