Học ngay từ nhỏ
Giáo dục - Ngày đăng : 06:41, 24/05/2010
Phạt cũng tốt, nhưng khi ta phạt thì nghĩa là sự vi phạm đã xảy ra rồi. Mà từ lỗi phạm luật có thể gây ra hậu quả khôn lường, nặng thì gây chết người, chết nhiều người chứ chẳng chơi. Bởi thế, làm gì để cảnh sát giao thông không phải thường xuyên rút biên lai mới là điều đáng nói nhất, chứ không phải là giải pháp tình thế tăng mức phạt gấp đôi gấp ba so với trước.
2. Nói về thực hiện luật, quan trọng nhất là ý thức tự giác chấp hành và sự hiểu biết của người tham gia giao thông. Mà muốn có được điều đó thì từng cá nhân phải được học, học bài bản ngay từ khi còn trẻ, như cây non cần chăm bẵm sớm để có đà bật lên. Điều đó, ở ta đã có được? Chắc là chưa, chưa đầy đủ thì đúng hơn!
Như cái chuyện học lái ô tô ấy, ta dạy theo nhu cầu, đa số người học là tự nguyện, trừ một số ngành nghề đòi hỏi người làm phải biết lái xe. Người Việt thường bắt đầu học lái khi họ chọn đó là nghề hoặc chuẩn bị mua xe ô tô riêng. Mà đa số người đủ tiền mua xe ở độ tuổi "toan về già", nghĩa là có học thì sự thẩm thấu không được nhanh như cánh trẻ, phản xạ lại càng kém nữa, như người ta nói là chân đã chậm, mắt đã mờ rồi. Đấy là chưa kể cái sự học ấy còn bị ảnh hưởng từ sức ép công việc của học viên, rất dễ phân tâm, "buổi đực buổi cái"...
Thế thì sao không đưa cái việc học lái xe ô tô, xe máy vào chương trình giáo dục chính quy, như trẻ một số nước đến cuối bậc học THPT là đã được thi lấy bằng lái xe ô tô rồi? Có thể điều kiện kinh tế - giáo dục, tâm - sinh lý trẻ em Việt Nam có sự khác, so với CHLB Đức chẳng hạn thì ta cho trẻ trung học tiếp cận chương trình học lý thuyết, rồi đến bậc học cao hơn bắt đầu thực hành và phải là chương trình bắt buộc hẳn hoi mới được. Học khi còn trẻ, học bài bản, chả hơn hẳn so với sự học vội vàng khi đã cứng tuổi hay sao?
Mà khi luật ngấm vào người, thành phản xạ, hẳn sẽ ít mắc lỗi khi tham gia giao thông hơn chứ!