Hài hòa giữa phát điện và điều tiết lũ
Xã hội - Ngày đăng : 07:08, 27/05/2010
Một góc hồ chứa nước thủy điện Ialy. Ảnh: Minh Nguyễn |
Kết hợp hài hòa
GS-TS Phạm Hồng Giang, Chủ tịch Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, việc xây dựng đập là cần thiết, không chỉ riêng cho thủy điện mà còn phục vụ nông nghiệp, đời sống. Có điều, phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa thượng nguồn và hạ lưu. Trên thực tế, việc xây dựng các nhà máy thủy điện, cơ chế vận hành hồ ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua còn nhiều vấn đề trong lập quy hoạch, quy trình điều hành. Công tác quản lý quy hoạch phát triển lưu vực còn bị buông lỏng, dẫn đến một số hồ chứa vô tình bị đặt trong sơ đồ khai thác bậc thang, khi xảy ra sự cố thì các hồ trên sẽ ảnh hưởng đến hồ dưới. Theo GS-TS Phạm Hồng Giang, việc quản lý vận hành hồ chứa phải phát huy hiệu quả chống lũ, chống hạn. Hiện nay, việc quản lý, vận hành thủy điện nhỏ đã phân cấp cho địa phương. Các công trình thủy điện lớn, liên tỉnh mới có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan. Công trình thủy điện nhỏ hiện đang được xây tràn lan và quy hoạch manh mún, nên rất khó quản lý và rất dễ gây ra rủi ro khi mùa lũ về. GS-TS Phạm Hồng Giang cho rằng, muốn giảm nhẹ tác hại của thiên tai, nguyên tắc là đầu mùa lũ phải giảm mực nước hồ. Khi lũ về, hồ sẽ chứa nước, không để nước tràn về hạ du. Việc này, chúng ta đã làm có kết quả với hồ Hòa Bình.
Mở rộng hợp tác
Ông Jia Jinsheng, Chủ tịch Ủy hội Đập lớn thế giới cho biết, hiện nay nhờ internet, chúng ta có thể dễ dàng truy cập, tra cứu các thông tin về những con đập được xây dựng trên sông Mê Kông và đây là những thông tin đã được công khai. Về ảnh hưởng của những con đập tới nguồn nước và dòng chảy sông Mê Kông, ông Jia Jinsheng cho rằng đã có những cuộc thảo luận, cơ chế phối hợp giữa Chính phủ Trung Quốc và Ủy hội sông Mê Kông để quản lý tốt nguồn nước trong thời gian tới. Tất cả các nước có chung con sông này phải tăng cường đầu tư, hợp tác hơn nữa để bảo đảm việc sử dụng và phát triển bền vững nguồn nước sông.
Việc sử dụng hài hòa và bền vững nguồn nước sông Mê Kông, ông Nguyễn Hồng Toàn, Giám đốc Trung tâm Quản lý tài nguyên nước và môi trường các lưu vực sông kiêm ủy viên Ban Thư ký Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, mới đây, Ủy hội sông Mê Kông đã chính thức mời Trung Quốc và Myanmar là hai nước ở thượng nguồn sông Mê Kông tham gia Ủy hội sông Mê Kông. Hiện nay, Trung Quốc đã cung cấp các thông tin về mùa lũ tại các trạm thủy văn thượng nguồn của sông Mê Kông để giúp Việt Nam cũng như các nước thành viên dự báo về lũ. Căn cứ yêu cầu của các nước thuộc Ủy hội sông Mê Kông, Trung Quốc cũng đã đồng ý cung cấp số liệu vào mùa khô kiệt tại 2 trạm thủy văn gần biên giới ở hạ lưu sông Mê Kông để các nước dự báo kiệt, nhằm đánh giá tác động tới hạ lưu trong mùa kiệt. Thông qua đối thoại, các chuyên gia Việt Nam đã tiếp xúc với các chuyên gia mô hình Trung Quốc để tính toán chế độ vận hành các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông có ảnh hưởng như thế nào đối với dòng chảy của sông Mê Kông và hạ du. Hiện các nước trong lưu vực sông Mê Kông đã ký một văn bản pháp lý quan trọng, gọi là thủ tục duy trì dòng chảy chính trên sông Mê Kông, đưa ra những điều kiện như xây dựng công trình gì, các đập thủy điện có tác động như thế nào tới nguồn nước và phải duy trì dòng chảy chính của sông Mê Kông. Như vậy, việc xây dựng các công trình trên dòng sông Mê Kông phải được các nước trong lưu vực sông nhất trí.
Tăng cường đầu tư
Về xây dựng công trình đập trữ nước, GS-TS Phạm Hồng Giang cho biết, việc ngăn các cửa sông lớn xây đập theo hình cánh cung như Hàn Quốc, Hà Lan… đang làm để chứa nước ngọt cho mùa kiệt là cần thiết. Chúng ta cũng đang xây dựng chính sách trữ nước ngọt, chẳng hạn chứa trong cả hệ thống kênh rạch vốn rất nhiều ở Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, các nước trong lưu vực mới chỉ sử dụng 5% lưu lượng nước của sông Mê Kông, như thế là rất lãng phí. Xu hướng lâu dài là vẫn phải đầu tư xây dựng các công trình đập để trữ nước ngọt nhằm kết hợp hài hòa giữa phát điện với các mục tiêu cắt giảm lũ cho hạ du, cấp nước sản xuất, sinh hoạt, cải thiện môi trường, bảo đảm an ninh về nguồn nước, thích ứng với nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng trong bối cảnh suy thoái về nguồn nước và biến đổi khí hậu.