Chao đảo đồng tiền chung châu Âu
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:36, 26/05/2010
Ngày 25-5, tỷ giá euro so với USD vẫn chỉ loanh quanh ở ngưỡng thấp nhất trong vòng 4 năm qua, tức là 1 euro đổi được 1,22 USD. Sắc đỏ tràn ngập các thị trường chứng khoán, giá dầu mỏ chưa vượt được lên trên ngưỡng 70 USD/thùng. Giờ đây, nỗi âu lo lớn nhất của giới đầu tư là những rắc rối liên quan tới những khoản nợ công quá lớn mà các ngân hàng trụ cột ở châu Âu phải đương đầu. Hiện tại, tình trạng vay và nợ trong hệ thống ngân hàng tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang khá phức tạp. Ngay cả các ngân hàng được xem là nơi "trú ẩn" an toàn của khu vực tại Pháp và Đức cũng có dấu hiệu tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nắm giữ khối trái phiếu khổng lồ của các nước đang điêu đứng trong nợ nần như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Sức nặng của những khoản thâm hụt ngân sách lớn có thể buộc một số "mắt xích yếu" khác trong Eurozone phải cơ cấu lại nợ. Điều này nếu diễn ra đồng loạt sẽ thổi bay phần lớn giá trị số trái phiếu mà các ngân hàng lớn của châu Âu đang nắm giữ. Đây là một đòn giáng mạnh vào các định chế tài chính ở châu Âu. Nó có thể tạo ra cơn "sóng thần" tấn công không thương tiếc vào toàn bộ hệ thống tài chính thế giới vừa gượng dậy sau cơn "bạo bệnh" từ phố Wall (Mỹ). Đây cũng là nguyên cớ để đồng USD vượt lên và đồng euro liên tục chao đảo trong những ngày qua.
Vấn đề nan giải hiện nay là khủng hoảng nợ đang đặt Eurozone vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, giữa hai mục tiêu chống khủng hoảng và bảo đảm tăng trưởng. Để thoát khỏi nợ nần, cắt giảm thâm hụt ngân sách, các quốc gia trong Eurozone buộc phải "bắt tay" với chính sách "thắt lưng buộc bụng". Nhưng chính sách mất lòng dân này lại là "khắc tinh" đối với tăng trưởng kinh tế vốn dĩ đang ở trạng thái mong manh của cả khu vực.
Trong khi đó, mối hoài nghi về hiệu quả của "Quỹ chống khủng hoảng" trong việc ngăn chặn làn sóng nợ nần ở Lục địa già ngày càng gia tăng. Với nhiều nhà đầu tư, đây chỉ là liều thuốc trấn an thị trường nhằm "câu giờ" để giúp các quốc gia yếu kém trong Eurozone có thêm thời gian chống đỡ cơn thâm thủng tài chính đang đòi "đáo nợ" chứ không thể trị bệnh tận gốc. Tất cả những gì đang diễn ra trong Eurozone là những kỷ luật quan trọng nhất trong chính sách kinh tế và tài chính đã không được tuân thủ ở một số quốc gia sử dụng đồng euro và khủng hoảng nợ chỉ có thể được cứu vãn, nếu 16 nước thành viên Eurozone cải tổ hệ thống kinh tế và giảm thâm hụt ngân sách. Nếu không, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng "Quỹ chống khủng hoảng" có thể tạo ra hiệu ứng ngược đối với đồng euro. Vì để có tiền cho quỹ này, nhiều chính phủ châu Âu buộc phải thực hiện việc đi vay thông qua phát hành trái phiếu. Như thế sẽ khiến hội chứng "viêm màng túi" càng thêm trầm trọng, làm tăng nguy cơ bùng phát "đại dịch" và lan sang cả Bắc Mỹ.
Mối lo này đang khiến đồng euro thêm chao đảo hơn bao giờ hết trước đồng USD và có cơ lao dốc mạnh. Đã có dự đoán từ châu Âu rằng, đến năm 2011 thì 1 euro chỉ bằng đúng 1 USD. Nếu các nhà tài chính EU không đưa ra được "đơn thuốc" hữu hiệu, giá trị đồng euro có thể trượt sâu nhanh hơn, tạo ra làn sóng bán tháo đồng tiền này và thị trường toàn cầu sẽ rơi vào vòng xoáy khủng hoảng mới. Khi đó, "giấc mơ" đồng euro sẽ trở thành ác mộng.
Rõ ràng, cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp và sự mong manh của các "mắt xích yếu" trong Eurozone đang không chỉ thử thách đồng tiền của EU, đe dọa vị trí siêu cường của Lục địa già mà còn có nguy cơ kéo cả thế giới vào một cuộc khủng hoảng tiền tệ nghiêm trọng hơn tất cả những gì mà người ta có thể tưởng tượng.