Vấn đề nóng: Quyền tự chủ

Giáo dục - Ngày đăng : 07:18, 25/05/2010

(HNM) - Hơn 2 tháng triển khai Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình hành động của Bộ GD-ĐT về đổi mới quản lý giáo dục đại học (ĐH) giai đoạn 2010-2012, vấn đề này đã được triển khai thảo luận rộng rãi ở hàng trăm trường ĐH, CĐ. Trong đó, việc phân cấp và trao quyền tự chủ vẫn là những nội dung nóng bỏng.

Việc phân cấp và trao quyền tự chủ cho các trường đại học đang là vấn đề nóng và được dư luận quan tâm. Trong ảnh: Sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong phòng thí nghiệm. Ảnh: TTXVN


Những bài toán chưa có lời giải
Nhận xét chung về tình hình thảo luận tại các trường, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Quang Quý cho biết phần lớn các ý kiến cho rằng đầu tư của nhà nước còn dàn trải, học phí thấp lại chậm thay đổi; điều kiện cơ sở vật chất còn nghèo nàn dẫn tới việc thực hiện nhiều nhiệm vụ mang tính đối phó và hình thức như đào tạo tín chỉ chưa triệt để. Thu nhập của giảng viên thấp, không tạo động lực để giảng viên chuyên tâm vào giảng dạy, nghiên cứu...

Các cuộc thảo luận nhất trí ở mức cao là phải đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo.

Đó cũng là điều mà GS-TS Từ Quang Hiển, ĐH Thái Nguyên nhấn mạnh như một bài toán khó, yêu cầu giải quyết mâu thuẫn giữa quy mô và chất lượng. Ông cho rằng mâu thuẫn này chưa có biện pháp giải quyết triệt để, bởi đầu tư cho giáo dục chưa nhiều nên các trường thường chọn giải pháp tăng quy mô để tăng thu nhập, do đó việc nâng cao chất lượng đào tạo không tăng tương xứng. Việc chuyển đổi đào tạo từ học niên chế sang học chế tín chỉ còn nhiều khó khăn cả về chính sách, đội ngũ và cơ sở vật chất. Bên cạnh đó, việc tăng lương cho cán bộ, giảng viên theo lộ trình của Chính phủ từ các nguồn thu khác và tiết kiệm chi của các cơ sở giáo dục ĐH là một áp lực lớn đối với nhà trường trong việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học (NCKH).

Theo GS-TS Từ Quang Hiển, một số chính sách của nhà nước chưa khuyến khích việc nâng cao chất lượng đào tạo, như cấp ngân sách theo quy mô và chỉ tiêu tuyển sinh; chính sách tuyển dụng còn căn cứ nhiều vào bằng cấp khiến một bộ phận học sinh, sinh viên chưa quan tâm tới chất lượng thực tế của việc học.

GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, một cơ sở đang có chiến lược phát triển theo định hướng ĐH nghiên cứu ứng dụng khẳng định, (NCKH) là khâu mấu chốt trong nâng cao chất lượng đào tạo. Song giảng viên lại bị quá tải trong giảng dạy, không còn thời gian làm nghiên cứu. GS-TSKH Bùi Văn Ga đặt vấn đề: Nếu giảm tải trong giảng dạy mà không đi kèm nâng cao đời sống của giảng viên thì họ vẫn phải đi làm thêm, dạy thêm ở các trường tư để có thêm thu nhập. Như vậy, bài toán thúc đẩy NCKH ở các trường vậy là vẫn không có lời giải...

Vì sao chưa tạo được bước đột phá?
Cần phân cấp, phân quyền mạnh hơn, là khẳng định của GS-TS Từ Quang Hiển trong vai trò đại diện của một ĐH vùng. Vị giám đốc ĐH Thái Nguyên coi đó là yêu cầu của việc đổi mới đồng bộ quản lý giáo dục ĐH, từ trung ương đến cơ sở, từ bộ đến các ĐH và các trường thành viên. Trong khi hiện nay việc phân cấp cho các ĐH khu vực chưa có sự khác biệt nhiều so với các trường ĐH trực thuộc Bộ GD-ĐT, một số văn bản phân cấp nhưng trên thực tế không phát huy tác dụng. Đặc biệt, GS-TS Từ Quang Hiển lo ngại rằng một số lĩnh vực có xu hướng tập trung trở lại.

Chia sẻ ý kiến của người đồng nhiệm, GS-TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, đồng ý là đến nay, cơ chế cũng như hệ thống văn bản pháp quy chưa phân biệt rạch ròi giữa ĐH vùng và các trường ĐH độc lập dẫn đến sự lúng túng trong quản lý. Ông cho rằng việc giao quyền tự chủ cho các trường ĐH đã đạt đến mức giới hạn. Nghĩa là các trường đã sử dụng tối đa lợi thế quyền tự chủ để nâng cao chất lượng đào tạo nhưng do bị giới hạn về điều kiện tài chính nên chưa tạo ra được những bước đột phá.

Nội dung này cũng được Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận nhấn mạnh khi nhìn lại 2 tháng triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng về đổi mới quản lý giáo dục ĐH. Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cho biết, sắp tới việc phân cấp sẽ mạnh mẽ hơn, trao quyền chủ động nhiều hơn cho các nhà trường: "Nguyên tắc quản lý là cấp trên chỉ nên làm những việc mà cấp dưới không làm được hoặc làm không tốt bằng, còn những việc cấp dưới làm được, có khi còn làm tốt hơn thì cấp trên không nên bao biện".

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phạm Vũ Luận cũng cho rằng, quyền hạn cao hơn gắn với trách nhiệm cao hơn. Đồng thời, việc trao quyền chủ động cũng phải có giải pháp để cơ quan quản lý cấp trên và cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan có công cụ hữu hiệu để kiểm tra, giám sát, đánh giá hoạt động, làm sao không để trống bất cứ khu vực nào để các tổ chức cá nhân có thể tự tiện hành động không đúng luật. Ba hoạt động này phải đi cùng, vừa phân cấp, vừa trao trách nhiệm, vừa tăng cường sự kiểm tra giám sát của các cơ quan có trách nhiệm.

Quỳnh Phạm