Khi vợ, chồng khổ vì bạn đời chỉ “tốt nước sơn”

Xã hội - Ngày đăng : 11:29, 24/05/2010

Chị Hường ở Phùng Khoang, Hà Nội tỏ ra bức xúc vì thường xuyên phải chịu những câu nói cục cằn của chồng. Chị tâm sự: “Bạn bè và đồng nghiệp ai cũng khen anh ấy lịch thiệp nhưng tôi không hiểu ở nhà sự lịch thiệp của anh bay đi đâu hết?”

Ảnh chỉ có tính minh họa (Nguồn: Internet)

Chị Hường ở Phùng Khoang, Hà Nội tỏ ra bức xúc vì thường xuyên phải chịu những câu nói cục cằn của chồng. Chị tâm sự: “Bạn bè và đồng nghiệp ai cũng khen anh ấy lịch thiệp nhưng tôi không hiểu ở nhà sự lịch thiệp của anh bay đi đâu hết?”

Khi bạn đời như… người hai mặt

Tám giờ tối, chị Thúy ở Khâm Thiên, Hà Nội vẫn hì hụi tắm giặt cho các con và dọn dẹp nhà cửa. Chồng chị nằm xem ti vi, thi thoảng lại nhờ vả chị những việc lặt vặt. Chị Thúy nói chồng hãy tự làm thì lập tức bị đáp lại bằng một câu khó chịu.

Chị Thúy kể rằng, đó chỉ là một trong rất nhiều lần chị phải chịu đựng những lời khó nghe của anh. Đôi lúc góp ý mong chồng sửa nhưng rồi vẫn chứng nào tật ấy. Trớ trêu ở chỗ, anh chỉ tỏ ra cục cằn với vợ con, còn ra đường anh cư xử với mọi người nhẹ nhàng, chu đáo, ai nhờ gì cũng được.

“Người ngoài ai cũng tưởng tôi sướng vì có người chồng hào hoa nhưng họ đâu biết cái cảnh của người ‘trong chăn’,” chị Thúy ấm ức.

Giống như chị Thúy, chị Hợp ở Cầu Giấy, Hà Nội không ít lần bối rối trước cảnh bạn bè ca ngợi chồng chị. Người khen anh ấy khéo ăn nói, nhã nhặn, kẻ thì ngợi ca anh ấy nhiệt tình, galăng… Chỉ có chị là cảm thấy chồng mình xa lạ với những lời nhận xét đó.

“Có lần ức quá, tôi nói với bạn của anh ấy rằng ở nhà tôi chỉ mong chồng được bằng một phần mười những lời nhận xét kia nhưng anh bạn đó không tin còn tưởng tôi nói đùa,” chị Thúy tỏ ra chán nản.

Không riêng gì những bà vợ chịu cảnh chồng chỉ “tốt” với thiên hạ mà một số đức lang quân cũng chung cảnh ngộ này.

Anh Dũng ở Đường Láng, Hà Nội là một ví dụ. Anh tâm sự, vợ anh hay cáu kỉnh lại thường sử dụng những câu cộc lốc khi nói chuyện với chồng. Nhiều lần góp ý với chị nhưng không có kết quả, anh đành chặc lưỡi chấp nhận nó như một thuộc tính cố hữu của vợ và không để ý đến nữa. Thế nhưng, trong chuyến đi nghỉ mát cùng cơ quan chị, anh đã giật mình khi thấy vợ dịu dàng đến không tin nổi. Trò chuyện với đồng nghiệp của vợ anh mới biết, chị được mọi người yêu mến bởi sự thân thiện.

“Vậy mà tôi đã không được hưởng cái phúc này,” anh Dũng chua chát nói.

Nhìn chung, các ông chồng, bà vợ thường xuyên phải nghe những lời nói không hay của bạn đời đều có chung cảm nhận là khó chịu, chán nản. Không ít người trong số họ nhận xét rằng điều này đã ảnh hưởng xấu đến hạnh phúc gia đình họ.

Đâu là bản chất?

Tuy thường “tặng” bạn đời những lời khó nghe nhưng nhiều người trong số họ cho rằng đó không phải là bản chất của mình.

Chị Hoài sống tại Kiều Mai, Từ Liêm, Hà Nội mặc dù ra ngoài rất được lòng người nhưng về nhà lại hay cáu kỉnh, lời to tiếng nhỏ với chồng. Không ít lần anh chị đã đã phải nhắc đến chuyện ly hôn. Mặc dù vậy, chị Hoài lại nghĩ, hành động đó cũng một phần là do chồng.

“Ra ngoài vì công việc, mọi thứ đã phải nín nhịn, về nhà lại nín nhịn nữa thì chịu sao nổi,” chị Hoài giãi bày.

Còn anh Hòa ở Giải Phóng, Hà Nội thì giải thích lý do mình nhiệt tình với bạn bè hơn gia đình: “Bạn cả đời mới nhờ vả mình một vài lần, còn việc nhà làm lúc nào mà chả được.”

Trường hợp khác của anh Khánh ở Xuân Thủy, Hà Nội là trưởng phòng kinh doanh của công ty phân phối đồ gia dụng. Anh lý giải cho cảnh hay nổi nóng với vợ là do áp lực doanh số trong công việc. Anh thừa nhận cư xử của mình không tốt cho mối quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, anh vẫn cho rằng, đó không phải là bản chất của mình.

Lý giải về hiện tượng này, các chuyên gia tâm lý cho rằng hành vi thường xuất hiện trong đời sống gia đình mới chính là bản chất của mỗi cá nhân.

Theo các chuyên gia, mỗi cá nhân thường mang nhiều vai xã hội khác nhau đặt trong hai bối cảnh là xã hội và gia đình. Thường thì cá nhân phải tuân theo những chuẩn mực ứng xử của xã hội để đạt được những giá trị mà mình mong muốn. Còn trong gia đình, phạm vi nhỏ hẹp, những ràng buộc về đạo đức chủ yếu là tự giác. Các chuẩn mực ứng xử cũng dựa trên sự tự giác của mỗi cá nhân. Chính vì vậy, lịch sự hay thô bạo tùy thuộc vào nhân cách của mỗi cá nhân này.

“Có thể nói, ứng xử xã hội chỉ là cái vỏ,” nghiên cứu viên tâm lý Minh Đức (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) khẳng định.

Các chuyên gia tâm lý cũng nhắc nhở, mặc dù chưa có thống kê cụ thể nào về vấn đề này nhưng nhìn chung đàn ông thường khó chấp nhận sự đối xử tệ bạc của bạn đời hơn là nữ giới./.

(Nhân vật trong bài đã được đổi tên)

Vietnam+