Tiếng đàn Việt trên đất Mỹ

Văn hóa - Ngày đăng : 04:35, 23/05/2010

(HNM) - Nghệ sĩ đàn tranh Thanh Thủy và nghệ sĩ đàn bầu Trà My vừa có chuyến biểu diễn tại nhiều nơi trên nước Mỹ, trong đó có thủ đô Washington và thành phố New York, từ ngày 21-4 đến 7-5. Suốt hai tuần đi biểu diễn, với hai nghệ sĩ không chỉ là chuyến công tác "dài hơi" mà còn ghi dấu về chuyến đi xa nhiều ý nghĩa của âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Nghệ sĩ đàn bầu Trà My biểu diễn tại Washington D.C.

Đêm nhạc tối 21-4 tại trụ sở của Hội Châu Á ở New York là một phần trong chương trình giới thiệu văn hóa Việt Nam, cùng với triển lãm "Nghệ thuật cổ đại Việt Nam: Từ đồng bằng ra biển lớn" từ ngày 2-2 đến 2-5 và đêm chiếu phim "Mỹ Lai" tối 22-4. Ngoài ra, Thanh Thủy và Trà My còn thực hiện chương trình biểu diễn tại các trường đại học với ba buổi diễn tại New York và Washington D.C và tiến hành ghi âm các bản nhạc tại Khoa Âm nhạc Đại học Washington. Chương trình tại Brookhaven National Laboratory (BNL) ở New York vào ngày 28-4 thu hút trên 200 khán giả. BNL là một trong 10 cơ quan thí nghiệm lớn nhất của Mỹ nên khán giả hầu hết thuộc giới trí thức. "Chưa có buổi diễn âm nhạc nào thu hút nhiều khán giả đến thưởng thức như vậy tại BNL. Những người tổ chức nói với tôi như vậy và họ ngỏ ý mời các nghệ sĩ trở lại biểu diễn vào năm sau", ông Trần Thắng - Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE), đơn vị tổ chức chương trình này tại các trường đại học - cho biết.

Bên cạnh các bản độc tấu những làn điệu âm nhạc truyền thống như Luyện Nam cung (đàn tranh), Nhịp đuổi, Hành vân (đàn bầu), tiếng đàn của hai nghệ sĩ còn hòa quyện trong các bản hòa tấu Lới lơ, Nam ai… "Chúng tôi chưa một lần đặt chân đến nước Mỹ, dù biết rằng đây là đất nước có quan hệ đặc biệt với Việt Nam. Vì vậy, cảm xúc thật khó tả khi âm nhạc dân tộc Việt Nam được biểu diễn tại thủ đô nước Mỹ", nghệ sĩ Thanh Thủy tâm sự. Hai nữ nghệ sĩ đều là giảng viên Khoa Nhạc cụ truyền thống - Học viện Âm nhạc quốc gia. Nguyễn Thanh Thủy từng đoạt giải nhất và giải dành cho người diễn tấu nhạc cổ truyền hay nhất trong Cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc năm 1998. Cả hai đã có nhiều dịp biểu diễn ở nước ngoài cùng các nghệ sĩ nước bạn và tham gia các liên hoan âm nhạc thử nghiệm.

Có mặt tại các buổi biểu diễn của hai nghệ sĩ, nhiều khán giả Việt Nam tỏ ra thích thú khi thưởng thức các sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo như: Khói Trương Chi và Khói sống bằng các nhạc cụ dân tộc. Về lý do chọn những tác phẩm này biểu diễn, nghệ sĩ Trà My cho biết: "Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo muốn đưa ngôn ngữ của các cây đàn dân tộc ra thế giới. Vì vậy, ông đã sáng tác loạt tác phẩm độc tấu cho hầu hết các nhạc cụ dân tộc truyền thống. Các tác phẩm của ông không dễ đàn, vì ông khai thác rất nhiều kỹ thuật mới, lạ nhưng chúng tôi chơi các bản nhạc này cùng với âm nhạc truyền thống là cách giới thiệu súc tích và ngắn gọn với bạn bè về âm nhạc Việt Nam, từ truyền thống đến đương đại". Ông Trần Thắng cho biết thêm, không ít khán giả người Mỹ bày tỏ, họ có dịp được khám phá vẻ đẹp tâm hồn Việt qua những bản nhạc do hai nghệ sĩ trình diễn. "Những đợt chiếu phim của IVCE tại các trường đại học giúp khán giả tìm hiểu thêm về đời sống và văn hóa Việt Nam thì biểu diễn âm nhạc làm rung động lòng người, giúp người nghe thấy thanh thoát hơn", ông Trần Thắng nói.

Tiếng đàn bầu và đàn tranh đến với khán giả Mỹ càng khích lệ IVCE lên kế hoạch tổ chức chương trình âm nhạc Việt Nam quy mô lớn do GS Nguyễn Thuyết Phong dàn dựng vào tháng 10-2010 để biểu diễn tại một số trường đại học và trung tâm văn hóa của Mỹ.

An Bình