Chiếu phim nghệ thuật vào thứ 5 hàng tuần
Văn hóa - Ngày đăng : 11:41, 26/05/2010
(HNMO) - Sau “Người Đàn ông và Chiếc Máy quay” – bộ phim đầu tiên của chuỗi phim “Giai điệu của Thành phố” trong chương trình chiếu phim nghệ thuật, vào 15h ngày 27/5 bộ phim “Hạnh phúc” của nhà làm phim người Nga, Alexander Medvedkin sẽ được ra mắt.
Poster của bộ phim "Hạnh phúc"
Bắt đầu từ tháng năm, Doclab (CLB Điện ảnh thuộc viện Geothe) sẽ giới thiệu những buổi chiếu phim nghệ thuật thường xuyên vào thứ 5 hàng tuần. Chuỗi phim này bao gồm phim video nghệ thuật, điện ảnh thử nghiệm, phim tài liệu về các nghệ sĩ lớn…cùng rất nhiều những bộ phim phong phú, độc đáo khác mang tính nghệ thuật và thử nghiệm cao.
Giống như “Người Đàn ông và Chiếc Máy quay”, bộ phim này cũng lấy cảm hứng từ xã hội Soviet. Là một bộ phim hài không lời với cốt truyện dựa trên một câu chuyện cổ của Nga, “Hạnh phúc” tập trung thể hiện cuộc sống trên nông trường, trước và sau Cuộc Cách mạng 1917. Với cách quay dựng phim khá kì lạ, và với những hình ảnh, câu chữ châm biếm xã hội Bôn-sê-vích, bộ phim này đã bị cấm chiếu ở Nga trong 40 năm.
Alexander Ivanovich Medvedkin bắt đầu sự nghiệp làm phim của mình từ những năm 1920 tại xưởng phim Gosvenkino. Ông là một trong những người sáng lập ra chương trình “Đoàn tàu làm Phim” rất nổi tiếng ở Nga. Mục đích của chương trình này là đi tới tất cả các vùng miền khác nhau của Nga, quay lại cuộc sống và cách thức lao động của nông dân, công nhân của các vùng miền này, sau đó trình chiếu những thước phim tư liệu ấy cho chính những người nông dân, công nhân đó xem để họ nhìn nhận được những điểm mạnh và sửa sai từ những điểm yếu của mình.
Cho dù đó là những lời nhắn tới cộng đồng như tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh cá nhân; những lời phê bình thẳng thắn về sự khiếm diện cố ý, lao động không hiệu quả hay tính lơ đễnh trong công việc; hay những thắc mắc và yêu cầu về môi trường sống và làm việc tốt hơn, nhóm “Đoàn tàu làm Phim” chưa bao giờ nghi ngại hay lưỡng lự trong việc cùng lúc đưa ra những mặt đúng, tốt và phản ánh những mặt còn cần phải bàn bạc lại của hệ thống xã hội Soviet mới.
Buổi chiếu phim hoàn toàn phi lợi nhuận.