Xử lý vi phạm Luật Giao thông: Cần sự công bằng
Đời sống - Ngày đăng : 05:45, 26/05/2010
CSGT (CATP) lập biên bản xử phạt trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Ảnh: Khánh Nguyên |
Những chuyện gặp thường ngày
Tại ngã tư Trần Phú - Hoàng Diệu, khi đèn đỏ còn 4 giây, chiếc xe buýt rồ máy lao đi. Theo phản xạ, vài chiếc xe máy nhấn ga vọt lên. Họ không biết rằng ở phía trước có CSGT. Hai chiếc xe máy bị chặn lại, trong khi xe buýt vẫn "điềm nhiên" thẳng tiến. "Không có dấu hiệu gì cho thấy họ (CSGT) muốn chặn và phạt xe buýt" - chị Nguyễn Tố Lan (phố Lê Trực) nhận xét. Đây không phải là lần đầu tiên một cảnh tượng như vậy diễn ra, mà đã diễn ra nhiều lần tại đoạn đường này và phổ biến ở nhiều tuyến đường khác trên địa bàn TP. Nhiều hành vi vi phạm Luật Giao thông khác của xe buýt như vượt phải, lạng lách… cũng dễ dàng được bỏ qua. "Xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, đơn vị của Nhà nước. CSGT cũng là người nhà nước. Có phải vì thế mà họ nương tay cho nhau?" - ông Phạm Duệ (Tổ 34, phường Nghĩa Tân) phân tích. Nhiều người vẫn nhắc lại chuyện này để rồi ngán ngẩm kết một câu: "Chuyện thường ngày ở huyện ấy mà".
To như xe buýt có "đặc quyền", nhưng bé như xe đạp cũng được'' ưu tiên'' chẳng kém. Người đi xe đạp cứ mặc nhiên vượt đèn đỏ, đi sai phần đường, đi ngược chiều… mà không lo bị phạt. Nhiều lần ở nút giao thông Kim Mã - Daewoo, trong khi ô tô, xe máy đang kiên trì chờ đèn tín hiệu giao thông trên đường Liễu Giai, thì xe đạp cứ tự do vượt qua. Vừa lúc đèn đỏ chuyển sang xanh, chiếc xe vẫn còn "lượn" ngang nút giao thông làm ô tô, xe máy đang đà sang đường bị cản lại, ùn ứ, còi gióng lên inh ỏi. Sự việc diễn ra ngay trước mắt CSGT, nhưng người đi xe đạp không hề bị giữ lại để nhắc nhở hay xử phạt. Chuyện phạt người đi bộ vi phạm Luật Giao thông lại càng lạ. Vì trước khi Nghị định 34 có hiệu lực, có lẽ chưa có người đi bộ nào "phải nói chuyện với CSGT" trừ khi liên can đến tai nạn. Thế mới có chuyện, khi Nghị định 34 được áp dụng, một số người đi bộ vi phạm bị CSGT giữ lại viết biên lai phạt đã sửng sốt không thốt lên lời.
Cùng là đối tượng tham gia giao thông, cùng có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, tại sao việc xử lý vi phạm lại có sự phân biệt và thiếu công bằng giữa các đối tượng như thế?
Nghị định mới, thực hiện có mới?
Những ngày qua, Nghị định 34 đã được áp dụng với mức phạt mới cao hơn nhiều quy định cũ và với nhiều điểm mới khác. Điểm đầu tiên phải kể đến là người đi bộ đã bị phạt nhiều hơn khi phạm Luật Giao thông. Nhưng, lực lượng CSGT vẫn phải "than trời" khi nói về việc xử phạt. Bởi vì, để xử phạt được ngay thì người vi phạm phải mang theo giấy tờ và đủ tiền (mức phạt cao nhất đến 120.000 đồng/lượt). Nếu họ không mang theo giấy tờ, CSGT phải dẫn về nhà hoặc cơ quan, chính quyền sở tại để kiểm tra nhân thân, có khi mất cả buổi sáng mới phạt xong một người. Đó là chưa kể, hạ tầng giao thông yếu kém, nhiều nơi vạch kẻ đường mờ tịt, khiến CSGT đuối lý khi người đi bộ "cãi".
Nhiều cái khó này khiến CSGT đôi khi chỉ biết đứng nhìn người vi phạm. Đối với người đi xe đạp, việc xử phạt cũng có cái khó gần giống việc phạt người đi bộ. Còn đối với xe buýt, có lẽ chỉ có lực lượng CSGT mới biết lý do chính xác giải thích tại sao họ lại bỏ qua lỗi vi phạm. Theo phân tích của nhiều người, trong số nhiều vi phạm cùng lúc, lực lượng và phương tiện lại có hạn, như một lẽ thường tình, CSGT sẽ lựa chọn đối tượng dễ phạt nhất, dễ đạt ''chỉ tiêu'' nhất. Ngoài quan điểm và trách nhiệm của CSGT, để thực hiện công bằng trong xử phạt vi phạm Luật Giao thông, cần có một số điều kiện. Trong số đó, phương tiện và kỹ năng xử phạt vi phạm Luật Giao thông hiện nay còn rất thô sơ, chưa có sự hỗ trợ tích cực của các phương tiện kỹ thuật hiện đại như camera ghi hình chẳng hạn. Quy trình xử phạt của CSGT vẫn tuần tự: giữ người và phương tiện vi phạm, kiểm tra giấy tờ, giữ giấy tờ, viết biên lai phạt, đợi nộp tiền phạt và trả lại giấy tờ. Đây là nguyên nhân chưa cho phép CSGT xử phạt vi phạm Luật Giao thông một cách nhanh, gọn, chính xác. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng thiếu toàn diện, còn chắp vá, chưa đáp ứng đúng quyền của người đi bộ, người đi xe đạp (chưa đáp ứng đúng và đủ phần đường cho từng đối tượng) là một phần quan trọng cản trở việc xử phạt công bằng giữa các đối tượng tham gia giao thông.
Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, quan điểm và trách nhiệm trong công việc của CSGT, lực lượng chủ chốt thực hiện Luật Giao thông vẫn là nhân tố quyết định tính công bằng trong xử phạt vi phạm Luật Giao thông. Hy vọng, với Nghị định 34, tính công bằng sẽ được thể hiện tốt hơn, góp phần nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.