Nỗi lo thiếu nước

Xã hội - Ngày đăng : 06:12, 26/05/2010

(HNM) - Nắng nóng kéo dài liên tục ở TP Hồ Chí Minh trong nhiều tháng qua khiến tình trạng "đói" nước đang diễn ra trên diện rộng. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, mà còn đe dọa đến sức khỏe của người dân, đồng thời là nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm.

Người dân phải đi mua nước sử dụng hằng ngày.

"Khát" nước và nguy cơ bùng phát dịch bệnh

Chiếc xe ba gác chất đầy những can nhựa trắng 20 lít đựng nước sạch vừa vào đến đầu con hẻm, thì ở đó đã có gần 10 người đợi sẵn. Phút chốc những can nước được lấy ra và thay vào bằng những can trống không... Đó là hình ảnh mà chúng tôi bắt gặp trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) khi người dân đang phải mua từng can nước sinh hoạt để chống chọi với thời tiết nắng nóng kéo dài trong nhiều tuần qua. Thực trạng trên cũng đang diễn ra ở các quận, huyện vùng ven của TP như: quận 2, 7, Thủ Đức, Bình Chánh, huyện Nhà Bè... Để có nước sinh hoạt, nhiều hộ dân ở đây phải chấp nhận mua nước sạch với giá rất cao. Thực tế hiện nay ở TP chỉ có khoảng 80% người dân được sử dụng nước máy, còn lại gần 20% phải sử dụng nguồn từ các dự án, nước mua trên các sà lan, thương lái… Anh Bùi Minh Quân - ngụ tại thị trấn Nhà Bè cho biết, mỗi ngày gia đình anh dùng hết hơn một khối nước, giá bán ở đây từ 50 đến 60.000 đồng/m3, nếu vào sâu trong hẻm giá có thể lên tới 100.000 đồng/m3. Phần lớn nước bán ở đây do các xe bồn tư nhân cung cấp, nên chất lượng nước cũng… không biết đâu mà lần.

Điều đáng nói là cá nhân hoặc hộ gia đình sống trên các ghe thuyền, cuộc sống của họ vốn đã khó khăn nay lại phải "gánh" một giá nước cao gấp 4-5 lần so với giá quy định. Đây là điều khiến các ngành chức năng tỏ ra lo lắng, khi đó sẽ có rất nhiều trường hợp không có điều kiện mua nước sạch mà sử dụng nguồn nước bẩn, thậm chí lấy nước từ các kênh, rạch để sử dụng. Bác sĩ Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng nghiệp vụ (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc thiếu nước do nắng nóng kéo dài khiến nhiều người dân phải tiết kiệm nước. Nguy hiểm nhất là các cơ sở chế biến thức ăn, không đủ nước để bảo đảm điều kiện sản xuất, gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo cơ hội cho dịch bệnh bùng phát. Đó là chưa kể hiện nay TP còn có hàng ngàn "chợ trời" nằm xen kẽ trong các khu dân cư, chưa có nơi cung cấp nước sạch. Nguồn nước được sử dụng bấy lâu nay ở các "chợ " này không ai rõ từ đâu, gần sông thì lấy nước sông, gần giếng thì lấy nước giếng. Bên cạnh đó, cũng không loại trừ khả năng những tư thương lợi dụng "đục nước béo cò", trà trộn nguồn sạch và nước bẩn để bán cho người tiêu dùng, kiếm lời bất chính.

Tập trung xử lý nước bẩn

Trước tình trạng thiếu nước trầm trọng, nguy cơ người dân phải sử dụng nước bẩn, không bảo đảm vệ sinh, trong những ngày vừa qua ngành y tế TP liên tục kiểm tra chất lượng nguồn nước sinh hoạt của người dân. Qua lấy mẫu tại một số hộ dân sử dụng nước máy để xét nghiệm, tuy chưa phát hiện nhiễm khuẩn, nồng độ PH không có gì thay đổi so với nước tại nguồn, nhưng nồng độ clo giảm đáng kể. Do đó, ngành y tế đã chỉ đạo các trung tâm y tế dự phòng, quận, huyện bổ sung thêm lượng clo để bảo đảm chất lượng nước. Theo bác sĩ Phan Văn Nghiệm, điều đáng lo ngại nhất trong tình hình thiếu nước như hiện nay chính là việc không bảo đảm vệ sinh tại các quán hàng rong nơi cổng trường. Hiện nay, toàn TP có khoảng 1,5 triệu học sinh mà phần lớn các em đều ăn uống nơi cổng trường. Do đó, ngành y tế TP đã ưu tiên giải quyết "điểm nóng" này. Tổ chức các đoàn liên ngành thường xuyên kiểm tra những điểm kinh doanh ăn uống tại các cổng trường, đồng thời hướng dẫn người bán cách xử lý, chế biến thức ăn bảo đảm vệ sinh. Đối với những quán hàng rong thiếu nước, nhưng không thể dẹp bỏ được thì các địa phương phải có trách nhiệm cung cấp đủ nước để họ chế biến thức ăn. Riêng nguồn nước từ các sà lan đưa vào TP được ngành y tế lấy mẫu test nhanh tại chỗ để kiểm tra.

Bên cạnh đó, nguồn nước bị nhiễm khuẩn một phần, nhưng vệ sinh các vật dụng chứa nước cũng là điều đáng quan tâm. Tại các khu chung cư, ký túc xá, khu nhà trọ - nơi tập trung rất đông người thường sử dụng hệ thống nước trữ nên ngành y tế đã yêu cầu các ban quản lý, chủ nhà trọ phải thực hiện súc rửa các vật dụng chứa nước thường xuyên để tránh nguy cơ nhiễm khuẩn, mặt khác khuyến cáo người dân trong thời điểm khan hiếm nước nên sử dụng nước đun sôi; hạn chế sử dụng thức ăn sống, thức ăn nơi vỉa hè, hàng rong bày bán.

Hồ Văn