Đâu là tiếng nói chung?
Công nghệ - Ngày đăng : 06:42, 28/05/2010
Khó "vào" Hà Nội quá!
Đây là chia sẻ của TS Nguyễn Hoài Châu, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường, khi đưa ví dụ: Viện có sản phẩm công nghệ "Lò đốt chất thải rắn y tế VHI-18B" dùng cho bệnh viện tuyến huyện với chi phí xử lý chỉ khoảng 90.000 đồng/ngày, có chất lượng phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, dễ dàng tìm thiết bị thay thế khi cần. Tuy nhiên, khi chào hàng với các đơn vị tại Hà Nội thì không nơi nào đồng ý, trong khi đó sản phẩm này lại được ứng dụng ở khá nhiều bệnh viện của các tỉnh ven Thủ đô.
Nghiên cứu các công trình khoa học tại Viện Công nghệ môi trường (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). |
TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội thừa nhận: Một trong những hạn chế lớn nhất của KHCN Thủ đô những năm qua là việc áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đạt khoảng 70% là xét trên ý nghĩa tác dụng tổng thể, còn các giải pháp với ý nghĩa mới để giải quyết các vấn đề thực tiễn thì chưa nhiều. Hoạt động KHCN chưa gắn với chính sách phát triển của DN nên vai trò "đòn bẩy" của KHCN chưa được phát huy. Sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu, trường ĐH để giải quyết những vấn đề chiến lược hoặc những vấn đề cấp thiết như giao thông đô thị, quy hoạch, môi trường... thường chỉ tập trung vào một số nhà khoa học trên cơ sở tham gia các đề tài nghiên cứu tuyển chọn thời vụ chứ chưa trên cơ sở hợp tác toàn diện giữa Hà Nội và các tổ chức đó. Điều này làm các cơ quan KHCN lớn của cả nước chưa mấy hiện diện trong sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô.
Những câu hỏi cũ
Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Nhà máy Bóng đèn, phích nước Rạng Đông cho biết, sự hợp tác giữa các cơ quan khoa học với DN hiện rất khó khăn vì nhu cầu hai bên khác nhau. Nhà nghiên cứu cần một số tiêu chí để tính đến học hàm, học vị, trong khi DN quan tâm đến những chuyện khác. "Để có sự gắn kết giữa Viện KHCN Việt Nam và Rạng Đông, lãnh đạo hai đơn vị chúng tôi phải mất 1,5 năm chỉ đạo quyết liệt. Nếu lãnh đạo không quan tâm tháo gỡ các thủ tục hành chính thì mối quan hệ nhà khoa học - DN là cực khó" - ông Thăng kết luận.
Trong khi đó, ông Đặng Văn Trung, Giám đốc Công ty Nhôm Đông Anh lại đưa ra một con số đáng để suy nghĩ là DN này đã dành 1,2 tỷ đồng trong năm 2009 để thưởng cho các tác giả có công trình nghiên cứu làm lợi cho đơn vị. Cách làm của Công ty Nhôm Đông Anh là rất mới, đúng hướng nhưng không hẳn lãnh đạo đơn vị nào cũng dám áp dụng... Ngoài ra, có thực tế khác là DN khi muốn tìm công nghệ trong nước không biết tìm nguồn nào thật sự an tâm. Nhà khoa học thì vướng vào vấn đề thủ tục thanh quyết toán tài chính đã quá lạc hậu và xác lập quyền sở hữu trí tuệ thế nào đối với đề tài do ngân sách bỏ ra.
PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội cho biết: Quy luật chung của nhiều nước trên thế giới là đề tài từ phòng nghiên cứu ra thị trường phải mất khoảng 7-10 năm và trong 10 hướng nghiên cứu thì có đến 9 là thất bại. Tuy nhiên, 1 đề tài thành công cũng mang lại lợi nhuận gấp khoảng 100 lần số tiền đầu tư vào nó. Tuy nhiên, cách đánh giá hiệu quả hoạt động KHCN của Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập và khó huy động được DN tham gia đầu tư cho KHCN.
TS Lê Xuân Rao khẳng định: Hà Nội sẽ tổ chức hội nghị "ba nhà" hằng năm để lắng nghe ý kiến của DN, nhà khoa học, từ đó nâng cao chất lượng "đầu vào" của các đề tài khoa học. Thành phố sẽ đầu tư mạnh cho một số đề xuất nghiên cứu có thể ứng dụng ngay giữa DN - cơ quan khoa học. Các lĩnh vực nghiên cứu sẽ tập trung vào giải quyết các vấn đề cấp thiết từ thực tiễn quản lý, sản xuất và đời sống của Hà Nội như: ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm, vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý và xây dựng đô thị...
Không phải đến giờ, liên kết "ba nhà" (và cả vấn đề sở hữu trí tuệ, cơ chế tài chính trong nghiên cứu khoa học, đánh giá hiệu quả KHCN...) mới được đặt ra và đòi hỏi sự giải quyết đồng bộ chứ không thể là những đáp số riêng lẻ. Rõ ràng, thiếu "chân" nào trong bộ ba này cũng sẽ khó cho kết quả tốt và như cơ chế hiện nay thì việc tìm "tiếng nói chung" cho "ba nhà" đang có nhiều trở ngại.