Thắt chặt chi tiêu, chống lãng phí
Kinh tế - Ngày đăng : 06:25, 28/05/2010
Tăng trưởng còn yếu tố chưa bền vững
Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước năm 2009 có nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục tăng, cả năm đạt mức 5,32%, cao hơn so với số ước thực hiện đã báo cáo Quốc hội (5,2%). Đây là kết quả khá cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tuy vậy, quá trình tăng trưởng còn bộc lộ nhiều hạn chế, đáng chú ý nhất là các cân đối vĩ mô chưa được cải thiện nhiều, vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất ổn. Các đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương), Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên), Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) bày tỏ lo lắng về việc bội chi ngân sách nhà nước ở mức cao (115.900 tỷ đồng, bằng 6,9% GDP) và nợ Chính phủ đã ở mức hơn 40% GDP (số báo cáo tại kỳ họp thứ 6 là khoảng 40% GDP). Mức nợ Chính phủ như vậy được đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái) đánh giá là cận kề "ngưỡng mất an toàn".
Kiểm soát giá cả là một trong những biện pháp góp phần chống lạm phát, ổn định thị trường trong nước. Ảnh: Linh Tâm |
Bên cạnh đó, dù đã có nhiều nỗ lực thì tình trạng nhập siêu vẫn ở mức khá cao (bằng 21,6% kim ngạch xuất khẩu), cùng với sự suy giảm của dòng vốn đầu tư nước ngoài và một số yếu tố khác làm cán cân thanh toán tổng thể bị thâm hụt 8,8 tỷ USD, mức thâm hụt cao nhất trong nhiều năm gần đây, gây sức ép lên cung cầu ngoại tệ và tỷ giá. Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng cho rằng, dù dư luận lên tiếng mạnh mẽ nhưng nhiều mặt hàng xa xỉ vẫn được nhập khẩu khá mạnh. Một nguyên nhân khác được đại biểu Nguyễn Văn Vở (đoàn Đồng Nai), Đỗ Thị Huyền Tâm (đoàn Bắc Ninh) nhấn mạnh là, chúng ta chưa có chính sách và hành động cụ thể phát triển công nghiệp phụ trợ, dẫn đến hệ quả tiếp theo là xuất khẩu của nước ta chưa đạt giá trị cao.
Đời sống và môi trường "tiến chậm"
Nhiều đại biểu Quốc hội đặc biệt lưu tâm đến việc 8 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2009 không đạt, tập trung chủ yếu vào các chỉ tiêu liên quan đến vấn đề xã hội và môi trường, trong đó đào tạo nguồn nhân lực có 2 chỉ tiêu và môi trường có 4 chỉ tiêu (tạo việc làm, xử lý chất thải rắn, nước sạch...). Đại biểu Võ Tuấn Nhân (đoàn Quảng Ngãi) nhận định, việc tăng trưởng kinh tế chưa tạo chuyển biến tích cực và rõ nét trong lĩnh vực xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, các vấn đề của công tác xóa đói giảm nghèo vẫn còn nhiều bất cập, chưa theo kịp đòi hỏi.
Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (đoàn Yên Bái), Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) nêu thực trạng là chênh lệch giàu nghèo nói chung và chênh lệch kinh tế giữa các vùng ngày càng lớn. Nêu tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước là hơn 11% thì riêng vùng Tây Bắc tỷ lệ này là hơn 27%. Chênh lệch thu nhập giàu và nghèo cũng tăng từ 8,1 lần (năm 2002) lên 8,9 lần (năm 2008). Đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) đề cập đến vấn đề thoát nghèo chưa bền vững, nhiều hộ vừa thoát nghèo lại rơi vào tình trạng có khả năng tái nghèo do chưa nhận được chính sách hỗ trợ tiếp theo kịp thời. Ngoài ra, đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) cho rằng, tình hình thiên tai ngày một phức tạp cũng ảnh hưởng nặng nề đến đời sống dân sinh ở khu vực nông nghiệp, đòi hỏi phải có chính sách hỗ trợ.
Điều hành linh hoạt kết hợp với thắt chặt chi tiêu
Mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2010 được cho là khá nặng: ổn định cân đối vĩ mô, phục hồi tăng trưởng kinh tế đạt mức cao hơn năm 2009. Với mục tiêu đó, đại biểu Quốc hội cơ bản nhất trí với việc Chính phủ chỉ rõ nhiệm vụ trọng tâm của điều hành kinh tế năm 2010 là thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt để duy trì tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán ở mức phù hợp với mục tiêu tăng trưởng kinh tế và yêu cầu kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng nhấn mạnh cần bảo đảm tính thanh khoản nền kinh tế; có chính sách hướng nguồn vốn tín dụng tới những khu vực kinh tế thật sự có hiệu quả; phối hợp đồng bộ chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, hạn chế phát sinh những tác động ngược chiều.
Phát triển công nghiệp phụ trợ sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Trong ảnh: Sản xuất líp xe máy tại Công ty Xích líp Đông Anh. Ảnh: Trung Kiên |
Về chính sách tiền tệ, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng, chủ trương "nới lỏng" được thực hiện trong thời gian qua đã đem lại hiệu quả nhất định nhưng đến nay tình hình đã khác, kinh tế phục hồi nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái lạm phát. Đại biểu đặt câu hỏi có nên tiếp tục "nới lỏng" hay không và đề nghị phải thận trọng trong triển khai các chính sách tài chính, tiền tệ. Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh yêu cầu năm 2010 không được để phát sinh đầu tư công, tăng thêm nợ Chính phủ. Đại biểu Trần Văn Vở (đoàn Đồng Nai) kiến nghị thêm 4 giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến kiểm soát sát sao đầu tư xây dựng cơ bản; gắn giải pháp kinh tế với kiểm soát giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu.
Bên cạnh biện pháp kinh tế, các đại biểu nhấn mạnh đến yêu cầu thực hành tiết kiệm chống lãng phí như một giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như gìn giữ và phát triển văn hóa, xã hội, môi trường. Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) cho rằng hiện nay tình trạng lãng phí đáng báo động: lãng phí trong khai thác tài nguyên thiên nhiên, sử dụng đất đai, điện năng. Đáng lưu ý là lãng phí thời gian, tiền của, hội hè (hằng năm cả nước có gần 8 nghìn lễ hội). Đại biểu Lê Như Tiến (đoàn Quảng Trị) và Huỳnh Ngọc Đáng (đoàn Bình Dương) cho rằng trong đó nhiều lễ hội chưa đáp ứng được yêu cầu văn hóa, giáo dục, không thực hiện theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
* Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Phạm Khôi Nguyên: Vấn đề môi trường đã được Chính phủ phân công cho 8 đầu mối, bộ, ngành. Trong các chỉ tiêu phấn đấu, chỉ tiêu cấp nước sạch đô thị năm 2009 thực ra là vượt, nhưng vì năm 2009 chúng ta nâng cấp nhiều đô thị, cho nên tỷ lệ này hạ xuống. * Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh: Kinh tế nước ta đang trong giai đoạn phát triển nên thu ngân sách tăng, bội chi cũng tăng. Tuy nhiên, ở nước ta, bội chi chỉ để dành đầu tư, huy động nhiều nguồn lực thông qua hình thức vay, trong đó có vay ODA lãi suất ưu đãi. Đặc biệt, trong năm 2009, để ngăn chặn suy giảm kinh tế, Chính phủ đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp tăng đầu tư phát triển; kích cầu cộng với phát hành trái phiếu, vì thế dư nợ Chính phủ tăng. Song, trong đó có 86% vốn vay trung, dài hạn, lãi suất ưu đãi dành cho công trình hạ tầng, chỉ có 13,5% là vay ngắn hạn lãi suất thương mại. Đáng lưu ý là các khoản vay đều được trả đúng hạn, không có nợ xấu. Định hướng trong những năm tới là giảm bội chi về 5% và xuống dưới 5%. Khánh Khoa - Tư Đôghi |