Động lực cho kinh tế châu Á

Thế giới - Ngày đăng : 06:26, 25/05/2010

(HNM) - Cuộc gặp lần thứ 7 giữa Bộ trưởng Thương mại ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc vừa kết thúc cuối tuần qua tại Seoul, với tuyên bố chung khẳng định sẽ hoàn tất bản nghiên cứu khả thi về một khu vực tự do thương mại chung trong vòng 2 năm tới. Đây là một trong những bước chuẩn bị quan trọng cho cuộc gặp thượng đỉnh ba bên sẽ diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc) trong hai ngày 29 và 30-5 tới.

Bộ trưởng Thương mại ba nước Trung - Nhật - Hàn khẳng định quyết tâm đẩy mạnh hợp tác thương mại ba bên.

Đây không phải lần đầu tiên hợp tác thương mại ba bên được các quan chức Trung- Nhật - Hàn đưa ra bàn thảo. Trong cuộc gặp hồi đầu tháng 5 vừa qua tại Seoul, các quan chức thương mại ba nước đã dành trọn 2 ngày để thảo luận một loạt vấn đề liên quan đến Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa ba nước, với mục tiêu sớm mở các cuộc thảo luận ở cấp chính phủ để đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề này. Các quan chức thương mại ba nước đồng quan điểm rằng, FTA Trung - Nhật - Hàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình liên kết các nền kinh tế lớn của khu vực châu Á cũng như góp phần đẩy nhanh việc hình thành Cộng đồng Đông Á theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama.

Vì vậy, trong cuộc gặp trên, các bộ trưởng thương mại Trung - Nhật - Hàn đã khẳng định rằng, việc kêu gọi các nước tăng cường điều phối để thúc đẩy hơn nữa hợp tác thương mại ba bên là cần thiết, nhất là trong bối cảnh khu vực Đông Bắc Á đang đẩy nhanh việc hoàn thành FTA. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh cho rằng, giữa lúc nền kinh tế toàn cầu vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ trong thời kỳ hậu khủng hoảng tài chính -kinh tế, sự hợp tác ba bên về thương mại không chỉ là "chìa khóa" thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Bắc Á, mà còn là động lực góp phần đẩy nhanh quá trình hồi phục của nền kinh tế khu vực châu Á.

Là những nền kinh tế lớn nhất của khu vực, chiếm khoảng 16% GDP toàn cầu, hơn 70% tổng lượng kinh tế của khu vực châu Á và 2/3 tổng giao dịch thương mại khu vực, sự hợp tác thương mại Trung - Nhật - Hàn càng có ý nghĩa hơn với sự phát triển của kinh tế khu vực. Nhận định trên hoàn toàn có cơ sở, bởi cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua đã cho thấy sức bật của các nền kinh tế khu vực châu Á nói chung, Đông Bắc Á nói riêng. Trong đó, sự trỗi dậy mạnh mẽ của 3 nền kinh tế Trung - Nhật - Hàn được ví như những đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới vượt qua cơn bão suy thoái. Giới tài chính quốc tế cho rằng, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vừa qua đã cho thấy, trọng tâm của nền kinh tế thế giới đang dần dịch chuyển về châu Á. Trong đó sự phát triển của ba nền kinh tế Trung - Nhật - Hàn được xem là động lực của quá trình này.

Sự kiện ba nước Trung - Nhật - Hàn đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại là tín hiệu tốt, đặc biệt trong bối cảnh Đông Bắc Á đang bị chi phối bởi nhiều vấn đề "nóng" như vụ đắm tàu Cheonan của Hàn Quốc; việc di chuyển căn cứ không quân Futenma của Mỹ trên đất Nhật hay tăng trưởng kinh tế "nóng" của Trung Quốc... Sự gắn kết ngày càng sâu rộng về thương mại sẽ giúp Trung - Nhật - Hàn từng bước xóa đi khoảng cách phát triển cũng như sự chênh lệch đáng kể về nguồn tài nguyên, trình độ công nghệ, chi phí lao động... đồng thời góp phần đáng kể vào nền hòa bình, ổn định của châu Á - Thái Bình Dương.

Song, để một khu vực tự do thương mại chung sớm được hình thành, ba nước cần đẩy nhanh hoạt động nghiên cứu chung về vấn đề FTA ở cấp chính phủ, doanh nghiệp cũng như giới chuyên gia; đồng thời xúc tiến các cuộc thương lượng về đầu tư... Hy vọng rằng, tại cuộc gặp thượng đỉnh ba bên vào cuối tuần tại Hàn Quốc, các nhà lãnh đạo ba nước sẽ tìm được tiếng nói chung về vấn đề quan trọng này.

Đình Hiệp