Phải thể hiện rõ hào khí Thăng Long
Xã hội - Ngày đăng : 06:38, 25/05/2010
Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết luận buổi làm việc. Ảnh: Linh Tâm |
Dự hội nghị có các đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Nguyễn Thế Thảo, UVTƯ Đảng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nộị, Phó Trưởng ban Thường trực BCĐ, Trưởng BTC các hoạt động kỷ niệm 1000 năm Thăng Long thành phố Hà Nội; Phùng Hữu Phú, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ, Phó Trưởng BCĐ cùng các Phó Trưởng BCĐ, Phó Trưởng BTC, thành viên BCĐ, BTC các hoạt động kỷ niệm 1000 năm TL-HN, đại diện các cơ quan chức năng của TƯ và thành phố Hà Nội.
Hội nghị tập trung đóng góp ý kiến cho 2 kịch bản quan trọng nhất trong 10 ngày Đại lễ, đó là "Lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành kỷ niệm 1000 năm TL - HN" vào sáng 10-10 tại Quảng trường Ba Đình và kịch bản văn học cho chương trình nghệ thuật với chủ đề "Thăng Long - Thành phố Rồng bay" diễn ra vào tối 10-10 tại sân vận động quốc gia Mỹ Đình.
Về kịch bản lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành, Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Lê Tiến Thọ cho biết: Dự kiến, tổng số người tham gia lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành khoảng hơn 18.000 người, buổi lễ kéo dài khoảng 120 phút. Phương án đề phòng thời tiết xấu cũng đã được tính đến...
Đối với chương trình nghệ thuật "Thăng Long - Thành phố Rồng bay" đang được nhân dân cả nước kỳ vọng và đón nhận, dự kiến gồm 5 chương, khái quát lịch sử hình thành phát triển của Thăng Long - Hà Nội trong suốt 1000 năm lịch sử.
Hai kịch bản trên được hội nghị thảo luận kỹ, đánh giá cao sự công phu, cặn kẽ, chu đáo cũng như tâm huyết của những người tham gia, song dấu ấn 1000 năm TL-HN trong kịch bản lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành theo các đại biểu là chưa rõ nét, còn kịch bản nghệ thuật "Thăng Long - Thành phố Rồng bay" lại dàn trải và đi vào những chi tiết cụ thể quá nhiều. Để các chương trình kỷ niệm thực sự trang trọng, hoành tráng mà sâu lắng, ấn tượng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Phùng Hữu Phú đề xuất lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành nên bổ sung thêm đoàn Việt kiều và đoàn đại diện cho các dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam, đồng thời cần làm rõ hơn dấu ấn 1000 năm TL-HN qua các chương trình này. Đồng tình với quan điểm trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, sau khi diễu binh, diễu hành, các đoàn diễu binh, diễu hành nên đi vào một số tuyến phố chính của Thủ đô để nhân dân được xem và hiểu hơn tinh thần, sức mạnh đoàn kết của dân tộc. Riêng về việc lựa chọn các nhân vật, sự kiện lịch sử cho chương trình nghệ thuật "Thăng Long - Thành phố Rồng bay", Bí thư Thành ủy yêu cầu ê kíp thực hiện chương trình phải cân nhắc kỹ, làm nổi bật được công lao của người khai sáng kinh thành Thăng Long là đức Thái tổ Lý Công Uẩn và công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh...
Sau khi nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các kịch bản này phải được đặt trong tổng thể kịch bản của 10 ngày Đại lễ, từ đó xây dựng nội dung cho phù hợp, nhịp nhàng, tránh trùng lắp. Phó Thủ tướng đồng ý bổ sung thêm đoàn Việt kiều và đoàn đại diện cho các dân tộc, tôn giáo ở Việt Nam cho lễ mít tinh; đồng ý với đề xuất mời đạo diễn Trọng Đài, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn và Lại Văn Sâm làm đạo diễn cho chương trình nghệ thuật "Thăng Long - Thành phố Rồng bay" và giao cho BCĐ quốc gia phối hợp cùng các ngành liên quan triển khai hoàn thiện nội dung các kịch bản càng sớm càng tốt. Với kịch bản "Thăng Long - Thành phố Rồng bay" nên rút gọn còn 4 chương và nhấn mạnh tới tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội, Hà Nội là Thành phố vì Hòa bình... Cùng với việc hoàn thiện 2 kịch bản trên, Phó Thủ tướng lưu ý các ngành chức năng sớm xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội cho 10 ngày Đại lễ.