Cân đối các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu xã hội và môi trường

Chính trị - Ngày đăng : 17:46, 27/05/2010

(HNMO) - Ngày 27-5, Quốc hội


Các đại biểu đều đánh giá cao những kết quả tích cực, toàn diện về kinh tế, xã hội mà Việt Nam đã đạt được trong hơn 4 tháng đầu năm 2010. Tuy nhiên, điều khiến các đại biểu băn khoăn là cân đối vĩ mô chưa vững chắc, nhập siêu còn lớn, điều hành và kiểm soát giá cả còn hạn chế, giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ vẫn dừng ở mức cao; nguy cơ lạm phát dừng ở mức cao còn hiện hữu, khả năng tiếp cận các nguồn vốn của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã và hộ nông dân rất hạn chế; việc thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí, tham nhũng trong xã hội và trong các cơ quan đơn vị chưa thật sự hiệu quả...

Cần thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ

Góp ý về công tác điều hành chính sách tiền tệ trong năm nay, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng - Bình Dương cho rằng, hiện nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi nhanh, nhưng kèm theo đó tiềm ẩn những nguy cơ tái lạm phát cao, nhất là trong tình hình nước ta tổng phương tiện thanh toán đang ở mức cao, dư nợ các loại đáng lo ngại. Do đó, chính sách tiền tệ nên điều chỉnh theo hướng bớt nới lỏng, chỉ linh hoạt vừa phải trong kế hoạch và phải hết sức thận trọng về tài chính tiền tệ để đạt được mục tiêu không những phục hồi tăng trưởng, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô mà còn bảo đảm kiềm chế được tái lạm phát cao.

"Tôi nghĩ lúc này, chúng ta đề cao sự thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ là cần thiết, nếu không tổng phương tiện thanh toán sẽ tiếp tục tăng quá cao, bội chi ngân sách sẽ vượt mức cho phép, dư nợ Chính phủ và dư nợ nước ngoài sẽ tăng theo nhanh và nguy cơ lạm phát sẽ khó tránh khỏi. Những gì cần làm để đầu tư kích thích nền kinh tế chúng ta đã làm rất tốt, có nhiều cố gắng trong năm vừa rồi, giờ là lúc thận trọng xem xét toàn diện các diễn biến, tăng cường kiểm tra, rà soát tình hình đầu tư phát triển trong toàn bộ nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả vốn đầu tư", đại biểu Đáng nói.

Theo đề nghị của đại biểu Đáng, việc cấp bách lúc này nên làm là đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, trước hết là vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA.... để biến những nỗ lực đầu tư từ trước tới nay thành kết quả hiện thực hơn là tiếp tục nới lỏng hay linh hoạt về tài chính tiền tệ.

Lo ngại về mức bội chi ngân sách, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Yên Bái đặt vấn đề, năm 2009 Chính phủ đã được QH duyệt tăng bội chi ngân sách lên dưới 7%, nhưng nay, khi đã tăng thu lên được rồi, tại sao Chính phủ không giảm bội chi ngân sách và giảm dư nợ của Chính phủ?

"Tôi đề nghị tới đây, Quốc hội khi quyết định chỉ tiêu về bội chi chính sách thì nên chăng không quyết với tỷ lệ % so với GDP nữa, mà quyết với số tuyệt đối, vì như vậy là tăng thu lên song trùng với tăng bội chi thì cũng không giải quyết được vấn đề gì", đại biểu Tuyết nói.

Cùng chung mối quan tâm, đại biểu Ngô Văn Minh - Quảng Nam nhận xét, bội chi ngân sách nhà nước tuy ở trong giới hạn an toàn nhưng điều này cũng hết sức đáng ngại đối với nền kinh tế của đất nước.

Đại biểu Minh đánh giá, việc tăng thu ngân sách là điều rất đáng mừng, thể hiện một sự nỗ lực rất cao trong chỉ đạo điều hành, nhưng chỉ trong vòng hai tháng từ khi Chính phủ Báo cáo ước thực hiện tại kỳ họp UBTVQH cho đến Báo cáo bổ sung tại kỳ họp này thì số chênh lệch quá lớn, trên 52.400 tỷ đồng.

"So với Báo cáo trước, chúng ta ước vượt thu 750 tỷ, đây là điều chúng ta phải hết sức quan tâm, nó tương đương 3% GDP và gần 1 nửa số bội chi ngân sách nhà nước 2009", đại biểu Minh nói.

Theo đại biểu Minh, những con số này khiến chúng ta phải nhìn nhận lại công tác dự báo. Việc dự báo của Chính phủ đã ảnh hưởng rất lớn đến việc Quốc hội quyết định ngân sách năm 2010, trong đó quyết định mức bội chi ngân sách ở mức cao hơn 6%. Nếu như Chính phủ dự báo tốt thì Quốc hội cũng không quyết mức bội chi cao như hiện nay. Từ đó, đại biểu Minh đề nghị Chính phủ quan tâm xử lý vấn đề này thật hiệu quả, cần thiết, Quốc hội có thể điều chỉnh mức bội chi ngân sách của năm nay trong số vượt thu năm 2009 và phân tích nguyên nhân này để có biện pháp cân đối các kế hoạch cho chính xác hơn.

Tán thành với đại biểu Minh, đại biểu Vũ Quang Hải - Hưng Yên cũng đặt câu hỏi: "Tại sao trong bối cảnh bội chi ngân sách và dư nợ Chính phủ cao Chính phủ lại không sử dụng số tăng thu ngân sách để làm giảm bội chi ngân sách, đồng thời làm giảm dư nợ Chính phủ, trong khi Luật ngân sách cũng quy định, phần tăng thu ngân sách Chính phủ phải sử dụng nguồn để chi giảm bội chi ngân sách hoặc báo cáo những việc chi cần thiết cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi thông qua Quốc hội?"

Đại biểu Hải đề nghị năm 2010, Chính phủ chỉ đạo kiên quyết không làm phát sinh thêm chi nhiều ngân sách đầu tư công và chuyển việc, tạo ra môi trường thật tốt để cho đầu tư các doanh nghiệp Nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn ra đầu tư theo tinh thần và theo hình thức đầu tư BOT. Có như vậy, bài toán tăng trưởng sẽ có hiệu quả cao hơn, việc tăng vốn đầu tư công sẽ có phần nào giữ được việc Việt Nam chủ động trong thu, chi ngân sách.

Cân đối các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu xã hội và môi trường

Đại biểu Võ Tuấn Nhân - Quảng Ngãi cho rằng, Báo cáo của Chính phủ trình ra Quốc hội lần này dường như chỉ tập trung về kinh tế mà chưa đánh giá, phân tích rõ các vấn đề xã hội và môi trường trong khi kinh tế - xã hội và môi trường - 3 trụ cột tạo nên sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

"Qua đối chiếu các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu xã hội và môi trường, tôi cho rằng việc tăng trưởng kinh tế ở nước ta chưa tạo nên những chuyển biến tích cực về các yếu tố xã hội và môi trường, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em còn cao, số giường bệnh/1vạn dân, tỷ lệ chất thải rắn được xử lý, tỷ lệ che phủ rừng còn thấp", đại biểu Nhân nhận xét.

Đại biểu Nhân đề nghị, Chính phủ cần quan tâm cân đối các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế với chỉ tiêu xã hội và môi trường nhằm tạo nên sự cân bằng hài hoà trong các chỉ tiêu và hướng đến sự phát triển bền vững. Các nguồn lực cần thiết để đầu tư cho tăng trưởng cần phải được cân đối phù hợp với các nguồn lực đầu tư cho xã hội và đầu tư cho bảo vệ môi trường.


Bàn về chỉ tiêu giảm nghèo và tạo việc làm năm 2009 không đạt kế hoạch và quý I/2010 đạt thấp, đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hoá cho rằng, nguyên nhân là do chúng ta chưa cân nhắc một cách cụ thể về cơ sở của việc xác định kế hoạch, trong khi suy giảm kinh tế năm 2009 là điều đã được dự báo trước. Mặt khác, việc xác định chỉ tiêu này là chưa có căn cứ khoa học, chưa kiểm tra, thống kê đầy đủ, chính xác.

"Từ thực tế này, đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đánh giá đầy đủ mối quan hệ tác động của các chính sách, chương trình phát triển kinh tế với vấn đề giải quyết việc làm, nên chăng thay chỉ tiêu giải quyết việc làm bằng tỷ lệ thất nghiệp hàng năm, bao gồm cả khu vực thành thị và nông thôn", đại biểu Lợi đề xuất.

Cũng theo đại biểu Lợi, để hiệu quả giảm nghèo đạt cao, Chính phủ cần sớm ban hành chuẩn nghèo mới cho giai đoạn tiếp theo hướng vào đảm bảo nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của con người và chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ để xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2001 - 2015, trong đó cần nỗ lực khắc phục cho được những hạn chế của giai đoạn vừa qua, đặc biệt là cần nghiên cứu tăng nguồn vốn xây dựng cơ chế vận hành, quản lý vốn có hiệu quả hơn, tăng cường phối hợp lồng ghép giữa các chương trình giảm nghèo, loại bỏ sự chồng chéo giữa các chương trình và đề án.

Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong công tác xóa đói giảm nghèo, đại biểu Vi Trọng Lễ - Phú Thọ nói: "Chính sách an sinh xã hội cho hộ gia đình nghèo, cho các xã nghèo, huyện nghèo đã góp phần đắc lực khắc phục những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thu hẹp khoảng cách vùng miền và hỗ trợ cuộc chiến xóa đói, giảm nghèo, một mục tiêu lớn Đảng và Nhà nước chúng ta đang hướng tới. Hiệu quả của chính sách an sinh xã hội rất tích cực, không chỉ mang tính xã hội mà còn có tính nhân văn sâu sắc".

Tuy nhiên, đại biểu Lễ cũng cho rằng, trong thực hiện chính sách an sinh xã hội hiện nay còn có nhiều bất cập. Ví dụ, nhóm giàu nhất nhận được 47% lương hưu, 45% trợ giúp y tế, 35% trợ giúp giáo dục còn nhóm nghèo nhất chỉ nhận được tương ứng là 2%, 7% và 15%. Đã vậy, người nghèo lại phải chi phí cho các dịch vụ về giáo dục, y tế và đóng các loại phí khác rất cao dẫn đến việc hưởng lợi từ an sinh xã hội không giúp được người nghèo tự tạo được việc làm mới, tỷ lệ tái nghèo cao.

Thêm vào đó, chuẩn nghèo cũ ban hành từ năm 2006 đã rất lạc hậu do lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng tăng cao, tăng khoảng trên 40% so với thời điểm ban hành chuẩn nghèo hiện hành. Điều này đã không phản ánh hết mức độ nghèo đói và cuộc sống khó khăn của người dân; Chính sách an sinh xã hội chưa tính đến hết các đối tượng cần được trợ giúp, đặc biệt là trẻ em nghèo, những người không có khả năng lao động, người khuyết tật...

Từ đó, đại biểu Lễ đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành chuẩn nghèo mới có thể ngay từ năm 2010 để làm cơ sở xây dựng chiến lược an sinh xã hội của đất nước cho cả một giai đoạn, ít nhất là 5 năm tới. Đồng thời khi xây dựng chính sách an sinh xã hội, cần dành tỷ lệ trợ cấp xã hội thích đáng hơn nữa cho nhóm dân cư nghèo, góp phần giảm chênh lệch hưởng lợi an sinh xã hội từ 2 nhóm giàu nghèo trong xã hội. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền làm tốt hơn nữa việc rà soát, bình xét các hộ nghèo hoặc người được hưởng từ an sinh xã hội, đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ và công bằng.

Hiệu quả đầu tư thấp

Đó là nhận xét của đại biểu Nguyễn Văn Phát - Thanh Hoá. Theo đại biểu Phát, hiệu quả đầu tư thấp thể hiện đặc biệt ở việc đầu tư trong các lĩnh vực phát triển trực tiếp sản xuất, phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Từ đó dẫn đến hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế cũng thấp.

"Năm 2009, mặc dù tổng đầu tư của toàn xã hội nước ta đạt 42% cao hơn mức Quốc hội quyết định là 39,5%, nhưng chúng ta lại thấy một nghịch lý là năng suất lao động của nước ta vẫn rất thấp, chi phí trung gian cao, vì vậy, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp", đại biểu Phát phân tích.

Theo đại biểu Phát, chủ trương tập trung đầu tư cho các chương trình dự án, công trình trọng điểm, giảm sự phân tán đầu tư chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt, tình trạng đầu tư không đồng bộ, thiếu vốn dẫn đến các hạng mục công trình đầu tư không được đưa vào khai thác, sử dụng ngay, các hạng mục đầu tư sau dẫm lên hạng mục trước, gây lãng phí, thất thoát, tốn kém... Do vậy, Chính phủ cần tiếp tục tiến hành rà soát và triển khai thực hiện các quyết định đã ban hành về đầu tư công, có giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ đầu tư và sớm thực hiện mục tiêu chương trình và dự án đề ra, trong đó chú trọng Chương trình đầu tư xây dựng trụ sở xã giai đoạn 2009 - 2015; Chương trình đầu tư hệ thống trạm y tế xã thuộc các vùng khó khăn; Chương trình kinh tế - xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng thuộc các địa phương thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị...

Đánh giá về chính sách thu hút đầu tư, đại biểu Trần Hồng Việt - Hậu Giang nhận xét, thời gian qua nhiều địa phương thi đua, cạnh tranh tạo mọi ưu thế, mọi ưu đãi thu hút nhà đầu tư đến mức thái quá.

"Thu hút đầu tư là yêu cầu cần thiết đối với đất nước đang phát triển như nước nghèo chúng ta nhằm tăng trưởng kinh tế, nhưng điều nhức nhối là chỉ thấy lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ, không tiên lượng những hậu quả nghiêm trọng", đại biểu Việt nói.

Theo đại biểu Việt, đã đến lúc Chính phủ cần đánh giá lại hiệu quả, chất lượng thực hiện chính sách thu hút đầu tư, rà soát tổng thể các dự án gây ô nhiễm, hủy hoại môi trường, khai thác bán rẻ tài nguyên khoáng sản quốc gia, trục lợi cá nhân, những dự án chiếm đất rồi bỏ trống...

"Tôi đặt câu hỏi với cơ quan chống tham nhũng của Chính phủ và cả cơ quan chống tham nhũng ở địa phương có tham nhũng trong lĩnh vực cấp phép đầu tư trong thời gian vừa qua không? Lãng phí thì thấy rõ nhưng báo cáo chống tham nhũng hàng năm của Chính phủ tôi chưa thấy đề cập rõ vấn đề này", đại biểu Việt nhận xét.

Đại biểu Việt đề nghị, Chính phủ cần thay đổi, hủy bỏ, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư. Cần thiết sửa đổi Luật đầu tư và các luật liên quan. Đồng thời, đánh giá lại hiệu quả đầu tư, quản lý kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn đầu tư từ ngân sách, vốn vay Chính phủ..., không để tình trạng đầu tư dàn trải, tràn lan tiếp diễn. Từ năm 2011 trở về sau phải kéo bội chi ngân sách về mức không vượt quá 5% GDP.

H.Vân