Cho trẻ một môi trường chăm sóc, giáo dục tốt
Chính trị - Ngày đăng : 06:34, 27/05/2010
Thảo luận về dự án Luật Nuôi con nuôi, ĐB Quốc hội có nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng và độ tuổi được nhận làm con nuôi. Giải trình tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Nuôi con nuôi, UBTVQH cho rằng, quy định đối tượng được nhận làm con nuôi là kế thừa Luật Hôn nhân và Gia đình. Tuy nhiên, trên thực tế, từ khi có Luật Hôn nhân và Gia đình, chưa có trường hợp nuôi con nuôi nào được đăng ký mà người được nhận nuôi trên 15 tuổi là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự. Chỉ có rất ít trường hợp người trên 15 tuổi làm con nuôi người già yếu, cô đơn, nhưng những trường hợp này thực chất là quan hệ phụng dưỡng, chăm sóc. Về độ tuổi được coi là trẻ em, Luật Chăm sóc, Giáo dục và Bảo vệ trẻ em xác định là người dưới 16 tuổi. Vì vậy, UBTVQH đề nghị theo hướng quy định đối tượng được nhận là con nuôi là trẻ em dưới 16 tuổi để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đồng thời bảo đảm mục đích chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em trong môi trường gia đình.
Về điều kiện người nhận nuôi con nuôi, ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đặt vấn đề, những người phạm tội dụ dỗ, ép buộc trẻ em phạm tội; phạm tội buôn bán trẻ em... không được phép nhận nuôi con nuôi dù đã chấp hành xong án phạt để bảo đảm quyền lợi cho trẻ được nhận làm con nuôi. ĐB Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) đề nghị, không nên phân biệt người nước ngoài và người trong nước trong việc nhận con nuôi vì việc nhận nuôi xuất phát từ tình cảm giữa con người với con người. Mặt khác, mục đích của luật không ngoài việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong môi trường gia đình. Thực tế, có nhiều trẻ em Việt Nam được người nước ngoài nhận làm con nuôi, được sống trong môi trường tốt, nay đã thành đạt. Về việc cho người nước ngoài nhận nuôi, ĐB Hoàng Thương Lượng (Yên Bái) đề nghị cần có quy định buộc phải báo cáo định kỳ tình trạng con nuôi cho cơ quan tư pháp hoặc cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài. Mặt khác, cần quy định rõ việc cấm ông, bà nhận cháu ruột, anh, chị em ruột nhận nhau là con nuôi.
ĐB Hoàng Thương Lượng (Yên Bái), Tống Văn Thoóng (Lai Châu), Danh Út (Kiên Giang) và nhiều ĐB Quốc hội khác thống nhất đề xuất, đối với khu vực biên giới, việc nuôi con nuôi giao cho Chính phủ nghiên cứu quy định chi tiết có sự thống nhất với các nước chung đường biên mà không nên quy định cụ thể trong luật, vì đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến dân tộc, tôn giáo, phong tục của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân số của Việt Nam cũng như các nước láng giềng.
Cũng liên quan đến điều kiện người nhận con nuôi, một số ý kiến đề nghị làm rõ khoảng cách tuổi giữa người nhận nuôi và con nuôi. Tiếp thu ý kiến ĐB, UBTVQH thống nhất quy định khoảng cách 20 tuổi là cần thiết để bảo đảm tư cách làm cha, mẹ...
Thảo luận dự án Luật Bưu chính: Quy định thời hạn giải quyết khiếu nại Chiều 26-5, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự án Luật Bưu chính. Một số đại biểu đề nghị làm rõ khái niệm "khiếu nại" và "tranh chấp" trong dự thảo luật. Theo giải trình tiếp thu, đây là khiếu nại về thương mại giữa bên cung ứng dịch vụ và người sử dụng dịch vụ, không phải là khiếu nại hành chính nên về cơ bản vẫn phải tôn trọng quyền thỏa thuận của các bên theo quy định của pháp luật về dân sự. Để bảo vệ quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, dự thảo luật đã quy định rõ thời hiệu hưởng quyền khiếu nại của người sử dụng dịch vụ bưu chính theo các cấp độ 6 tháng, 3 tháng, 1 tháng, ứng với từng trường hợp cụ thể. Thời hạn giải quyết khiếu nại của bên cung ứng dịch vụ cũng được quy định cụ thể là 2 tháng đối với dịch vụ bưu chính trong nước và 3 tháng đối với dịch vụ bưu chính quốc tế. Việc giải quyết tranh chấp được thực hiện trên cơ sở thương lượng giữa các bên, bằng hình thức trọng tài hoặc khởi kiện tại tòa án. Khánh Khoa |