Ký ức ngõ Hà Nội…
Xã hội - Ngày đăng : 15:04, 26/05/2010
Nơi đó có 1 đời sống thanh bình và bất ổn đan dệt nhau, có ồn ào mưu sinh xen lẫn những trầm mặc ngưng đọng, có sự thơ ngây lỗi nhịp chung sống với láu cá thời thượng…
Chưa từng ai làm con số thống kê rằng:có bao nhiêu phần trăm cư dân Hà Nội trưởng thành cùng những “Ký ức hình ống”? Cuộc sống trong những con ngõ chật chội, sâu hun hút, quanh năm không có nắng chiếu - mang nhiều âm hưởng lam lũ hơn sự thi vị. Người Hà Nội đi xa, hiển nhiên nhớ phố. Và rưng rức trong những cơn cớ không yên lại là ký ức về ngõ. Nơi đó có 1 đời sống thanh bình và bất ổn đan dệt nhau, có ồn ào mưu sinh xen lẫn những trầm mặc ngưng đọng, có sự thơ ngây lỗi nhịp chung sống với láu cá thời thượng…
Ngõ Hà Nội có mật độ chằng chịt, vài nhà lại đến 1 ngõ. Đặc điểm chung là ngõ hẹp. Khi các gia đình thi nhau đua ban công, làm thêm “chuồng cọp” để tận dụng diện tích phơi phóng; khi ngành điện lực và bưu chính viễn thông hợp sức chăng những búi dây như mạng nhện dọc ngang - thì cái khe hở để ngửa cổ nhìn trời trong lòng ngõ chỉ còn đo bằng gang tay. Kỹ năng sống đầu tiên cần phải học khi làm cư dân ngõ- ấy là khả năng lạng lách. Để tránh không va quệt phải những bếp tổ ong, quầy la-ghim, mẹt rau rong, gánh hàng quà người ta bày hết ra lối đi chung. Chưa kể đến xe nôi trẻ con, người già lững thững đi tập dưỡng sinh - thường không tuân theo bất cứ nguyên tắc nào khi tham gia giao thông trong ngõ. Ngõ giữa lòng phố cổ là lối đi âm âm hình ống, quanh năm không có nắng chiếu, chỉ vừa 1 người đi. Nhà muốn mua cái Ti vi hay tủ lạnh, đau đầu nát nước nghĩ cách chuyển vào. Nhiều mối tình tan vỡ khi cô gái đến thăm nhà người yêu trong ngõ, vì không muốn hình dung đám rước dâu của mình sau này sẽ là cuộc đi hàng một chật vật mò đường trong lòng ngõ tối. Người quen ở phố rộng, thường ái ngại cho những cuộc sống quanh năm ướp mùi khói than, mùi xào nấu, mùi quần áo âm ẩm của cư dân ngõ. Nhưng sự thân thương, yên bình, những đầm ấm quyến luyến trong không gian sống nhỏ hẹp, cổ xưa và khuất khúc ấy lại đích thị là cảm xúc mà chỉ người của ngõ mới cảm nhận được.
Cũng như vỉa hè, mỗi centimet mặt ngõ đều có ý nghĩa nuôi sống những cư dân của mình. Sáng sớm mùi thơm lừng nồi nước dùng của bác hàng phở đã len lỏi đánh thức từng nhà; Hàng quà san sát đầu ngõ những xôi chè, trứng vịt lộn, cháo sườn. Các bà nội tướng không cần bước chân ra chợ, vì những chị hàng rau, hàng cá, hàng thịt với chiếc mẹt nhỏ cắp ngang hông đến rao tận cửa. Mùa nào thức nấy, chẳng có thời trân nào bán trên phố mà người ta không chăm chỉ mang vào tận ngõ. Kim chỉ, mắc áo, bả chuột, móc khoá…lắt lẻo theo các gánh hàng rong, được bán với giá mềm hơn tại chợ. Từ sáng đến đêm khuya, những tiếng rao hàng kéo dài lê thê trong các ngõ nhỏ sâu hút, có gì nhẫn nại, có gì đượm buồn.
Cho dù hiện nay cafe,nhà hàng máy lạnh nội thất đẹp, wifi chạy vù vù đang là thú hưởng thụ thời thượng của thanh niên Hà Nội- thì cái văn hoá ngồi xổm vỉa hè để ăn uống, thứ văn hoá tiếp nối tập tục sinh hoạt chợ quê của một Hà Nội cũ vẫn chẳng bao giờ bị áp đảo. Bàn bạc hợp đồng, cần 1 không gian ngồi sang trọng, hay trời oi nực ngại đổ mồ hôi - người ta có thể vào cafe máy lạnh làm 1 ly trà túi lọc nhạt hoét; hoặc gọi 1 bát phở bò với nước dùng thập cẩm có thể chan vô tội vạ cho cả mì tôm, bún, miến. Nhưng để thưởng thức, để được khoái khẩu- chắc chắn phải ra vỉa hè, vào các ngõ nhỏ. Bởi chốn ồn ào dân giã ấy mới là nơi lưu giữ trọn vẹn và tôn vinh ẩm thực Hà Thành lên tầm nghệ thuật tinh hoa.
Ngõ Phất Lộc nổi tiếng không phải nhờ đã từng vào tranh Bùi Xuân Phái, mà vì một hàng bún đậu mắm tôm. Gần 20 năm trước, chị Trần Thị Hương về làm dâu Phất Lộc, ngõ có thêm gánh bún đậu mắm tôm tần tảo. Mắm tôm được thửa riêng từ Thanh Hoá, loại vừa ngấu tới, màu mắm ửng hồng, thơm dậy. Gia giảm đường, bột ngọt, ớt tươi theo một bí quyết riêng, rưới thêm thìa mỡ rán đậu sóng sánh- bát mắm tôm là đòn hạ gục khách của chị Hương. Miếng đậu rán ở đây mới thật đặc biệt: đậu phụ làng Mơ, ăn vào miệng cứ muốn giữ mãi cái dư âm mềm, dẻo, thơm ngậy; ăn kèm với bún vắt Phú Đô trắng mịn cắt miếng; Thêm đĩa rau húng Láng, kinh giới, tía tô tươi roi rói, lắc đác mấy miếng dưa chuột nếp da xanh nõn, giòn ngọt tận chân răng….Ai đã ăn một lần không thể không quay lại. Chả thế mà chỉ với món hàng quà rẻ tiền này, gia đình chị Hương đã xây được căn nhà lầu bề thế nhất nhì ngõ Phất Lộc.
Cách hàng bún đậu mắm tôm ngõ Phất Lộc không xa là cà phê Năng- nằm ngay đầu ngõ. Quán rất nhỏ, dăm bộ bàn ghế bé tí bám dọc tường, quầy pha cafê và cầu thang đã chiếm gần hết không gian trong quán. Nên phần lớn khách thường mang ghế đẩu tràn ra vỉa hè Hàng Bạc. Chỉ có đen và nâu, nóng và đá- quán đông nghịt suốt ngày đêm. Có người nghiện ngồi cà phê Năng vì chỉ ở đây (và dăm quán cũ là Nhân, Lâm, Giảng…) mới còn cà phê chính hiệu Hà Nội, không lai tạp mấy thứ cà phê nhuốm màu công nghiệp của Trung Nguyên hay Highland. Lại có người nghiện không khí vỉa hè phố cổ, đầy chuyển động nhưng vẫn nhuốm màu thâm trầm cổ kính.
Cà phê ngõ độc đáo nhất là “Phố Cổ”- ẩn mình như một ốc đảo thanh bình giữa phố Hàng Gai tấp nập bán mua tơ lụa. Quán chỉ dành cho khách quen, những người ưa tĩnh và hoài cổ. Trước kia còn có chiếc biển hiệu bé tí, với dòng chữ “Phố Cổ” viết tháu, từ đường Hàng Gai phải tinh mắt lắm mới nhìn thấy. Chẳng hiểu sao gần đây cái biển nhỏ ấy ông chủ cũng cất nốt, như ngại rằng nhiều người đến quá (?).Trong không gian tịnh mịch với nhà cổ, hoành phi câu đối, sân vườn, khóm trúc,vài con gà tre quanh quẩn mổ rêu góc sân, 1 con rùa đá bắt muỗi sau hòn non bộ- người khách có cảm giác đồng hồ thời gian quay ngược lại Hà Nội của thập kỷ 60-70. Chủ quán bài trí “Phố Cổ” không nhuốm màu quán xá, mà để khách được thư thái như đang thưởng trà trong chính ngôi nhà êm đềm của mình. Trà Tàu, cà phê Trứng ở đây rất ngon, khách muốn ngồi qua trưa có thể đặt quán nấu cơm dư, sẽ được ăn canh cua, cà muối, cá kho tương- những món thuần quê mà chủ nhân “Phố Cổ” kỹ tính nấu riêng cho nhà mình.
Tạm Thương là con ngõ nhỏ thông giữa 2 phố cổ Yên Thái và Hàng Bông. Giữa ngõ có đình thờ Nguyên Phi Ỷ Lan, theo sử cũ thì ngõ này vốn là một kho trữ lương. Tạm Thương được gọi là ngõ rượu- nơi thương nhớ lâu bền chứ không hề tạm trong lòng dân nhậu. Suốt dọc con ngõ dài là hàng chục quán bình dân chuyên trị rượu dân tộc. Thôi thì đủ cả Tắc kè, bìm bịp, sâm cầm, cá ngựa, sâu chít, ong đất, sâm củ…loại nào liên quan đến “động thực vật” mà các cụ ta xưa tìm ra, ở đây có cả. Giờ cao điểm ở ngõ Tạm Thương từ 5h chiều đến 12h đêm. Con ngõ vốn chẳng rộng gì bị trưng dụng làm những bàn nhậu ngoài trời cho khách, trước cửa mỗi nhà đều có 1 lò than đỏ rực, trên bắc chảo mỡ sôi để rán nem, chiên chả nhái. Đồ mồi ở Tạm Thương có từ những món phổ biến như nem chua rán, củ đậu, xoài xanh, khô mực - cho đến những đặc sản quái chiêu như dế mèn, châu chấu, tiết canh chim sẻ…Trong cùng 1 quán nhậu có thể tìm thấy đủ hạng người: các cô cậu sinh viên trẻ, mấy bác nhà văn, hoạ sĩ già, xích lô ba giác, cánh buôn bán đánh quả, dăm cô gái ăn sương làm vài ly cho đỡ mỏi trước khi vào “ca”…Vào tới ngõ mọi sự phân biệt hèn sang đều không còn giá trị, mọi người đều bình đẳng hưởng thụ không gian chếnh choáng sau những chung rượu say say êm lừ.
Ngõ Cấm Chỉ giờ đã được đưa vào khu phố ẩm thực Việt Nam cùng với phố Tống Duy Tân, đặc sản 3 miền Bắc- Trung- Nam đều có ở Cấm Chỉ. Nhưng phàm là “trung tâm ẩm thực” người bán hay cốt lấy nhiều hơn là lấy tinh - đồ ăn xô bồ, phục vụ nhu cầu ăn tiện, ăn nhanh. Vì vậy những người sành sỏi, ăn uống gảy gót thường ngại không lai vãng đến đây. Cấm Chỉ không có giờ giới nghiêm, khuya đến mấy ngõ vẫn nườm nượp khách ra vào, tưng bừng đèn đuốc, mùi xào nấu, tiếng băm chặt. Vì vậy Cấm Chỉ đem lại niềm vui của đám đông, của không khí hội hè.
Những “người tình chung thuỷ” của phở bò Hà Nội có thái độ rất miệt thị đối với phờ bò Nam Định - cơn lốc mới của du nhập văn hoá ẩm thực, theo lý của họ thì phở Nam Định thô và dai, ăn xong có cảm giác như vừa đạp 1 cuốc xích lô. Phở bò Hà Nội nước dùng ninh bằng xương ống bò, không cần tra mì chính vẫn ngọt thỉu, dậy đủ mùi của nước mắm chắt, gừng hành nướng, hoa hồi, thảo quả, quế cay. Ngõ Trung Yên trổ ra từ đoạn giữa phố bán đồ len Đinh Liệt, ngay đầu ngõ có hàng phở Sướng. Quán bé tí, bán suốt ngày đêm, phở ngon, nước dùng rất thanh, thịt đậm, miếng tái thì mềm, miếng nạm thì dòn, miếng gàu thì béo- ăn xong sướng hết cả người. Quán phở Sướng cũ kỹ như đặc điểm chung của mọi hàng quán “danh bất hư truyền” của khu phố cổ. Xế bên cạnh, ngay đầu ngõ là hàng nem tai bà Ngà. Cái vỉa hè rộng chừng 2 manh chiếu vào giờ cao điểm có thể dựng được hơn 20 người ăn. Nem tai bà Ngà có màu hồng trong, thính trộn từ gạo nếp, đỗ xanh, đỗ tương rang vàng hươm toả mùi thơm ngậy. Nem cuốn cùng lá sung, đinh lăng, kinh giới, bánh tráng- ăn ghém với ít quả sung giầm tỏi ớt, là món hàng quà mê mẩn của biết bao cô cậu học trò. Tô Tịch mùa hè là ngõ sinh tố, trái cây dầm; mùa đông là ngõ hạt dẻ rang. Vào những chiều đông giá lạnh, ngồi ở con ngõ nhỏ cắt phố Ấu Triệu ngay bên hông Nhà Thờ Lớn, ủ tay trên lò than hoa, nhâm nhi mấy con mực nướng, lắng nghe tiếng chuông nhà thờ chầm chậm thả vào thinh không- tưởng rằng có thể quên sạch mọi ưu phiền trên đời.
Trong mỗi ngõ Hà Nội đều có vài hàng trà chén. Mùa đông chủ lực quân là trà nóng, mùa hè trà đá. Không “liêu xiêu một câu thơ”, cũng chẳng lều cột võng mái gì, chỉ bộ giỏ tích, khay chén, hộp kẹp lạc đựng lẫn kẹo cao su, dăm bao thuốc lá, sang ra thì có thêm quả ổi xanh, xoài chua, đĩa muối ớt…thế là đã thành cơ ngơi một hàng trà chén. Người bán nước là người kể chuyện của đường phố, trạm thu- phát những bản tin vỉa hè. Ngồi đầu ngõ uống xong 2 chén nước, có thể biết đủ các tin chạy âm đen trên trang nhất các báo vừa ra buổi sáng; cũng như chuyện đêm qua trong ngõ nhà ai vợ chồng xích mích, nhà ai con bị nghiện, cho đến chuyện biệt thự công biến thành nhà tư đang làm nóng toàn thành phố.
Những ngày nhàn rỗi tôi tự thưởng cho mình một buổi chiều không bon chen, không hạn định công việc, không giận dữ người tình. Bằng cách tự thu xếp cho mình 1 diện tích khiêm tốn trên vỉa hè, hay trong lòng quán chật chội ám màu cũ kỹ nơi ngõ nhỏ. Ngồi mà im lặng, thả lỏng hoàn toàn, thấy mình vơ vẩn như một cái lá cây được thổi vèo xuống ngõ. Ngồi sẽ chứng kiến một đời sống chuyển động không ngừng, với đủ trạng thái hỉ-nộ-ái-ố, những nỗi ngậm ngùi cũng như vẻ hồn hậu toả ra từ đời sống rất đỗi sinh động của ngõ. Từ ngõ nhỏ, tôi ngồi để nhìn ra những ẩn tình giản dị và mật thiết của thân phận người và phố….