Phát triển phải đi đôi với bền vững

Chính trị - Ngày đăng : 04:07, 23/05/2010

(HNM) - Sáng 22-5, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở tổ về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2009; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2010 trong những tháng đầu năm.

Cần bảo đảm yếu tố bền vững

Đồng tình và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác điều hành của Chính phủ, song ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng nền kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều bất ổn. Tình trạng nhập siêu vẫn cao, thâm hụt ngân sách lớn, chính sách tài chính - tiền tệ thay đổi liên tục. Đến quý I năm 2010, chỉ số giá tăng cao, nhập siêu chưa được kiểm soát, nhiều loại vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng giá, tác động mạnh đến sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, ĐB Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị Chính phủ tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, tạo sự yên tâm cho cộng đồng doanh nghiệp và người lao động bằng nhiều giải pháp như hạ lãi suất tháo gỡ khó khăn về vốn; xây dựng công nghiệp hỗ trợ để giảm nhập siêu, nâng cao chất lượng tăng trưởng; quản lý hiệu quả giá cả; nâng cao hiệu quả đầu tư công; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính và quan trọng nhất là nâng cao đạo đức, tác phong làm việc của công chức.

Theo ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội), nền kinh tế nước ta mới hội nhập nên những khó khăn, thách thức không hẳn do ảnh hưởng của kinh tế thế giới mà còn xuất phát từ nội tại. Từ năm 2007 đến nay, việc liên tục chuyển từ tăng trưởng sang kiềm chế lạm phát rồi lại kích thích tăng trưởng cho thấy nền kinh tế thiếu chính sách đồng bộ, ổn định lâu dài. Thực tế, chính sách tài chính liên tục thay đổi từ thắt chặt đến nới lỏng, tăng - hạ lãi suất cơ bản làm cho không ít doanh nghiệp mất phương hướng. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và việc phát triển bền vững của nền kinh tế.

Liên quan đến thu chi ngân sách, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) lưu ý tình trạng địa phương xây dựng dự toán thu thấp hơn khả năng thực tế để cuối năm đạt thành tích thu vượt dự toán. Bên cạnh đó, trong khi nguồn lực đầu tư còn thiếu thì vẫn còn nguồn thu bị bỏ sót. Ví dụ riêng nợ đọng thuế thông thường đã lên tới 17.300 tỷ đồng.

Làm gì giải quyết ô nhiễm?

ĐB Bùi Duy Nhâm (Hà Nội) đề nghị, Chính phủ giao các bộ, ngành quy định rõ hơn chính sách đặc thù xây dựng nông thôn mới để thu hút nhân lực, đầu tư, nguồn vốn... Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) bức xúc, nước ta là nước nông nghiệp, khu vực nông thôn chiếm diện tích lớn, nhiều loại lương thực, thực phẩm, nguyên liệu phục vụ chăn nuôi trong nước sản xuất được mà vẫn phải nhập khẩu với khối lượng lớn. "Có thể doanh nghiệp có lợi nhưng ở góc độ quốc gia thì không nên. Trong báo cáo của Chính phủ chưa thấy có chính sách cụ thể, dù ĐBQH đã có ý kiến nhiều lần" - ĐB Nguyễn Thị Hoa nói.

Cũng trong phiên thảo luận ở tổ, các ĐB Quốc hội đã bày tỏ bức xúc trước tình trạng xâm hại môi trường. ĐB Nguyễn Đăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) lo ngại, trong 8 chỉ tiêu không đạt có đến 4 chỉ tiêu về môi trường. Vụ việc Vedan 2 năm chưa giải quyết xong. Chính phủ cần phải coi trọng hơn vấn đề môi trường. Phát triển phải đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo ĐB Trần Hoàng Thám (TP Hồ Chí Minh), tiếp xúc cử tri, bà con kêu rất nhiều về môi trường, nhưng có vẻ chưa có lối ra trong việc giải quyết tình trạng ô nhiễm, rất nguy hiểm đến sức khỏe người dân.

Khánh Khoa