Bệnh dạ dày cũng có thể bị lây
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:04, 24/05/2010
Uống sôđa làm dịu cơn đau
Nhiều người nghĩ uống sữa hay chút sôđa pha với một ly nước có thể làm giảm cơn đau do dư axít trong dạ dày. Nhưng cách này chỉ làm dịu cơn đau tạm thời chứ không có khả năng chữa bệnh. Vì thế, nếu dùng liên tục không chỉ dẫn tới rối loạn tiêu hóa mà còn làm cho bệnh dạ dày nặng thêm do không được chữa trị kịp thời.
Chỉ thử máu là đủ
Thử máu không thể cung cấp đầy đủ thông tin về tình trạng tổn thương bên trong dạ dày, bởi việc thử máu chỉ nhằm phát hiện bạn có nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) hay không mà thôi. Do đó, để chẩn đoán chính xác cần phải nội soi dạ dày. Phương pháp này còn giúp xác định vị trí loét, kích cỡ loét cũng như lấy mẫu niêm mạc để làm sinh thiết.
Bệnh dạ dày không lây lan
Chúng ta thường nghĩ, bệnh dạ dày xuất hiện do ăn uống không hợp lý, stress, làm việc quá sức... và bệnh dạ dày thì không bị lây nhiễm. Tuy nhiên, quan điểm này cần được thay đổi vì nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh dạ dày là do vi khuẩn HP phát tán từ phân ra môi trường, sau đó xâm nhập vào thức ăn, nước uống để vào cơ thể người và gây bệnh. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng cho thấy, vi khuẩn này có trong nước bọt, chân răng của người bệnh, do đó, thói quen mớm cơm cho trẻ là cơ hội lây truyền vi khuẩn HP.
Chỉ người lớn mới đau dạ dày
Nhiều người vẫn quan niệm chỉ người lớn mới đau dạ dày do ăn uống, sinh hoạt bừa bãi. Tuy nhiên, hiện bệnh này đang có xu hướng tăng ở trẻ em. Trẻ có thể bị bệnh dạ dày ngay từ tuổi mẫu giáo, thậm chí chỉ mấy tháng tuổi, trong đó độ tuổi hay gặp nhất là 10 - 14 tuổi.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh đau dạ dày ở trẻ nhỏ, nhưng chủ yếu vẫn là do ăn uống và stress. Ở trẻ lớn là do bị ép học quá nhiều, với trẻ nhỏ, lại là bị ép ăn. Cha mẹ thương con, thấy con ăn không đủ khẩu phần, ăn ít là ép con ăn cho bằng được rồi hay giục “ăn chậm quá, ăn nhanh lên”. Điều này khiến bé luôn lo lắng khi ăn, không thấy ngon miệng nữa. Đau dạ dày là bệnh phổ biến nhất trong các bệnh về đường tiêu hóa ở trẻ. Trong số những trẻ đến khám vì lý do đau bụng âm ỉ có hơn 50% là đau dạ dày. Khi trẻ than đau, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sớm để phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Thông tin thêm Những dấu hiệu như: đau nhói vùng thượng vị, nóng rát dạ dày, ợ nóng, ợ chua, hoặc ợ khi chải răng là biểu hiện của bệnh đau dạ dày giai đoạn đầu. Người bệnh nên điều trị kịp thời để tránh bệnh nặng thêm bằng các loại thuốc trung hòa axít. Các loại thuốc này có tác dụng cắt nhanh các cơn đau gây ra bởi bệnh trào ngược dạ dày thực quản, viêm loét dạ dày tá tràng, các triệu chứng đau dạ dày do dư axít. |