Tán thành thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

Chính trị - Ngày đăng : 18:01, 24/05/2010

(HNMO) – Ngày 24/5, trong phiên thảo luận về dự thảo Luật thi hành án hình sự (sửa đổi), các đại biểu đề cập nhiều đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự, hình thức thi hành án tử hình, việc giải quyết việc xin nhận hài cốt của người bị thi hành án tử hình…


Trước khi QH thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba đã trình bày Báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thi hành án hình sự.

Chưa thống nhất về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong thi hành án hình sự

Mặc dù dự thảo luật đã có sự tiếp thu, chỉnh lý, nhưng các đại biểu QH vẫn chưa thể nhất trí về nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong thi hành án hình sự.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh - TP Hà Nội - đề nghị chỉ nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã có nhiệm vụ "theo dõi, giáo dục" người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế và cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm những công việc nhất định, tước một số quyền công dân và án treo, chứ không nên giao nhiệm vụ "giám sát" vì nó sẽ mâu thuẫn với một điều khác trong chính luật này.

Ngoài ra, qua nghiên cứu thực tế, đại biểu cho rằng, Ủy ban nhân cấp xã còn rất nhiều khó khăn về tổ chức biên chế, về đội ngũ cán bộ và kinh phí hoạt động, nên quy định ở đây cần bổ sung: "Chính phủ quy định cụ thể về tổ chức cán bộ, kinh phí cho Ủy ban nhân cấp xã trong hoạt động thi hành án hình sự". Theo đại biểu Khánh, nếu không quy định cụ thể về vấn đề này sẽ không khả thi trong quá trình thực hiện.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết - Yên Bái – lại ủng hộ việc giao Ủy ban nhân dân cấp xã quyền hạn trong việc thi hành án hình sự gồm: giám sát giáo dục người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền của công dân và án treo. Công an xã tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của luật này.

“Tôi thấy rằng quy định như vậy rất phù hợp vì vai trò của Uỷ ban nhân dân cấp xã là trực tiếp quản lý công dân tại địa bàn và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở. Và hơn nữa quy định này nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác thi hành án hình sự, phù hợp với vai trò của Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan, các tổ chức nơi cư trú của người phải chấp hành án, để giám sát, giáo dục, nhận xét, đánh giá kết quả chấp hành án của người đó”, đại biểu Tuyết nói.

Cũng liên quan đến quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc thi hành án, đại biểu Vi Thị Hương - Điện Biên - đồng ý với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong thi hành án như dự thảo luật. Tuy nhiên, việc giám sát các đối tượng này chưa thực sự hiệu quả, chưa đạt được mục đích răn đe, giáo dục người phạm tội, nhất là đối với các đối tượng được hưởng án treo.

“Thực tế công việc của cấp xã hiện nay rất nhiều, trong khi trình độ của cán bộ tư pháp xã chưa đều, chưa đáp ứng hết được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Dự thảo Luật cần quy định chặt chẽ để chính quyền xã làm tốt hơn vai trò của mình”, đại biểu Hương đề nghị.

Nên cho thân nhân nhận xác tử tù có điều kiện


Đại biểu Lê Thị Nga - Thái Nguyên – là người ủng hộ việc cho phép thân nhân nhận xác tử tù. Theo bà Nga, hàng năm số lượng tử tù bị thi hành không nhiều, không phải trường hợp nào việc cho, nhận xác cũng gây ảnh hưởng đến trật tự, an ninh. Trong thực tiễn có những trường hợp lợi dụng việc nhận xác để tổ chức tang lễ linh đình nhằm mục đích gây rối trị an, nhưng đó chỉ là cá biệt.

“Về cơ bản, luật nên cho phép thân nhân nhận xác tử tù với điều kiện kèm theo là phải có cam kết về việc đảm bảo an ninh trật tự, không tổ chức tang lễ linh đình mà giao cho chính quyền địa phương nơi tổ chức tang lễ theo dõi, giám sát. Trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”, đại biểu Nga nói.

Đại biểu Nga cũng lưu ý, đối với một số trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ, vì lý do đảm bảo an ninh, trật tự, Nhà nước không cho phép thân nhân nhận xác tử tù và Nhà nước có trách nhiệm tổ chức chôn cất, bảo quản phần mộ tử tù và cho phép thân nhân được thăm viếng theo phong tục tập quán.


ĐB Lê Thị Nga phát biểu - Ảnh: TTXVN


Đại biểu Trần Bá Thiều - TP Hải Phòng – cũng đồng tình với quan điểm có thể cho thân nhân của tử tù nhận tử thi, nhưng phải có các điều kiện. Đó là: Đối tượng bị tử hình không phải là những đối tượng “cốt cán” cầm đầu các băng đảng mà khi cho nhận có thể gây mất an ninh trật tự; Ngay sau khi thi hành án tử hình, thân nhân của người bị tử hình phải nhận và phải an táng ngay, không được tổ chức tang lễ.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết – Yên Bái lại đề nghị không nên đưa điều này vào luật.

“Vì nếu như quy định điều này thì nó sẽ xảy ra phức tạp, nó sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý phần mộ của người bị thi hành án tử hình, nhất là trách nhiệm giải quyết trong trường hợp người thân của người bị thi hành án tử hình có yêu cầu nhận hài cốt mà hài cốt không còn thì khi đó sẽ giải quyết thế nào”, đại biểu Tuyết nói.

Đại biểu Phạm Quốc Anh - Đồng Nai – ủng hộ việc luật hóa quy định cho thân nhân tử tù được nhận tro cốt, thay vì hài cốt.

“Thực hiện việc hỏa táng, chứ không nên thực hiện việc chôn cất, tôi cho đấy là việc rất chính xác, đúng đắn. Bởi vì đất đai chúng ta có hạn và việc chôn cất kéo theo rất nhiều hệ quả phức tạp sau này. Cho nên thay vì việc chôn như truyền thống từ trước đến nay, chúng ta nên tiếp tục đầu tư, Chính phủ và Nhà nước nên đầu tư một số khu vực để hoả táng theo khu vực. Việc hoả táng theo khu vực cho người ta nhận ngay tro, cốt sau khi hoả táng độ một vài ngày, thậm chí một tuần hay nửa tháng…”, ông nói.

Ủng hộ hình thức thi hành án tử hình bằng tiêm thuốc độc

Đại biểu Đặng Huyền Thái - TP Hà Nội – đề nghị, chỉ nên quy định một hình thức thi hành án tử hình là tiêm thuốc độc nhưng cần quy định thật cụ thể về trình tự, thủ tục và chỉ thực hiện sau khi đã làm điểm rút kinh nghiệm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Nhơn - Đồng Tháp lại đề nghị, ngoài tiêm thuốc độc thì nên có hình thức sử dụng bằng điện, người chấp hành án thi hành án tử hình được quyền chọn một trong hai hình thức tử hình, một là tiêm thuốc độc hay sử dụng bằng điện.

Về việc này, đại biểu Hoàng Văn Em - Quảng Trị - đề nghị nên nghiên cứu dung hòa giữa cả hai hình thức xử bắn và tiêm thuốc độc để tạo cơ sở cho các Hội đồng thi hành án địa phương nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn của địa phương mình.

“Nói chung, phương án tiêm thuốc độc đỡ gây áp lực. Tuy nhiên, trong thực tiễn có nhiều vụ án mà tính chất vụ án là hết sức nghiêm trọng, gây bức xúc trong công luận. Có thể căn cứ vào tình hình yêu cầu nhiệm vụ địa phương thì Hội đồng có thể quyết định đưa ra xử bắn để mà trấn áp tội phạm và đồng thời làm ổn định tâm lý trong nhân dân”, đại biểu Em nói.

H.V