Giàu và nghèo

Đời sống - Ngày đăng : 04:26, 23/05/2010

(HNM) - Theo thống kê, thế giới hiện có 20% nước giàu, 20% nước nghèo, còn lại thuộc diện "thường thường bậc trung", trong đó 5% nước thật giàu và cũng chừng ấy nước thật nghèo.

Tỷ lệ đó, tính theo dân số, cũng gần đúng cho từng nước, từ những nước rất mạnh như Hoa Kỳ; những nước đang phát triển đông dân nhất như Trung Quốc, Ấn Độ; những nước phúc lợi xã hội dồi dào ở Bắc Âu hay những nước thật nghèo ở châu Phi. Câu hỏi đặt ra là:

- Tại sao ở những nước tiềm lực kinh tế hùng mạnh có những tập đoàn hằng năm thu nhập cao hơn GDP của cả một số nước (tổng thu hằng năm của Microsotf lớn hơn GDP của Phần Lan và Bungari cộng lại) mà vẫn còn nhiều triệu người sống dưới mức nghèo khổ? Và ở nước ta bức tranh giàu nghèo giờ đây như thế nào?

Dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng nước ta cũng không là ngoại lệ. Tại sao lại có hiện trạng "kẻ ăn không hết người lần chẳng ra"?.

Hà Nội không thiếu những huyện rất giàu và cũng không ít huyện thật nghèo. Trong huyện giàu nhất cũng có những xã thật nghèo và trong huyện nghèo nhất cũng có xã thật giàu. Tại sao vậy?

Nhiều ví dụ được đưa ra.

- Năm 1969, khi tôi sang Liên Xô học, thằng út nhà tôi mới lớp 4 và rất dốt. Sáu năm sau tôi về nó mới hết cấp 2. Vậy mà từ khi mở cửa nó nắm bắt thực tế rất nhanh, năm 1990 mở công ty riêng và giờ nó là một trong những đại gia của Hải Dương. Thật không hiểu nó học ở đâu?...

- Thằng cháu tôi ngược lại. Tốt nghiệp Đại học Xây dựng loại ưu, cái gì cũng vanh vách như sách mà mấy năm rồi không tìm nổi việc làm. Lúc nào cũng lơ ngơ như gà công nghiệp.

- Tôi quen một ông, lúc nhỏ cũng bình thường, lớn lên cũng vậy. Thuộc diện cả đẫn. Thế rồi mở cửa và ông vụt lên như diều gặp gió, mở hẳn một công ty tư vấn đầu tư to đùng và giờ tiếng nói của ông rất có uy tín. Người thì nói ông gặp thời; người nói được bên vợ là Việt kiều giúp...

Những câu chuyện trên và những lời đồn đại đó không phải hoàn toàn không thực tế. Nhưng có một thực tế rất rõ mà ít người để ý - vận may chỉ đến với những ai xứng đáng; hay nói theo cách dân dã: Chẳng thể trúng giải độc đắc nếu không chơi xổ số!

Trong số những xã được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới có xã Tân Châu, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Chỉ 10 năm, từ 1990 đến 2000, cái xã vào loại đói nghèo nhất Tây Nguyên này trở thành một trong những xã giàu nhất nước, hầu hết mỗi gia đình đều xây một biệt thự mà ngay cả các đại gia TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội cũng mơ có được. Mà dân ở đây chủ yếu là người K'ho, nhiều người tới khi được phong anh hùng vẫn chưa thạo tiếng phổ thông. Bí quyết của họ rất đơn giản - không chỉ giỏi trồng cà phê, họ mau chóng nắm bắt được và tận dụng được lợi thế của loại hạt này trong khi phần lớn Tây Nguyên còn đang băn khoăn trồng hay không. Và hơn nữa, khi có tiền, họ mau chóng mua thêm đất, mở rộng diện tích canh tác và hợp tác chặt chẽ để giữ thị trường của riêng mình...

Đó có phải là số? Đúng mà không! Số là vùng đất đó phù hợp; không là vì cũng vùng đất như vậy nơi khác vẫn nghèo khổ. Vấn đề không phải là do trời phú cho Tân Châu đất cà phê. Khó là biết được đất mình phù hợp làm gì và tận dụng được. Trời cho chỉ một phần, còn lại người quyết định.

Đến cụ Nguyễn Du cũng phải thốt lên:
Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều...
Còn cứ buông xuôi thì…

Đồ Nghệ